Đừng để tiết dịch núm vú là mối lo cho sức khỏe của phụ nữ

02-08-2021 08:55 | Y học 360
google news

SKĐS - Tiết dịch núm vú ở phụ nữ thường xuất hiện trong độ tuổi sinh sản. Có nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên cũng có thể gặp trong một số bệnh lý nguy hiểm đến tuyến vú.

Nguyên nhân và triệu chứng tiết dịch núm vú 

Những nguyên nhân cần biết

Tiết dịch núm vú do nhiều nguyên nhân và có tới 50% các trường hợp không rõ nguyên nhân. Các nguyên nhân gây tiết dịch núm vú gồm: Giãn ống sữa, viêm ống sữa, u lành trong ống sữa và ung thư trong ống sữa; Có thể do nội tiết như u tuyến yên, thiểu năng tuyến giáp, mắc các bệnh (suy thận, suy giáp…); Những kích thích ở ngực, ở vú (như sẹo mổ, bỏng, sang chấn); Nguyên nhân cũng có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc thần kinh, trị loét bao tử,…; Tập thể dục quá mức, chấn thương vật lý hoặc tinh thần.

Đừng để tiết dịch núm vú là mối lo cho sức khỏe của phụ nữ - Ảnh 1.

Nên đi khám định kỳ 6 tháng/lần để phòng ngừa tiết dịch núm vú.

Triệu chứng của tiết dịch núm vú

Tiết dịch núm vú có 2 hiện tượng, có thể chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường hoặc có thể đó là dấu hiệu của bệnh lý.

Dịch tiết bình thường: Tiết dịch đầu vú được coi là bình thường khi dịch được tiết ra trong thời kỳ cho con bú hoặc gần đến ngày kinh; Tiết dịch ở cả hai bên vú và tiết ra ở nhiều ống dẫn. Dịch tiết dưới dạng sữa, không trong, không có mủ; Tiết dịch đầu vú xuất hiện khi dùng thuốc ngừa thai, uống thuốc an thần,…

Dịch tiết bất thường: Dịch tiết ở núm vú là tự nhiên dai dẳng và chỉ ở 1 bên vú. Dịch tiết ra chỉ ở một vài ống dẫn; Dịch tiết trắng, dính giống như lòng trắng trứng hoặc lẫn máu; Chảy sữa kéo dài từ hai vú.

Cách điều trị và phòng bệnh

Khi có biểu hiện tiết dịch núm vú thì tùy vào nguyên nhân mà các hướng điều trị sẽ khác nhau. Nếu phụ nữ đang sử dụng bất kỳ một loại thuốc mà gây tiết dịch núm vú, có thể báo lại với bác sĩ để ngừng dùng thuốc gây tăng prolactin.

 Bệnh nhân sẽ được điều trị kịp thời khi bị u hoặc ung thư tuyến vú. Phẫu thuật khi các khối u lớn nhanh và không đáp ứng với điều trị.

Để phòng ngừa tiết dịch núm vú, chị em nên thường xuyên vệ sinh sạch sẽ cơ thể, mặc áo lót phù hợp với bầu ngực, chọn chất liệu thoáng mát, không mặc áo lót còn ẩm; Tự kiểm tra vú, thời điểm kiểm tra tốt nhất là sau chu kỳ kinh nguyệt từ 3 - 5 ngày; khám và chụp X-quang, siêu âm vú định kỳ 6 tháng/lần; Khi thấy vú tiết dịch bất thường thì cần phải đi khám để được bác sĩ chuyên khoa xác định nguyên nhân, điều trị kịp thời.


BS. Mai Dũng
Ý kiến của bạn