Đừng để thú cưng thành mối đe dọa

23-04-2019 11:32 | Thời sự
google news

SKĐS - Một trẻ ở Hưng Yên bị đàn chó nuôi cắn chết, hai cha con ở Hòa Bình tử vong vì mắc bệnh dại và nhiều trường hợp trẻ bị chó tấn công phải mang sẹo suốt đời.Câu chuyện nuôi và quản lý thú cưng một lần nữa được các bác sĩ cảnh báo.

Những tai nạn thương tâm

Chiều 3/4, sau khi tan học, nhóm học sinh trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện. Chơi xong, bé trai 7 tuổi về nhà trọ gần đó thì bị đàn chó khoảng chục con lao vào cắn. Khu vực vắng người nên không có ai giúp cháu bé xua đuổi đàn chó.Bé trai vào BV. Đa khoa Hưng Yên trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn. Sau khi được ép tim, truyền máu, tim cháu bé đã đập trở lại. Tuy nhiên, không lâu sau cháu bé không qua khỏi.

Ngày 31/3, anh Bùi Văn Tuấn (32 tuổi, xã Trung Sơn, Hòa Bình) bị nấc, khó thở, sợ nước, sợ tiếng động và ánh sáng, tinh thần hoảng loạn nên được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lương Sơn.Được chẩn đoán mắc bệnh dại, người thân chuyển anh Tuấn lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh rồi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Do không thể cứu chữa, ngày 2/4 anh xuất viện, về đến nhà, tử vong. Ba ngày sau đó, con trai anh Tuấn (cùng bị chó cắn với bố) cũng không qua khỏi do bệnh dại. Cả hai bị chó dại cắn ngày 6/2 nhưng không tiêm ngừa.

Cùng tai nạn liên quan đến chó tấn công, trước đó, cuối tháng 3, một bé 3 tuổi ở Hà Nội được đưa vào BV. Xanh Pôn trong tình trạng hoảng loạn, vết thương chi chít ở đùi trái. Theo gia đình, bé đang đạp xe gần cổng nhà bị con chó pitbull nhà hàng xóm giật đứt xích lao vào cắn. Nghe tiếng con gái la hét, mẹ bé chạy ra chộp lấy con và ngăn cản chó nhưng không được.Những người xung quanh phải mang gậy, cuốc đến hỗ trợ, con chó mới chịu nhả cháu bé ra. Tại Khoa Bỏng BV. Xanh Pôn, nạn nhân được ghi nhận nhiều vết thương trên đùi, vết ngắn nhất 3cm, dài nhất 10cm và bị gãy xương đùi trái.

Đừng để thú cưng thành mối đe dọa

Các bác sĩ BV. Nhi Đồng (TP.HCM) vài tháng trước cũng đã tiếp nhận bé trai 19 tháng tuổi chơi đùa với chó, bất ngờ bị con chó nuôi trong nhà cắn mất một bên má, phần mũi gần mất hết. Các bác sĩ đã phải khâu hàng trăm mũi trên gương mặt nhưng vết thương chó cắn gây nhiễm trùng khiến gương mặt bé phải chịu mang sẹo suốt đời.

Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%

Bác sĩ cũng phải xót xa

BS. Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng Hàm Mặt BV. Nhi Đồng 1, TP.HCM, người có nhiều năm tiếp xúc với các nạn nhân cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận những trường hợp trẻ bị chấn thương vùng mặt nhưng vết thương vì chó tấn công luôn tạo nên nỗi xót xa cho các bác sĩ. Xót xa đầu tiên là tính cảm quan bởi các bé thường mang gương mặt rách bươm, đầy máu, sau đó xót xa là vì ở mọi trường hợp, hầu hết không biết cách để tự vệ, không biết phản ứng khi bị chó cắn.

Phân tích tại sao chó thường cắn trẻ vào mặt, BS. Hằng cho rằng nguyên nhân là do các bé chơi với chó thường đưa mặt vào mặt chó theo kiểu cưng nựng rồi bị chó cắn bất ngờ; ngoài ra do chiều cao của các bé chỉ ngang tầm với chó nên khi chó cắn thường cắn vào mặt.

Vết thương mặt do chó cắn không chỉ ảnh hưởng đến  thẩm mỹ mà còn phá hủy rất nhiều tổ chức hàm mặt, bác sĩ luôn gặp khó khăn trong việc điều trị bởi các vết rách do chó cắn thường lớn, phần da hỏng bị cắt lọc là rất lớn, việc co kéo da để bù vào phần da mất là không đủ, chính vì thế trẻ rất dễ bị sẹo, mất thẩm mỹ.

Vết thương chó cắn đầu tiên cầm máu, sau đó phục hồi chức năng, cuối cùng là thẩm mỹ. Các bác sĩ vì thế phải phẫu thuật rất nhiều lần, theo dõi lâu dài.

Khi người lớn chủ quan

Đáng trách nhất trong việc trẻ bị chó cắn là do người lớn quá chủ quan. Ở trường hợp trẻ bị chó hàng xóm tấn công, nguyên nhân thường do người nuôi không quản lý tốt đàn chó mà minh chứng mới nhất là tai nạn thương tâm ở Hưng Yên.

Với các trường hợp chó nuôi ở nhà tấn công, hầu hết người lớn đều cho rằng chó là thú cưng, chúng rất hiền nên cho trẻ tiếp xúc thân thiết mà không biết đây là một việc làm hết sức nguy hiểm bởi chó có thể tấn công bất ngờ bất cứ lúc nào.

“Chó dù khôn đến mấy cũng chỉ là con thú và là vật nuôi, bản thân chúng dễ nổi điên và khi đã tấn công không biết kiềm chế.Thêm nữa chúng ta không thể kiểm soát được lúc nào chó bắt đầu sắp nổi điên.Tuy nhiên chó dễ tấn công nhất là khi đang nuôi con nhỏ mà thấy người đến gần nên sợ cướp con.Hoặc chó đang ăn mà đến nên tưởng bị giật thức ăn.Hay chó bị trẻ trêu chọc, đạp vào đuôi.Điều này phụ huynh cần biết để dạy trẻ”, BS.Hằng nói.

Ngoài cắn bằng răng, chó còn cào bằng móng vuốt chính vì thể sẽ để lại hàng trăm vết thương chi chít, nát bấy và khó điều trị. Riêng chó béc-giê với bản chất ăn thịt nên khi cắn trẻ ăn cả thịt và khi tấn công ngay cả người lớn can ngăn cũng không thể cứu được.

Vấn đề cảnh báo không phải là không nuôi chó nhưng phải nuôi an toàn. Ở Nhật và một số nước, chó vẫn được nuôi nhưng thú cưng vẫn luôn có khoảng cách với con trẻ. Không nên không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó, không nên cho chó ngủ chung vì ngoài bị chó tấn công chó còn có khả năng lây các bệnh truyền nhiễm.  Chó cắn mặt thì vùng não bị ảnh hưởng rất nhanh.Răng chó dù có mắc dại hay không, răng chó còn mất vệ sinh nên rất dễ nhiễm bệnh.

Đừng để thú cưng thành mối đe dọaTiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi

Phòng bệnh dại như thế nào?

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%.Bệnh dại nguy hiểm nhưng đã có vắc xin phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại.

Để chủ động phòng chống bệnh dại và phòng ngừa chó tấn công, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

-  Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh Dại khi bị chó, mèo cắn.

- Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.

- Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

- Đến ngay Trung tâm y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

- Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.

-Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 59.000 người tử vong do dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắcxin phòng dại. Các trường hợp tử vong do bệnh dại do không đi tiêm phòng vắcxin và gặp chủ yếu ở vùng nông thôn nơi có tập quán nuôi chó thả rông, không tiêm phòng vắcxin cho đàn chó và còn thiếu hiểu biết về phòng, chống bệnh dại. Người nhiễm virus dại khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là gần như 100%, mặc dù vậy bệnh dại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được nếu người bị động vật nghi dại cắn được tiêm phòng vắcxin đúng và đầy đủ. Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh dại trên người, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người bị động vật cắn cần được tiêm vắcxin điều trị dự phòng bệnh dại.
- Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm, số tử vong do dại ghi nhận tăng cao trong giai đoạn 1990 - 2000 với hàng trăm trường hợp mỗi năm. Cùng với con số tử vong đó, hàng năm có trung bình khoảng 400.000 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn tiền vắcxin ước tính hơn 600 tỷ đồng mỗi năm, ngoài ra còn gây tổn thất đến sức khỏe, tinh thần của người dân.


THIÊN CHƯƠNG
Ý kiến của bạn