Khi BTC và VFF cấm pháo thì pháo vẫn cháy đều ở sân nhà lẫn sân khách. Gần đây là sự hàn gắn hai nhóm cổ động viên Hải Phòng và SLNA đang thuận buôm xuôi gió thì sự cố xảy ra ở cách sân bóng gần 50 km. Một báo động đỏ trước tình trạng hooligan ẩn dưới danh nghĩa cổ động viên…
![]() |
Lực lượng an ninh được tăng cường tối đa và tốn không ít tiền của khi bóng đá không còn đúng nghĩa của môn giải trí. Ảnh: V.S.I |
Lịch sử bóng đá Việt Nam từng có những cuộc nổi loạn tự phát của những cổ động viên hoặc những cuộc chạm trán nảy lửa giữa hai nhóm cổ động viên nhưng chưa bao giờ hiềm khích lại biến thành thù hằn và di chứng qua các mùa giải. Kể từ mùa 2008 thì sự cố ở sân Vinh khiến mọi cái nảy sinh theo chiều hướng xấu…
Những cuộc “nổi loạn” bất thành
Những năm 1990, bóng đá miền Trung từng nổi tiếng là cái nôi nơi có những cổ động viên máu me và tư phát. Cũng vì lý lẽ đó mà cái tên thánh địa được đặt cho những cái sân có lượng cổ động viên đông và “máu”. Như Chi Lăng (Đà Nẵng) hay Quy Nhơn và sau này có lúc lan ra cả Tự Do (Huế).
Ở mảnh đất miền Trung ấy từng có những cuộc nổi loạn manh tính địa phương. Như khán giả Bình Định chỉ vì tức đội Đà Nẵng không vì miền Trung, buông cho Long An mà dập tắt giấc mơ vô địch của ngựa ô Bình Định mùa 1994 đã kéo nhau ra ngã ba Phú Tài với đầy đủ hung khí chờ “thịt” xe đội Đà Nẵng từ TP.HCM đi ra.
Cuộc thanh toán ấy bất thành khi toàn đội Đà Nẵng không về trên chiếc Hải Âu vàng quen thuộc mà tất cả đều đi tàu bằng tiền lại quả của Long An. Trong khi đó tài xế xe Hải Âu chở đội Đà Nẵng thì về đến đèo Cả đã láu lỉnh gỡ biển 43 và thay vào bằng biển đỏ (quân đội) rồi nghiễm nhiên đánh xe qua ngã ba Phú Tài.
Về đến Đà Nẵng tài xế này còn khoe chiến công bằng cách mời một nhà báo của Thể Thao Việt Nam chụp tấm hình ông đứng trước đầu xe hai tay cầm hai biển số một 43, một quân đội.
![]() |
Hình ảnh cuồng nhiệt ở khán đài B sân Thống Nhất của Cảng Sài Gòn một thời |
Cũng tại Quy Nhơn, từng có hiện tượng Hooligan khi năm 1997 khán giả bực đội nhà để thua Cảng Sài Gòn đến 0-3 đã đổ ra đường đập phá Sở TDTT và lật luôn cả bục của Cảnh sát Giao thông ra “diễu hành” làm loạn cả con đường Lê Hồng Phong. Vụ ấy chỉ sau một đêm thì cơn giận dữ tan biến và hành động bột phát chỉ còn thay bằng những tiếng chửi rủa bất mãn.
Cũng trong những năm 1990, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu thời hội nhập thì Cảng Sài Gòn tổ chức Cúp Liên Cảng và xảy ra sự cố trong trận chung kết giữa chủ nhà Cảng Sài Gòn và Olympic Malaysia. Một trận đấu không căng trên sân nhưng căng ở chỗ khán giả nhà phản ứng quyết định của vua phạt đền Nguyễn Văn Mùi.
Ông Mùi hôm ấy thổi đúng luật nhưng lại bị trách là dại vì “không thổi cũng không sao” (!?). Kết quả là nhóm khán giả Cảng Sài Gòn đã làm loạn khi đốt banderole và gây náo loạn một góc khán đài.
Nhen nhúm mối thâm thù hay sự thể hiện mang tính địa phương?
Chung kết Cúp Quốc Gia 1995 (cũng là giải Đại hội TDTT toàn quốc) giữa chủ nhà CA Hà Nội và CA Hải Phòng nóng từ nhiều ngày trước bởi số lượng CĐV Hải Phòng dồn dập đổ về băng nhiều phương tiện. Ngành đường sắt phải tăng chuyến Hải Phòng - Hà Nội và nối thêm toa để phục vụ các CĐV.
Cũng vì lượng CĐV quá nhiều này mà “trận chiến” khác trên khán đài nổ ra giữa hai nhóm CĐV thi nhau chửi. Tai hại hơn họ cay cú nhau đến độ mang cả địa phương ra chửi qua lại trước sự bất lực của những nhà tổ chức.
![]() |
CĐV của đội CAHN (ảnh) và Hải Phòng đã có màn "võ miệng" ở CK Cúp QG 1995. Ảnh: Quang Minh |
Trận đấu kết thúc với kết quả 1-0 nghiêng về phía CA Hải Phòng nhưng di chứng từ màn chửi nhau từ khán đài đã biến thành một cuộc ẩu đả ở đường Hàng Cháo và kéo rải rác đến tận Ga Hàng Cỏ.
Từ đấy cứ những trận đấu giữa CA Hải Phòng và CA Hà Nội là lại có chuyện từ hai nhóm CĐV vốn không ưa nhau. Gọi đấy là CĐV nhưng thực chất chỉ là những kẻ phá hoại mượn danh nghĩa CĐV không tổ chức đi quậy phá và kiếm chuyện đánh nhau sau khi mượn hơi men.
Giữa Thể Công và SLNA cũng có những lúc nảy sinh chiều hướng xấu qua vụ Văn Tiến bị ném đá vào đầu sau trận SLNA - Thể Công nhưng đấy chỉ là những bột phát từ số ít CĐV ấm ức cầu thủ đá rắn hơn là mối thù hằn giữa hai nhóm CĐV.
Sân Chùa Cuối (sau này là sân Thiên Trường) cũng từng có cảnh gây sức ép dữ dằn lên cầu thủ Thể Công qua vụ Đặng Phương Nam đầu quân cho đội bóng áo lính về đá Nam Định nhưng cũng chỉ mang tính nhất thời, tự phát đúng một mùa bóng mà người thành Nam ức vì mất cầu thủ giỏi.
Căng nhau như Huế và Đà Nẵng khi hai đội còn đá chung một giải từng có những vụ cổ động viên Huế gây áp lực lên CĐV Đà Nẵng và ngược lại khi đội này qua bên kia đèo Hải Vân đá và ngược lại nhưng cũng chỉ ồn ào rồi lại thôi theo đúng nghĩa tính địa phương trong bóng đá.
Đỉnh điểm của sự căng thẳng giữa hai nhóm CĐV Hải Phòng và Nghệ An
Vụ loạn đả tháng 5/2008 trên sân Vinh giữa hai nhóm CĐV SLNA và Hải Phòng đã để lại di chứng nặng nề qua cái chết của anh Hà Huy Thành. Thực chất thì đấy là cuộc trốn chạy của CĐV Hải Phòng trước cơm mưa đá và tai nạn là điều khó tránh khỏi.
![]() |
Việc "không ưa nhau" giữa fan các đội bóng cũng là lẽ thường nhưng "không ưa" đến đổ máu thì quả là đáng báo động |
Sau cái chết trên, cổ động viên hai đội bóng đã chủ động làm lành với những cái bắt tay và với cả những nén nhang thắp cho người cổ động viên xấu số.
Trước lần gặp lại ngày 12/4 vừa qua, khi tất cả đều nỗ lực kéo những bất hòa và thù hằn của năm trước về điểm trắng với những thiện chí của cả hai phía thì một lần nữa sự cố lại xảy ra ở trạm thu phí cách cái sân đến gần 50 km.
Đến giờ BTC và ban kỷ luật VFF chưa đưa ra kết luận chính thức nhưng lời qua tiếng lại của hai bên cho thấy thiện chí của số đông và của những người đại diện cho giới CĐV đã bị những phần tử quá khích và những người thiếu trách nhiệm làm lệch đi.
Vết hằn càng hằn thêm trước sự bất lực của những người có trách nhiệm.
Bây giờ rõ ràng không phải là lúc quy trách nhiệm cho CĐV Hải Phòng hay những người có trách nhiệm bảo vệ ở địa bàn tỉnh Nghệ An làm lệch kịch bản mà là làm sao để mối thù ấy không kéo từ mùa này sang mùa khác làm ảnh hưởng đến tính nghệ thuật của môn thể thao vua.
Vụ việc có lúc đã đi xa tầm với của VFF khi những phát sinh trong mối thâm thù, ẩu đả giữa hai nhóm cổ động viên đã là vấn đề của xã hội liên quan đến hai địa phương.
Hình ảnh gần 500 công an và bảo vệ chỉ để giữ cho những gốc anh đào không bị hủy hoại bởi sự thiếu ý thức của người tham quan có khác gì với cả ngàn công an lẫn bảo vệ căng ra để đảm bảo cho một trận bóng đá 90 phút?
Xét cho cùng thì bóng đá cũng chỉ là một phần của xã hội và văn hóa lẫn thái độ cổ vũ của người hâm mộ cũng là một vấn đề của xã hội.
Đau với những gì xảy ra bên trong và bên ngoài sân bóng nhưng hy vọng điều ấy không phải là không thể ngăn nổi.
Cổ động viên là một phần của bóng đá và cũng rất mong những người nhận mình là cổ động viên cùng nhau góp phần làm đẹp bóng đá thay vì để bóng đá cứ chấn thương với những di chứng kéo dài…