Có tới 50 - 80% người bệnh ung thư bị sụt cân và khoảng 30% bệnh nhân tử vong do suy kiệt cơ thể trước khi tử vong do ung thư. Do đó, bệnh nhân ung thư cần được chăm sóc dinh dưỡng tốt và tích cực để bù đắp sụt cân, duy trì sức khỏe và tiếp nhận các can thiệp điều trị tốt hơn.
Nguyên nhân suy dinh dưỡng nặng ở bệnh nhân ung thư
Đối với bệnh nhân mắc ung thư, tế bào ung thư chuyển hóa nhanh hơn tế bào bình thường, chúng sử dụng năng lượng một cách phung phí làm cho nhu cầu năng lượng cơ thể tăng lên rất nhiều. Cơ thể bệnh nhân cũng tiết ra 1 số loại hormon làm cho bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, chán ăn, bao gồm cả những món ăn yêu thích trước kia. Trong quá trình điều trị như: phẫu thuật, hóa trị, xạ trị làm tổn thương đường tiêu hóa gây khó khăn và đau đớn trong khi ăn uống. Ngoài ra, rất nhiều bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân đều cho rằng ăn nhiều sẽ khiến tế bào ung thư phát triển hơn, vì vậy, họ có quan niệm khi bị ung thư là không ăn ngọt, không uống sữa, không ăn thịt, nên chuyển sang ăn chay hoặc chỉ ăn gạo lứt muối mè, thậm chí có người nhịn ăn hoàn toàn dẫn đến không cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể.
Để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý, người bệnh cần phải ăn uống đầy đủ thực phẩm đảm bảo các nhóm chất: đạm - bột đường - béo - vitamin, khoáng chất.
Bổ sung dinh dưỡng thế nào cho đúng?
Rõ ràng nhu cầu về năng lượng của bệnh nhân ung thư tăng cao hơn so với người bình thường, trong khi đó, việc cung cấp năng lượng bị giảm đi, kết quả là bệnh nhân bị suy dinh dưỡng dẫn đến giảm hiệu quả điều trị. Chính vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là phải đảm bảo đủ năng lượng cho bệnh nhân bằng thức ăn mềm, mùi vị dễ chịu, dễ hấp thu, chia ra làm nhiều bữa và phải kiên nhẫn. Ưu tiên các thức ăn, nước uống bằng con đường tự nhiên, chỉ khi ăn uống thông thường không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân thì chúng ta mới cần sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng điều trị.
Việc cung cấp đủ dinh dưỡng hay không thông qua những biểu hiện bệnh nhân như: ăn hết được khẩu phần ăn, có sụt ký hay teo cơ không? Chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ về dinh dưỡng: ngũ cốc để cung cấp năng lượng, thịt cá để cung cấp protein, dầu mỡ để cung cấp chất béo, rau quả để cung cấp vitamin và khoáng chất. Với chế độ ăn kiêng khem loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, thậm chí là chỉ ăn 100% gạo lứt, muối mè, trước hết sẽ khiến cơ thể bị thiếu hụt trầm trọng protein (chất đạm). Protein rất cần thiết trong việc xây dựng các cấu trúc trong cơ thể, cần có protein đề xây dựng nên các tế bào mới liên tục thay thế cho các tế bào cũ chết đi theo chu kỳ bình thường của tế bào. Bên cạnh đó, protein còn tham gia các chức năng miễn dịch, các loại hormon. Do đó, khi thiếu đi protein thì cơ thể trở nên rất mệt mỏi và không thể vận hành một cách bình thường được nữa. Với chế độ ăn khắc khổ này thì không chỉ tế bào ung thư chết mà tế bào lành cũng chết dẫn đến bệnh nhân suy kiệt, thiếu năng lượng và nguy cơ tử vong cao.
Có rất nhiều cách để can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư. Bổ sung các loại sữa chuyên biệt, giàu năng lượng cũng giúp cải thiện được dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư. Các loại sữa này có đặc điểm: Năng lượng cao - 1 chai sữa nhỏ có thể bằng 1 đĩa cơm, 1 tô bún, chứa chất dinh dưỡng tương đối đầy đủ, chứa omega-3 chống hiện tượng suy mòn trong ung thư. Tuy nhiên, việc lựa chọn sản phẩm này nên được tư vấn bởi bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng.
Chế độ ăn của bệnh nhân ung thư hay bất cứ trường hợp nào khác đều cần phải đảm bảo sự cân bằng và đầy đủ về dinh dưỡng, người bệnh không nên kiêng khem cầu kỳ, loại bỏ hết những thực phẩm giàu dinh dưỡng để áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, uống ngũ cốc... để tiêu diệt tế bào ung thư. Ðó là quan điểm sai lầm, dinh dưỡng hợp lý là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thành công của điều trị. Tùy từng người, từng bệnh ung thư lại có những yếu tố khác nhau, do đó, người bệnh ung thư nên gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn, trao đổi và thiết lập một chế độ dinh dưỡng phù hợp cho riêng mình.