Nghe kém ở trẻ em sẽ dẫn đến giảm hoặc mất khả năng phát triển lời nói và ngôn ngữ. Phát hiện sớm nghe kém và áp dụng phương pháp can thiệp phù hợp giúp trẻ hoà nhập với cộng đồng, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Đây là một trong những nội dung được sự quan tâm của các bác sĩ và nhà khoa học tại hội nghị Tai – Thính học toàn quốc lần thứ 2 với chủ đề "Nghe để thấu hiểu" do Hội Thính học Việt Nam vừa tổ chức. Hội nghị đã thu hút gần 500 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học, bác sĩ đầu ngành về lĩnh vực Tai - Thính học trong và ngoài nước, với hơn 50 bài báo cáo khoa học về lĩnh vực Tai - Thính học, âm ngữ trị liệu...
Theo các chuyên gia, trẻ bị nghe kém cần được điều trị sớm, phối hợp nhiều chuyên khoa như Tai Mũi Họng, Thính học, Nhi, Phục hồi chức năng, đồng thời có sự tham gia tích cực của gia đình, nhà trường và của toàn xã hội.
Hiện nay, điều trị nghe kém cho trẻ gồm những biện pháp sau: Phẫu thuật bằng phương pháp đặt ống thông khí tai giữa, tạo hình tai ngoài, tai giữa, chỉnh hình chuỗi xương con dị dạng, cấy máy trợ thính đường xương, cấy ốc tai điện tử, cấy điện cực thính giác thân não; đeo máy trợ thính đường khí, đường xương; dạy nói, kí hiệu bằng động tác, …
Cũng tại Hội nghị Tai – Thính học toàn quốc lần thứ 2, nhiều chuyên gia đã mang đến những báo cáo khoa học chất lượng về các vấn đề thuộc lĩnh vực Tai - Thính học trong hệ thống bệnh lý chung hiện nay như: Can thiệp bằng phản hồi sinh học máy siêu âm trong việc điều trị lỗi phát âm của trẻ nghe kém; Hình thái Cholesteatom tai và thực tiễn lâm sàng; Mối liên hệ giữa viêm mũi xoang mạn và VTG mạn; Phẫu thuật xương bàn đạp tại Việt Nam: Quá khứ, hiện tại, tương lai; Chia sẻ kinh nghiệm một số ca khó trong cấy ốc tai điện tử; Tiếp cận và chẩn đoán phân biệt giữa tiền đình trung ương và tiền đình ngoại biên qua VNG…
Theo PGS.TS Nguyễn Tuyết Xương, Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam, từ khi thành lập Hội đến nay (tháng 4/2022), bên cạnh việc giúp đỡ bệnh nhân khiếm thính trong khám và điều trị, Hội Thính học Việt Nam đã luôn tích cực tổ chức các Hội nghị khoa học Thính học; các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho các kỹ thuật viên Thính học toàn quốc; các khóa Phẫu tích xương thái dương cho các bác sĩ phẫu thuật viên cũng như các khóa đào tạo nâng cao về thính học….
Những hoạt động này của Hội đã tạo tiền đề cho sự phát triển và góp phần nâng cao năng lực chuyên môn cho các y bác sỹ chuyên ngành Tai - Thính học, phục vụ tốt hơn việc điều trị các bệnh về khiếm thính và liên quan.