Đừng để phòng, chống bạo lực học đường chỉ “nằm” trên giấy

24-04-2019 10:08 | Xã hội
google news

SKĐS - Các văn bản, quy định pháp lý để phòng ngừa và xử lý bạo lực học đường (BLHĐ) đã được ban hành khá đầy đủ, nhưng tình trạng này diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do các địa phương không được cập nhật văn bản thường xuyên; sự chỉ đạo chưa quyết liệt từ những người có trách nhiệm do đó những quy định trên chỉ mãi nằm trên giấy... Đó là phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành về công tác phòng, chống BLHĐ vừa diễn ra mới đây.

Không nghiêm thì sẽ bị nhờn

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, chúng ta đã có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành khá đầy đủ như: Luật Giáo dục 2005, Luật Trẻ em 2016. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 80 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 quyết định, 1 Chỉ thị;  Bộ GD&ĐT ban hành 25 văn bản chỉ đạo. Hệ thống văn bản trên đã tạo hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục trong toàn quốc bảo đảm tốt an ninh, an toàn trường học... Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do đặc điểm lứa tuổi, tác động mạnh mẽ của mạng xã hội và các tác động khác từ môi trường gia đình, xã hội... Tuy vậy, khi xảy ra các vụ việc thì các địa phương lúng túng trong khâu xử lý.

Ông Bùi Văn Linh - Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác HS, SV (Bộ GD-ĐT) thừa nhận, thời gian qua tình trạng BLHĐ vẫn diễn biến phức tạp ở 1 số địa phương, cơ sở giáo dục. Một số vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần học sinh, môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội. Theo ông Linh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, trong đó có lý do quan trọng được đại diện Bộ GD&ĐT nhắc đến là do công tác thanh tra, kiểm tra về BLHĐ chưa được thực hiện thường xuyên - ông Linh khẳng định.

Đại diện nhiều địa phương cũng thừa nhận dù có rất nhiều văn bản, quy định, hướng dẫn... nhằm phòng ngừa BLHĐ nhưng chính cán bộ quản lý ở trường và giáo viên lại rất lơ mơ. Công tác chỉ đạo cũng chưa theo kịp cuộc sống. Đến khi báo chí thông tin thì các cơ quan mới vào cuộc để tiến hành xử lý.

Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hưng Yên (nơi vừa xảy ra vụ nữ sinh bị bạo lực ở Trường THCS Phù Ủng) thừa nhận vụ việc này như một bài học đau lòng trong công tác phòng chống BLHĐ. Sau khi vụ việc xảy ra, Sở GD-ĐT Hưng Yên tổ chức họp trực tuyến đến từng thầy cô để rút kinh nghiệm thì mới thấy, mặc dù Sở đã triển khai đến tận các cán bộ quản lý, nhưng một số nơi triển khai tại đơn vị mình còn hời hợt nên giáo viên chưa nắm chắc, từ đó xử lý các việc chưa được hiệu quả như mong muốn.

Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy.

Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Để kiểm soát và hạn chế BLHĐ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tăng cường kiểm tra, giám sát. Nếu không kiểm tra, giám sát thì việc triển khai kế hoạch đôi khi chỉ nằm trên giấy. Đề nghị lãnh đạo các địa phương và sở GD-ĐT phải sát sao kiểm tra, nếu lãnh đạo các trường còn dung túng, không thực hiện nghiêm thì các lãnh đạo địa phương, lãnh đạo sở phải chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta không làm nghiêm ở từng bước thì các quy định sẽ bị nhờn, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, quan điểm ngành GD-ĐT cần chủ động, tích cực, tập trung vào các giải pháp để “phòng” BLHĐ là chính chứ không phải chỉ nặng về xử lý chạy theo vụ việc. Các trường từ mầm non đến phổ thông phải cụ thể hóa các chương trình phòng chống BLHĐ bằng kế hoạch giáo dục của mỗi trường. Trong đó, phân công rất rõ trách nhiệm của người đứng đầu, ban giám hiệu và các vị trí quan trọng khác trong nhà trường như giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác đoàn - hội và từng giáo viên.

Giáo viên và mỗi nhà trường phải là những người sát sao nhất, tìm hiểu, giải tỏa các mâu thuẫn, nắm bắt được từng hoàn cảnh tâm tư của học sinh cần sự quan tâm đặc biệt hơn, nhân rộng những cách làm tốt. Các thầy cô phải trở thành nhà giáo dục chứ  không phải “thợ dạy”. “Cần lấy giáo dục, nêu gương làm chính, không nặng về phạt, răn đe”, ông Nhạ nêu quan điểm.

Nhiều giải pháp nhằm phòng chống bạo lực học đường được nhiều đại biểu đề xuất tại hội nghị vẫn là những giải pháp cũ, trong đó yêu cầu về việc thành lập bộ phận tâm lý học đường. Đề nghị Bộ sớm có định biên cho vị trí tư vấn tâm lý trong trường học thay vì kiêm nhiệm như hiện nay. Đồng thời, đề nghị sớm có bộ tài liệu chuẩn về giáo dục kỹ năng sống, dành thời lượng thích hợp cho nội dung này trong giờ dạy chính khóa thay vì lồng ghép và coi đó là hoạt động ngoài giờ lên lớp như hiện nay...

Từ thực tế BLHĐ diễn ra ngày càng phức tạp trong thời gian qua, ông Bùi Văn Linh cho biết: Trước tháng 8/2019, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức chuyên đề thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục. Nội dung thanh tra tập trung vào việc quán triệt nội dung Chỉ thị, Thông tư quy định quy tắc ứng xử của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; việc thành lập đường dây nóng (cả di động, cố định) để tiếp nhận phản ánh của học sinh, giáo viên khi có vụ việc xảy ra... Trong quá trình làm việc, đoàn thanh tra, kiểm tra của Bộ sẽ xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) ngay tại hiện trường và thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài các đoàn thanh tra, Bộ cũng chỉ đạo các Sở GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở giáo dục về triển khai kế hoạch bảo đảm an ninh, an toàn trường học; phòng, chống BLHĐ. Kết quả xử lý phải được công bố công khai để xã hội giám sát.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn