Đừng để loãng xương giảm chất lượng cuộc sống

30-03-2010 11:05 | Bệnh thường gặp
google news

Để căn bệnh loãng xương (LX) khônglàm giảm chất lượng cuộc sống chúng ta, Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Anh Thư – chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM và BS Hồ Phạm Thục Lan – trưởng khoa cơ xương khớp BV. Nhân Dân 115, TP. HCM xung quanh bệnh lý này.

Để căn bệnh loãng xương (LX) khônglàm giảm chất lượng cuộc sống chúng ta, Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lê Anh Thư – chủ tịch Hội loãng xương TP.HCM và BS Hồ Phạm Thục Lan – trưởng khoa cơ xương khớp BV. Nhân Dân 115, TP. HCM xung quanh bệnh lý này.

 Sống vui tươi, yêu đời với bộ xương chắc khỏe. Ảnh N. Hưng
* Xin bác sĩ cho biết diễn biến phát triển cấu trúc xương như thế nào? Ai và ở tuổi nào dễ bị LX nhất?

- PGS.TS.BS. Lê Anh Thư: Xương là một mô sống, luôn thay đổi và tái tạo thông qua chu chuyển xương. Hoạt động này được điều hòa chủ yếu nhờ hai loại tế bào chính: tế bào sinh xương và tế bào hủy xương. Dưới 25 tuổi, hoạt động của các tế bào sinh xương sẽ trội hơn. Nhưng từ tuổi 40 trở đi, hoạt động của các tế bào hủy xương sẽ trội hơn, khối lượng khoáng chất của bộ xương sẽ giảm dần với tốc độ mất xương từ 0,5 - 1% mỗi năm.

Tất cả chúng ta, đến lúc có tuổi (trên 65 tuổi) đều có nguy cơ bị LX. Ở một số người, quá trình LX xảy ra sớm hơn và nặng nề hơn khi có thêm một số yếu tố nguy cơ: thiếu canxi, vitamin D, bị bất động lâu ngày do bệnh tật (chấn thương cột sống), do nghề nghiệp (nhà du hành vũ trụ); bị một số bệnh nội tiết; bị thiểu năng các tuyến sinh dục; suy thận mãn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày; mắc các bệnh xương khớp mãn tính khác. Một số còn do sử dụng các thuốc chống động kinh, thuốc chữa bệnh đái tháo đường, thuốc chống đông và đặc biệt là các thuốc kháng viêm nhóm corticosteroid. Riêng ở phụ nữ, sau khi mãn kinh, tốc độ mất xương sẽ nhanh hơn hẳn nam giới cùng tuổi (khoảng 0,5 - 1% khối lượng xương mỗi năm). Trong 5 – 10 năm đầu của thời kỳ mãn kinh, tốc độ mất xương tăng cao, có thể từ 2 - 4% khối lượng xương mỗi năm.

* Gãy xương là hậu quả cuối cùng của bệnh LX. Nhưng thường thì những xương nào dễ bị gãy nhất? Hậu quả như thế nào?

- PGS.TS.BS. Lê Anh Thư: Gãy xương do LX thường gặp ở các vị trí: cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương cẳng tay. Đây là một biến cố nặng với sức khỏe người có tuổi, xương chậm liền, phải nằm tại chỗ nhiều ngày, thậm chí phải nằm điều trị dài ngày trong bệnh viện. Điều này không những làm tình trạng LX càng nặng lên mà còn kéo theo nhiều nguy cơ rất bất lợi cho sức khỏe người có tuổi như: bội nhiễm đường hô hấp, đường tiết niệu, loét mục ở các điểm tỳ đè... Mặt khác nhiều bệnh lý đi kèm của tuổi tác như: tim mạch, huyết áp, đái tháo đường... cũng góp phần ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Gãy xương do LX là nguyên nhân chính gây tàn phế và giảm tuổi thọ cho người có tuổi (theo thống kê ở các nước phát triển có đến 20% người có tuổi bị gãy cổ xương đùi sẽ tử vong trong vòng 6 tháng đến 1 năm đầu, vì các biến chứng do nằm lâu nêu trên).

* Việc xảy ra tai nạn khi còn trẻ liên quan tới xương (gãy chân, đứt dây chằng…) có liên hệ như thế nào với việc LX về sau này hay không, thưa bác sĩ?

- BS. Hồ Phạm Thục Lan: Bị gãy xương lúc còn trẻ do tai nạn hay nguyên nhân thứ phát (còi xương, suy dinh dưỡng, ít hoạt động thể lực, sinh đẻ nhiều lần, bị bệnh mãn tính đường tiêu hóa…) có thể là tín hiệu xương có “vấn đề”. Y văn cho thấy những người bị tai nạn và gãy xương thường có mật độ xương thấp hơn trung bình. Do đó, những người bị gãy xương lúc còn trẻ có nguy cơ tái gãy xương cao do LX khi về già.

* Bệnh LX lúc đầu thường không có biểu hiện gì, nhưng khi có các dấu hiệu rõ ràng, khối lượng xương thường đã mất tới 30%. Vậy cần phải làm gì để ngăn ngừa trước khi bệnh phát triển?

- BS. Hồ Phạm Thục Lan: LX với hệ quả gãy xương là một quá trình diễn tiến nặng dần theo thời gian và tuổi tác. Do đó, ngay từ lúc trẻ, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để đạt mức độ đỉnh tối đa của mật độ xương. Bởi, nếu khối lượng xương đỉnh lúc trưởng thành tăng 10% sẽ giảm được 50% nguy cơ gãy xương do LX trong suốt cuộc đời. Và khi về già, cũng cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và vận động thể lực vừa phải để tránh bị mất xương. Trong dinh dưỡng, nên chú trọng đến các thành tố có ích cho sức khỏe xương. Chú ý đến thức ăn có nhiều canxi (tôm, cá, trứng, sữa…) và cần tận dụng nguồn ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D cho cơ thể. Ngoài ra, một lối sống khỏe mạnh, năng vận động, hạn chế thuốc lá, cà phê, rượu đó là những biện pháp thiết thực, có thể ngăn ngừa được nguy cơ LX và giảm được hậu quả gãy xương. Tóm lại, chúng ta cần chủ động phòng bệnh để chất lượng cuộc sống được đảm bảo.

* Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!

TUÂN NGUYỄN & HƯƠNG GIANG (Thực hiện)


Ý kiến của bạn