Hà Nội

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở

28-09-2024 13:31 | Y tế

SKĐS - Sau khi trận lũ kinh hoàng vùi dập thôn Làng Nủ (Lào Cai), ngày nào cũng vậy, đoàn công tác của Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên luôn có mặt từ sớm để cùng nhân dân khắc phục hậu quả sau lũ.

Đứng dậy sau giông bão (1): Nỗi đau khôn nguôi ở Làng NủĐứng dậy sau giông bão (1): Nỗi đau khôn nguôi ở Làng Nủ

SKĐS - Đến hôm nay, những người dân sống sót tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai vẫn chưa hết bàng hoàng, day dứt với khoảnh khắc tận mắt chứng kiến người thân bị dòng nước lũ cuốn đi...


5h sáng di chuyển từ TTYT huyện Bảo Yên, sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, tổ hỗ trợ của Trung tâm có mặt tại thôn Làng Nủ.

Quãng đường gần 30km, khoảng 15km là những đoạn đường vòng vèo, khó đi. Liên tục có những đoạn bị sạt lở, đất đá vùi lấp khiến đường đi vào thôn Làng Nủ vốn nhỏ nay càng trở nên nhỏ hẹp hơn. 

Ngồi trên xe, BS Trần Đình Hạnh – Trưởng khoa Y tế công cộng, Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, TTYT huyện Bảo Yên hỏi: "Nhiều người đi lần đầu sẽ thấy sợ, nhà báo có sợ không? Cả quả đồi với hàng ngàn khối đất đá đã" no nước" vẫn có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào".

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng tiến hành tìm kiếm thi thể các nạn nhân.

Đến trung tâm chỉ huy, tôi đi khắp Làng Nủ. Dễ bắt gặp hình ảnh vừa quen, vừa lạ của nhân viên y tế. Vẫn là khuôn mặt, dáng hình đó nhưng họ đang mặc trang phục bảo hộ, di chuyển giữa bộn bề đổ vỡ, ngổn ngang của bùn đất.

Gặp lại bác sĩ Hạnh vào khoảng 12h trưa, khi anh đang ngồi nghỉ bên bờ đất. Tôi được nghe và hồi tưởng về một Làng Nủ bình yên qua lời kể của anh.

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 3.

Nhân viên y tế tiến hành phun khử khuẩn nơi tìm thấy thi thể nạn nhân.

"Trước đây, ngày nào cũng vậy, sáng sớm đều nghe thấy tiếng gà gáy, tiếng mõ trâu. Nhà nào cũng dậy sớm để đưa trâu ra đồng, tiếng trẻ nô đùa khi đến trường… Không khí trong lành lắm, có mùi của quê hương, khuôn mặt bình dị của người dân. Bây giờ, nghĩ lại mà xót xa, đau đớn. Một màu xám ngắt đúng nghĩa hiện hữu", bác sĩ Hạnh nghẹn giọng.

Trong quá trình tìm kiếm, việc xử lý thi thể nạn nhân hay xác động vật do tổ của bác sĩ Hạnh trực tiếp thực hiện. Có những thi thể bị vùi lấp bởi đất đá và nước lũ khi được đưa lên đã không còn nguyên vẹn, thậm chí thiếu đi một vài bộ phận của cơ thể khiến việc nhận dạng trở nên khó khăn. 

Tổ hỗ trợ của bác sĩ Hạnh đã phải phối hợp với công an, tiến hành lấy mẫu thi thể đem đi xét nghiệm AND, tìm người thân cho những nạn nhân xấu số.

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 4.

Trước khi lực lượng công an tiến hành lấy mẫu ADN để xét nghiệm, nhân viên y tế phải tiến hành phun khử khuẩn toàn bộ khu vực để tử thi.

Nhiều xác chết động vật như trâu, bò vùi dưới bùn đất bắt đầu phân hủy. Một mùi tanh nồng bao trùm. Tổ hỗ trợ y tế của bác sĩ Hạnh nhanh chóng bắt tay vào nhiệm vụ. Phun Cloramin B khử khuẩn sát trùng khu vực có nguy cơ, sau đó cùng lực lượng chức năng đem tiêu hủy.

"Riêng nơi tìm thấy thi thể nạn nhân hay xác động vật, Cloramin B được sử dụng nhiều nhất. Quan trọng hơn nữa là hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe, đảm bảo an toàn thực phẩm, xử lý nước để có nước sạch sử dụng", bác sĩ Hạnh nói.

Ngăn ngừa hiểm hoạ dịch bệnh

Tiếp chúng tôi, BS Đặng Văn Thân - Giám đốc TTYY huyện Bảo Yên, Lào Cai thông tin, sau bão lũ, người dân thường thiếu nước uống, nước sinh hoạt, nên dễ phát sinh các bệnh về đường tiêu hóa. Ngoài ra, nếu môi trường sống không được xử lý, dọn dẹp đúng, rất dễ xảy ra dịch đau mắt đỏ, viêm kết mạc, hay bệnh ngoài da.

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 5.
Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 6.
Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 7.

Cán bộ, nhân viên y tế tiến hành phun khử khuẩn từng khu vực, nhà dân sau khi nước lũ rút.

"Công tác phòng chống dịch sau khi nước rút là ưu tiên hàng đầu. Với sự chỉ đạo sát sao của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trung tâm thành lập các tổ xử lý môi trường. Mỗi tổ gồm 3-4 người, đến trực tiếp những nơi chịu ảnh hưởng của bão số 3 tiến hành phun khử khuẩn, tuyên truyền cho người dân ăn chín, uống sôi", BS Thân nói.

Đối với những khu vực nước đã rút, cán bộ y tế xã cần tiến hành phun khử khuẩn các hộ nhà dân. Riêng đối với những nơi bị ảnh hưởng nặng nền như thôn Làng Nủ thì tổ xử lý của Trung tâm Y tế cần phải phun khử khuẩn toàn bộ khu vực, tránh để xảy ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Trắng đêm tát nước "cứu" máy

Sau khi xảy ra sạt lở vùi lấp thôn Làng Nủ, BS Phạm Hồng Việt, Giám đốc BVĐK huyện Bảo Yên cùng các y bác sĩ, cán bộ bệnh viện đều không thể về nhà. Họ đã phải ở lại bệnh viện ứng trực ngày đêm.

"Nhà dù gần cũng chưa thể về. Nhiều bác sĩ có nhà ngập đến hơn nửa không thể về lo cho gia đình. Phần vì giao thông bị chia cắt, phần vì nhiệm vụ còn đang đè nặng trên vai. Chúng tôi chỉ có công việc. Cơm có khi còn quên không ăn", bác sĩ Việt chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đến phòng phòng chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính, bác sĩ chỉ tay vào phía 2 chiếc máy rồi bảo: "Cả một đêm không ngủ để tát nước, cứu máy. Trang thiết bị y tế hiện đại mới mua cả chục tỷ đồng, nước lũ mà tràn vào, biết bao giờ chúng tôi mới mua lại được. Máy này mà hỏng, việc thăm khám và điều trị cho bệnh nhân không biết sẽ khó khăn đến mức nào.

Đêm 9/9, nước dâng cao và nhanh lắm!. Nước lên đến gần một nửa tầng 1, toàn bộ trang thiết bị y tế dưới tầng được khiêng, vác lên tầng 2. Tuy nhiên phòng máy này thì chịu chết, không thể bê đi đâu.

Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở- Ảnh 8.

Sau lũ, trong điều kiện khó khăn, một phần diện tích của phòng máy được tận dụng để rau – thực phẩm chế biến các suất ăn cho các cán bộ y tế và bệnh nhân tại BVĐK huyện Bảo Yên.

Không có cách nào khác, chúng tôi đành dùng bạt che chắn ngoài cửa, đóng bao tải cát để ngăn nước. Nhưng nước vẫn chảy qua khe cửa ngấm xuống nền gạch rồi tạo thành dòng đổ vào phòng máy. 20 nhân viên y tế ở bên trong liên tục thay nhau tát nước. Nước cứ nước ngầm vào đến đâu thì tát vào thau, chậu đến đó, rồi sau đó lại dùng giẻ để thấm hết số nước còn đọng lại.

Ròng rã 6 tiếng đồ hồ từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau chúng tôi ai nấy đều mệt lử, nhưng bù lại máy không sao, kỹ thuật kiểm tra cũng chỉ bị trục trặc chút về đường điện nối vào máy", BS Việt thở hắt khi kể về hành trình cả đêm cứu máy.

Khi tôi có mặt, phòng máy chụp cắt lớp vi tính đang được bật điều hòa 24/24h giờ để hút ẩm. Ngoài máy móc, không gian còn lại trong phòng được chất đầy rau muống và quả su su.

"Hôm nay mới có rau, những ngày trước không có tí nào. Rau này là để nấu các suất ăn phục vụ miễn phí cho bệnh nhân và các y bác sĩ của bệnh viện. Nhà báo hôm nay đến đây công tác, chúng tôi cũng chỉ mời được cơm như vậy thôi. Lát nữa nhà báo tự qua phòng bếp lấy 2 suất cơm, tôi dặn nhà bếp rồi", bác sĩ Việt vừa nói vừa vội quay đi, tất tả chạy lại với công việc thăm khám cho người bệnh...

PHẦN TIẾP THEO: Đứng dậy sau giông bão (3): Triệu trái tim cùng nhịp đập

Hồng Ngọc - Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn