Đừng để học sinh vật vã, ám ảnh với bài tập về nhà trong dịp Tết

16-01-2023 09:28 | Thời sự
google news

SKĐS - Chỉ còn ít ngày nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 đến 14 ngày, tùy từng địa phương. Thầy cô có nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết hay không đang là câu hỏi được nhiều phụ huynh quan tâm.

Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ làm gì trong kỳ nghỉ Tết?Cha mẹ nên hướng dẫn trẻ làm gì trong kỳ nghỉ Tết?

SKĐS - Để kỳ nghỉ Tết của trẻ thực sự có ý nghĩa, an toàn, cha mẹ nên hướng dẫn, cùng con thực hiện những công việc phù hợp với trẻ.

Phụ huynh băn khoăn, học sinh lo lắng

Cứ mỗi dịp Tết đến, bên cạnh sự háo hức với kỳ nghỉ lễ quan trọng, hào hứng với những hoạt động cùng người thân thì phụ huynh và học sinh luôn có một nỗi ám ảnh mang tên… "bài tập Tết".

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ quan điểm cần phải có bài tập về nhà để các con không quên kiến thức thì cũng không ít người mong giáo viên không giao bài tập về nhà để các con được hưởng một cái Tết trọn vẹn.

Chị Bảo Ngọc (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, chị không phản đối việc giáo viên giao bài tập về nhà Tết cho học sinh nhưng chỉ nên giao với số lượng vừa đủ để các con không quên nhiệm vụ mà vẫn được thoải mái vui Xuân cùng gia đình.

Theo chị Ngọc, các con học quanh năm, chỉ có vài ngày Tết để xả hơi sau những ngày học hành căng thẳng mà lại phải chúi đầu chúi mũi vào làm bài tập về nhà thì nghĩ cũng tội cho các con. "Nếu có bài tập về nhà thì theo tôi, nhà trường nên giao bài tập làm sao để tạo sự hứng thú và khơi gợi được tính sáng tạo cho học sinh trong dịp Tết hơn là những bài tập khô khan. Hơn nữa, những ngày trước Tết tôi muốn rèn thêm một số kĩ năng sống cho con thông qua những việc làm cụ thể giúp cha mẹ như dọn dẹp nhà cửa, học gói bánh chưng, đi chợ sắm Tết… Thời gian còn lại sau Tết tôi muốn con mình có thể tìm hiểu các phong tục cổ truyền của Tết Nguyên đán".

Đừng để học sinh vật vã, ám ảnh với bài tập về nhà trong dịp Tết - Ảnh 2.

Học sinh trải nghiệm gói bánh chưng ngày Tết.

Trong khi đó, anh Cao Quân có hai con đang học phổ thông, trong đó con lớn của anh đang là học sinh cuối cấp bậc THCS. "Với con lớp 9 thì tôi mong thầy cô cho con nhiều bài tập về nhà để ôn luyện vì chỉ còn vài tháng nữa là con tôi bước vào kỳ thi quan trọng vào lớp 10". Theo anh Quân, những ngày nghỉ Tết chính là thời gian quý báu để học sinh cuối cấp ôn lại kiến thức từ đầu để ra Tết sẽ bước vào thời gian luyện thi.

Còn với con thứ hai, anh Quân lại mong giáo viên không giao bài tập về nhà cho con bởi Tết phải để các con nghỉ ngơi, tận hưởng giây phút bên người thân, gia đình.

"Em mong Tết năm nay thầy cô sẽ không giao bài tập về nhà. Những năm trước, thật làm ám ảnh khi trong kỳ nghỉ Tết chúng em có rất nhiều phiếu bài tập về nhà của cả ba môn Toán, Văn, Anh. Để có thời gian đi chơi cùng gia đình và bạn bè, em luôn tranh thủ thời gian buổi tối để làm bài tập bởi sau Tết cô sẽ kiểm tra, nếu không làm xong sẽ phải viết bản kiểm điểm" - Trần Minh Châu (học sinh một trường THCS ở Phú Thọ) chia sẻ.

Có nên giao bài tập về nhà trong dịp Tết?

Là một giáo viên dạy tiểu học, cô Nguyễn Dung (ở Phú Thọ) chia sẻ, việc thầy cô giao bài tập Tết cho học sinh cũng xuất phát từ mục đích để củng cố, nhớ lại kiến thức, không muốn học sinh quên bài, tuy nhiên giao quá nhiều lại không tốt.

"Giáo viên nên hạn chế việc giao bài cho học sinh làm trong dịp Tết. Vì để có thời gian nghỉ Tết, nhiều em tập trung làm dồn bài tập vào những ngày áp Tết hoặc cũng có khi làm vội cho xong trước hôm đi học trở lại, như vậy mục đích của việc giao bài tập không đạt hiệu quả như mong muốn. Ngày Tết phải để các em nghỉ ngơi, tận hưởng giây phút bên người thân, gia đình".

