Hà Nội

Đừng để gãy xương thành tàn tật

05-04-2018 14:15 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật, sau chấn thương là vấn đề khó cho cả bệnh nhân, thân nhân vì những tổn thương của bệnh nhân sau phẫu thuật, sau chấn thương rất đa dạng và phức tạp. Chấn thương cơ quan vận động bao gồm những thương tổn như: gãy xương, đứt dây chằng, đụng giập phần mềm hay vỡ nát các xương. Vì vậy, bệnh nhân và gia đình cần quan tâm sớm đến phục hồi chức năng cho người bệnh sau chấn thương để sớm quay trở lại công việc hàng ngày.

Niềm vui của người bệnh, nụ cười thầy thuốc

Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An vừa điều trị thành công cho một trường hợp chị T.T.N sinh năm 1984, bị tai nạn giao thông, được các bác sĩ của Bệnh viện 108 chẩn đoán  vỡ nát mâm chày trái. Các bác sĩ của Viện chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện 108 đã tiến hành mổ ghép xương tự thân nẹp vít.

Để thực hiện ca mổ này, các bác sĩ đã buộc phải cắt hết xương chậu bên trái để ghép xuống mâm chày trái. Sau khi ca mổ thành công và nằm dưỡng thương 2 tuần tại Bệnh viện 108, chị N. được cho ra viện về Nghệ An với lời khuyên của bác sĩ cần phải sớm điều trị phục hồi chức năng để tránh phụ thuộc vào  xe lăn cả đời!

Đầu gối trái của chị N. sau khi thực hiện phẫu thuật

Sau khi quay trở lại tái khám ở Bệnh viện 108 để rút đinh, chị N. vẫn phải dùng nạng gỗ để đi lại và độ co duỗi của chân trái mới ở 40 độ. “Nỗi đau về thể xác không đau bằng nỗi đau tinh thần, từ ý chí và nghị lực cùng sự giúp đỡ của thầy thuốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An tôi tự hứa lòng mình phải thoát cảnh ngồi xe lăn và phải rời xa chiếc nạng gỗ”, chị N. chia sẻ.

Sau một thời gian nỗ lực, đến nay chân trái của chị N. đã co duỗi được như bình thường và hoạt động trở lại như  trước khi bị tai nạn.

Luyện tập hàng ngày với sự giám sát của thầy thuốc để rời xe lăn và chiếc nạng gỗ

Nói về ca bệnh này, Th.s Thái Thị Xuân, Giám đốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An xúc động, khâm phục ý chí tuyệt vời của chị N. Dù y học có hiện đại và phát triển đến đâu nhưng nếu không có sự phối hợp tốt của người bệnh thì bệnh sẽ không thuyên giảm.

“Đối với ngành phục hồi chức năng, thầy thuốc luôn hiểu và đồng cảm với người bệnh, chúng tôi coi người bệnh như người thân của chính mình. Niềm vui của người bệnh là niềm vui của chúng tôi. Mỗi ngày qua đi, thể trạng của bệnh nhân phát triển tốt là chúng tôi thêm niềm vui”, Th.s Xuân nói.

Hãy phục hồi chức năng sớm trước khi quá muộn

Gãy xương là loại tổn thương ảnh hưởng tới sự toàn vẹn của xương. Nguyên nhân chủ yếu là do chấn thương, hoặc do bệnh lý  (viêm xương, u xương…)

Sau gãy xương sẽ gây ra hiện tượng cứng khớp, teo cơ và giảm chức năng sinh hoạt do các khớp xương của người bệnh phải trải qua một thời gian dài bất động bằng bột, dụng cụ chỉnh hình. Do đó, việc hỗ trợ điều trị gãy xương bằng vật lý trị liệu phục hồi chứ năng sau khi gãy xương – chấn thương có vai trò quan trọng giúp tăng tuần hoàn máu, tăng chuyển hoá, giãn cơ, giảm đau, sớm hồi phục chức năng vận động.

Với sự giúp đỡ của thầy thuốc BV Phục hồi chức năng Nghệ An chị N. đã hoàn toàn bình phục

Phục hồi chức năng cho bệnh nhân sau phẫu thuật gãy xương không chỉ trong giai đoạn người bệnh được ra viện mà cần được quan tâm ngay sau phẫu thuật ( giai đoạn đang bất động).

Phục hồi chức năng giai đoạn bất động: Là giai đoạn bó nẹp, bó bột, giai đoạn hậu phẫu sau phẫu thuật kết xương.

Tránh biến chứng (loét, viêm phổi…); giảm đau, chống phù nề; tránh teo cơ, cứng khớp do bất động; duy trì vận động phần thân thể không bị bất động.
– Tránh biến chứng: bằng thay đổi tư thế, chăm sóc điểm tỳ.
- Dùng nhiệt: Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động. Dùng túi chườm nước nóng, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt song ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.
- Biện pháp xoa nắn: Nên xoa nắn thường xuyên ổ gãy xương liền khớp. Chỉ xoa nắn nhẹ nhàng bằng tay mà không được dùng các loại dầu cao, cồn, thuốc xoa bóp nào để xoa vào các khớp, vì như vậy rất có thể làm cho xơ cứng khớp, vôi hóa cạnh khớp.
- Tập duy trì sức cơ: Tập co cơ đẳng trường hay co cơ tĩnh (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động. Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ. – Tập vận động chủ động: đối với các cơ, khớp không bị bất động.

Nguyên tắc hỗ trợ điều trị vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau giai đoạn bất động:

– Tạo điều kiện tốt nhất cho tiến trình liền xương, liền tổ chức

– Giảm sưng nề, giảm đau, chống rối loạn tuần hoàn, chống kết dính khớp, ngừa hội chứng đau vùng (hội chứng rối loạn dinh dưỡng giao cảm phản xạ-hội chứng Sudeck).

– Duy trì tầm vận động khớp, ngừa teo cơ.

– Phục hồi chức năng các hoạt động tinh tế bàn tay, chân sau bất động

Dùng nhiệt:

Chườm lạnh: Trong tất cả các tổn thương do chấn thương đều có thể sử dụng phương pháp nhiệt lạnh hay nói cách khác là chườm lạnh. Chườm lạnh nên áp dụng ngay từ sau chấn thương và kéo dài khi mà vùng chấn thương vẫn sưng, nóng hơn so với vùng xung quanh. Tác dụng của dùng nhiệt là giảm đau, đỡ khó chịu, có lợi ích khi tập cử động chủ động.

Chườm nóng: có tác dụng làm mềm tổ chức, tăng cường máu đến vùng chấn thương. Chườm nóng trước và trong khi tập luyện làm tăng khả năng phục hồi cho chi thể.Dùng túi chườm nước nóng, parafin, chườm lên chỗ đau để luyện tập. Chú ý không được dùng nhiệt sóng ngắn cho toàn chi có đinh, nẹp vít vòng thép kim loại nóng lên có thể làm hỏng tổ chức, dễ gây viêm rò.

Tập vận động khớp: Khớp bất động lâu sẽ bị cứng do cơ co ngắn lại, bao khớp bị co rúm, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn bị mỏng. Do vậy cử động khớp là cách tốt để bơm cho dịch khớp ra vào, khớp được nuôi dưỡng và trở nên mềm mại. tốc độ cho một lần co duỗi là 45 giây, mỗi lần tập10 – 15 phút, ngày 4 – 6 lần. Có thể tập từ ngày thứ 2- 3 sau mổ hoặc sau bó bột.

Tập đi:  Dùng nạng nách tập đi khi xương chưa liền ( với gãy xương chi dưới). Thanh ngang đầu trên nạng không được tỳ vào nách mà để tựa bên lồng ngực. Dáng đi thẳng, mắt nhìn thẳng ra phía trước, không cúi nhìn xuống chân. Hai vai phải ngang bằng không được lệch cao thấp. Giai đoạn tiếp theo, dùng gậy chống lúc xương đã gần liền vững. Nhiều người thích dùng gậy chống bên chân đau nên đã làm dáng đi bị xấu đi. Phải tập cho quen chống gậy bên chân lành và khi bước chân lành ra trước thì sức nặng trên chân đau và gậy chống sẽ cùng chịu một lúc. Không nên dùng nạng kẹp nách vì như thế dáng đi sau này trông sẽ tàn phế. Thời kỳ xương liền vững tỳ không đau ở ổ gãy xương thì bỏ gậy và tập đi như bình thường.

Gia tăng lực cơ chi đau: Tập tăng sức căng của cơ (độ dài bó cơ không thay đổi, khớp không cử động), tập co cơ (sao cho khớp cử động, co cơ ngắn lại). Khi khớp cử động còn đau nhiều thì tập căng cơ, khi khớp đỡ đau thì tập co cơ.

Hoạt động trị liệu: tăng cường các bài tập chức năng cổ bàn tay như cầm thả vật, vắt khăn, mở nắm chai lọ, mặc và cởi quần áo, lăn bóng, lật trang sách, lật quân bài, vắt chặt miếng xốp, phủi bụi,… Tập sinh hoạt thông thường: Cần tập làm động tác trong sinh hoạt bằng lên xuống cầu thang, bậc thềm nhà, tập ngồi xổm đứng lên. Đối với tổn thương xương tay thì tập nắm, mở bàn tay (dùng hòn đá hình quả trứng để nắm), tập cầm bút, đũa, tránh không để tay bị cong, khoèo. Khi nào không còn đau nữa, không bị hạn chế thì quá trình tập luyện này mới đạt kết quả tốt. Thời gian tập thường từ 6 tháng đến 2 năm, tùy theo mức độ thương tổn.

Ngoài ra để việc trị liệu đạt hiệu quả cao, người bệnh cần phải lưu ý đến chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả, uống nhiều nước. hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…

Với những trường hợp gặp phải biến chứng, cần theo dõi sát sao, cẩn thận, các bài tập chỉ có thể được thực hiện khi các khớp xương thực sự ổn định. các biến chững cần được điều trị trước khi bắt đầu vào các bài tập này.

Bệnh nhân không được xoa bóp bằng các thuốc xoa bóp, rượu gừng…. vào chỗ xương gãy sẽ làm chậm quá trình liền xương.

Đặc biệt không được đắp thuốc lá vào các khớp vì sẽ làm cho khớp đó cứng hơn, khó vận động về sau.

Sau một thời gian bị cố định, người bệnh hầu như không có sự vận động ở chỗ bị tổn thương cho nên dễ bị mất cảm giác và có biểu hiện teo ở những nơi này. Có những trường hợp do đau đớn không chịu vận động đã dẫn đến loét do tỳ đè lâu ngày, thậm chí nhiễm khuẩn hô hấp, tắc mạch chi, giảm phản xạ đại tiểu tiện… đây là biểu hiện hay gặp ở người già. Vì vậy sau mổ, phải bó bột người bệnh phải tự giác, kiên trì, chịu đau, phục hồi cử động khớp, duy trì sức cơ, tỷ lệ liền xương sẽ tăng nhờ vận động.

BS Nguyễn Thành Hoa
Ý kiến của bạn