Hiện nay theo thống kê, cứ 1.000 trẻ sinh ra thì có từ 1-3 trẻ bị điếc bẩm sinh. Khiếm khuyết bẩm sinh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt xã hội, sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, đặc biệt là ảnh hưởng rất nhiều đến tương lai của các bé. Trẻ bị điếc nặng và sâu thường kèm theo câm do không tiếp nhận được âm thanh, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngôn ngữ.
Theo các chuyên gia, tai có cấu tạo rất phức tạp, đảm nhận nhiệm vụ cảm thụ âm thanh, tác động đến tiền đình điều chỉnh thăng bằng cho cơ thể. \
Khi có các tác nhân như vi khuẩn, virus xâm nhập, tai sẽ bị tổn thương và mắc các bệnh lý. Các bệnh lý về tai có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó cần đặc biệt chú ý tới trẻ em. Trẻ em mắc các bệnh về tai mà không được điều trị kịp thời sẽ để lại những biến chứng rất nguy hiểm.
Nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sỹ chuyên ngành Tai - Thính học, cũng như để phục vụ tốt hơn trong việc điều trị các bệnh về khiếm thính, Hội Thính học Việt Nam đã tổ chức Lớp phẫu tích xương thái dương lần thứ hai với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Tai - Thính học trên cả nước về giảng dạy. Lớp học thu hút hơn 120 học viên là những bác sỹ công tác trong lĩnh vực Tai – Thính học trên cả nước dự học dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại Lớp phẫu tích xương thái dương lần thứ hai, PGS.TS Nguyễn Tuyết Xương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam cho biết: Cấy ốc tai điện tử là phẫu thuật đưa một thiết bị điện tử vào trong vịnh nhĩ của ốc tai (1 bộ phận của tai trong). Thiết bị này có tác dụng dẫn truyền âm thanh từ môi trường bên ngoài vào ốc tai, kích thích các đầu mút dây thần kinh thính giác, chuyển các tín hiệu điện của âm thanh qua dây thần kinh thính giác để dẫn truyền vào trung tâm nghe ở vỏ não.
Các điện cực ở ốc tai sẽ thay thế các tế bào lông ngoài (đã bị phá hủy) để dẫn truyền âm thanh vào vỏ não, giúp cho bệnh nhi nghe được, từ đó có thể nói được và hòa nhập xã hội.
"Thời điểm thích hợp nhất để phẫu thuật cấy ốc tai điện tử cho trẻ là dưới 3 tuổi, vì đây là lúc mà trung tâm thính giác ở vỏ não phát triển mạnh nhất, giúp cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Nếu cấy càng muộn, hiệu quả càng kém và trẻ sẽ mất nhiều thời gian hơn để huấn luyện ngôn ngữ", bác sĩ Xương cho hay.