Viêm là một phần của quá trình chữa lành vết thương, nhưng khi viêm kéo dài vài tháng đến vài năm (viêm mãn tính), có thể góp phần gây ra một loạt các bệnh như đái tháo đường type 2, tim mạch và các bệnh tự miễn dịch…
Nghiên cứu mới đã tìm ra mối liên hệ trực tiếp giữa lượng vitamin D thấp và chứng viêm mãn tính. Các nhà nghiên cứu đã gợi ý rằng, sự thiếu hụt vitamin D có thể đóng vai trò như một dấu ấn sinh học quan trọng để xác định những người có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính có thành phần viêm hoặc mức độ nghiêm trọng của tình trạng này.
Thiếu vitamin D làm tăng tình trạng viêm, tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính.
1.Mức vitamin D thấp dẫn đến tăng protein phản ứng C
Nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu di truyền của gần 3 nghìn người ở Ngân hàng Biobank của Vương quốc Anh và tìm thấy mối quan hệ giữa nồng độ vitamin D thấp và mức độ protein phản ứng C cao.
Theo giải thích của các nhà nghiên cứu, gan của chúng ta tạo ra protein phản ứng C để phản ứng với tình trạng viêm. Mức độ protein phản ứng C tăng lên nếu bạn đang bị viêm mãn tính.
Dựa trên kết quả nghiên cứu này, TS Ang Zhou, trưởng nhóm nghiên cứu của UniSA gợi ý rằng, việc tăng lượng vitamin D ở những người bị thiếu hụt có thể giúp giảm viêm mãn tính và do đó giúp tránh các bệnh liên quan.
Ngoài ra, các chuyên gia tin rằng có đủ nồng độ vitamin D trong cơ thể có thể giúp giảm bớt các biến chứng phát sinh do béo phì và giảm nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của các bệnh mãn tính.
2.Nguy cơ sức khỏe liên quan đến lượng vitamin D thấp
Vitamin D là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe của xương. Cơ thể cần vitamin D để hấp thụ canxi và phốt pho từ chế độ ăn uống. Nó cũng cần thiết cho chức năng bình thường của hệ thống miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.
Dưới đây là một số tình trạng sức khỏe liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D:
- Thiếu vitamin D có thể dẫn đến giảm mật độ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
- Ở trẻ em, thiếu vitamin D có thể gây ra bệnh còi xương, một căn bệnh hiếm gặp khiến xương của trẻ trở nên yếu, mềm và biến dạng.
- Các nghiên cứu đã liên kết mức độ vitamin D thấp với việc tăng nguy cơ lo lắng và trầm cảm.
- Thiếu vitamin D cũng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh đa xơ cứng (MS) cao hơn.
- Không bổ sung đủ vitamin D có thể khiến bạn có nhiều nguy cơ mắc các bệnh về tim như tăng huyết áp, suy tim và đột quỵ.
Các triệu chứng phổ biến liên quan đến mức độ thấp của Vitamin D bao gồm:
- Mệt mỏi
- Đau nhức, đau xương hoặc cơ nghiêm trọng
- Suy nhược
- Gãy xương ở chân, xương chậu và hông…
Thiếu vitamin D có nghĩa là cơ thể không nhận được đủ vitamin D từ ánh sáng mặt trời hoặc chế độ ăn uống.
3.Làm thế nào để tăng mức vitamin D trong cơ thể?
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên là cách tốt nhất để có đủ vitamin D, nhưng bạn cũng có thể tăng cường lượng vitamin D bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này hơn và uống thuốc bổ sung.
Các nguồn cung cấp vitamin D dồi dào bao gồm:
- Cá có dầu (cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu)
- Thịt đỏ
- Gan
- Lòng đỏ trứng
- Thực phẩm tăng cường vitamin D…
Mời độc giả xem thêm video:
Vì sao bị rát lưỡi khi ăn dứa?