Ngoài ra, theo cô Dung, trong dịp Tết, cha mẹ có thể giúp con em mình tìm hiểu những phong tục tập quán truyền thống của người Việt trong ngày Tết, giúp các con cảm nhận được ý nghĩa đặc biệt của việc đón giao thừa, tục xông đất đầu năm, những điều cấm kị trong đầu năm mới, hay việc đi lễ chùa hái lộc, ý nghĩa của việc lì xì (mừng tuổi)…, những điều cấm kị để giữ gìn và làm phong phú thêm sự hiểu biết của các em.

Chia sẻ với báo chí, cô Tô Thị Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, nhà trường đã quán triệt tới tất cả giáo viên sẽ không giao bài tập dịp Tết. Riêng học sinh cuối cấp, các em có thể vừa vui chơi vừa sắp xếp dành một ít thời gian trong ngày để đọc sách, xem bài nếu thích.

"Dịp này, học sinh cần được thoải mái đi du xuân, đi thăm hỏi, trò chuyện với người thân trong gia đình để gắn kết tình thân cũng như hiểu biết hơn về văn hoá, có thêm trải nghiệm", Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ cho biết.

Mới đây, nói về việc một số trường giao bài tập Tết cho học sinh, bà Lâm Hồng Lãm Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT TP. HCM cho rằng, nhiều giáo viên lo học sinh sẽ quên bài nhưng thực ra, thời gian nghỉ Tết khoảng 12 ngày, học trò làm thêm một vài bài tập cũng không có nhiều ý nghĩa thực chất. Ngược lại, việc này mang tính đối phó, không hiệu quả.

Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học yêu cầu các trường không giao bài tập Tết để học sinh được thoải mái tinh thần tận hưởng không khí ngày Tết, được vui chơi trọn vẹn. Học sinh không học qua sách vở nhưng sẽ học được những kỹ năng, phẩm chất khác thông qua chất liệu cuộc sống như trò chuyện, chúc Tết gia đình, phụ giúp bố mẹ làm việc nhà.

Bà Lâm Hồng Lãm Thúy cho biết thêm, chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình hiện hành là không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh tiểu học. Bởi, học sinh tiểu học đã ở trường 2 buổi mỗi ngày, giáo viên phải cho học sinh học, làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, học sinh có thể tự ôn tập thêm hoặc chuẩn bị trước cho bài mới nếu thấy cần. Bà Thúy nhận định tình trạng giao bài tập về nhà có thể vẫn còn rải rác ở một số trường, Sở GD&ĐT sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh việc này.

Đừng để học sinh vật vã, ám ảnh với bài tập về nhà trong dịp Tết - Ảnh 3.

Bài tập về nhà dịp Tết của Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương (Nghệ An).

Những bài tập Tết đặc biệt

Mới đây, bài tập về nhà đặc biệt cho học sinh dịp Tết của thầy Hồ Tuấn Anh, Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) đã gây "sốt". Theo đó, bài tập gồm 10 câu hỏi liên quan tới phong tục, sở thích ngày Tết, cách bảo vệ sức khỏe trong những ngày nghỉ, ở cuối là lưu ý giáo viên chủ nhiệm không giao thêm bài tập nào cho học sinh.

Thầy giáo Hồ Tuấn Anh chia sẻ, ông mong học sinh có một cái Tết trọn vẹn bên gia đình mà không phải chịu một áp lực học tập nào. Mặt khác, chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng trang bị phẩm chất, năng lực người học. Vì lẽ đó, kỳ nghỉ Tết chính là dịp để gia đình hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết, từ đó giáo dục về tình yêu gia đình, dòng họ, coi trọng những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương.

Hay tại Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh), bài tập Tết là hãy giúp đỡ ông bà, cha mẹ, dọn dẹp nhà cửa, có ý thức giữ gìn môi trường sống.

Bên cạnh đó, nhiều thầy cô cũng giao học sinh viết nhật ký Tết hoặc chọn một cuốn sách để đọc rồi viết về nhật ký đọc sách. Học sinh có thể chụp ảnh, quay video giới thiệu những cảnh đẹp mà các em có dịp đến vào ngày Tết hay những lời chúc Tết người thân rồi quay clip gửi về giáo viên chủ nhiệm,…

Những điều nhà giáo và học sinh thủ đô cần thực hiện trong dịp lễ, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023Những điều nhà giáo và học sinh thủ đô cần thực hiện trong dịp lễ, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

SKĐS - Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị đảm tuyệt đối công tác vệ sinh an toàn thực phẩm trong trường học, có biện pháp giữ gìn sức khỏe cho học sinh khi thời tiết chuyển rét, hạn chế tổ chức các hoạt động ngoài trời những ngày rét đậm, rét hại.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn