Điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận khi đặt chân đến thôn Làng Nủ là một nỗi đau không thể diễn tả bằng lời. Tang thương đọng lại. Còn người mất tích. Đâu đó có những thi thể đang bị chôn vùi dưới những lớp bùn kia. Một bản làng bình yên bên chân núi Con Voi giờ chỉ còn là đống hoang tàn, đổ nát...
Mong một phép màu...
Nằm điều trị tại BVĐK huyện Bảo Yên, anh Hoàng Văn Nhầm (36 tuổi) không thể kìm lại những giọt nước mắt khi nhớ lại thời khắc mất đi cả gia đình, bao gồm người vợ và 3 đứa con nhỏ.
"Cả đêm hôm đó tôi chập chờn không ngủ vì sốt ruột, đi ra ngoài canh nước thường xuyên. Gia tài của cả gia đình là 2 con trâu tôi cũng phải đem buộc chặt lại vào bụi tre. Sáng sớm khoảng gần 6h cả gia đình đều đã thức dậy, hai vợ chồng tôi còn đứng cùng nhau canh chừng nước ở phía ngoài, 3 đứa con thì ngồi ở chân cầu thang trong nhà sàn.
Bỗng chúng tôi nghe thấy một ntiếng "uỳnh" rất to như bom nổ, nhìn lên đỉnh núi Con Voi, chỉ thấy một màu đen bao trùm. Khoảng đen đó dần tỏa rộng ra, tung tóe đất đá xuống phía dưới. Tôi vội hô to: "Vợ ơi! Bế con chạy ra sau nhà trốn thôi, lở núi to rồi". Nói xong chúng tôi ôm cùng nhau chạy, tôi đi sau cùng đẩy vợ và các con lên, đến chừng nửa ngọn đồi phía sau nhà thì nước lũ đã ập đến, tạt vào hất tung mỗi người về một hướng", anh Nhầm nhớ lại.
Bị lực của đất đá và nước lũ chèn ép, anh Nhầm như muốn vỡ tung lồng ngực nhưng vẫn cố gắng vùng lên tìm cách thoát thân. Anh bị lũ đẩy ra rất xa, khi cố ngoi lên khỏi mặt nước, anh nhận ra xung quanh chỉ toàn là nước lũ, trôi nổi trên đó là cột nhà và đồ đạc…
Cố bám víu lấy một chiếc cột, anh Nhầm vì thế thi thoảng vẫn ngoi lên thở được. Bị lũ đẩy trôi ra đến khoảng giữa làng thì anh thấy một người cầm ô nên vội gọi: "Cứu!", nhưng người này bất lực nhìn anh trôi đi. Ngay sau đó, anh lại thấy có búi tre sà xuống gần sát mặt nước, định giơ tay túm lấy "chiếc phao" này, nhưng do lũ cuốn quá nhanh anh Nhầm lại đánh mất cơ hội sống một lần nữa.
Tiếp tục bị trôi tuột đi, lộn ngào trong nước lũ, lần này anh Nhầm gần như đã bỏ cuộc, chắn chắn về cái chết, anh nhắm mắt mặc kệ dòng nước cuốn đi, nhưng may mắn đã đến giúp anh Nhầm móc được tay vào đám cỏ đan vào nhau ở bên bờ suối. Nắm lấy cơ hội, anh anh tiếp tục móc tay vào đám cỏ phía trên. Được đà đẩy của sóng, anh Nhầm dần ngoi được nửa người lên trên bờ.
Loáng thoáng nghe có tiếng ai đó nói: "Có người", rồi cảm nhận được có người kéo mình lên, anh Nhầm bắt đầu lịm đi, mơ màng thấy mọi người đang tìm cách cấp cứu.
"Khi vừa thoát khỏi lưỡi hái tử thần, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là vợ con của mình. Tôi vẫn hi vọng sẽ có một phép màu nào đó giúp cho vợ con tôi được ai đó cứu giúp hoặc tự trôi dạt vào bờ. Nhưng tôi biết điều đó rất khó, nên nhiều khi tôi nghĩ vợ con tôi đã chết cả rồi. Mắt tôi ráo hoảnh nhưng trái tim đang bị bóp nghẹn. Không hiểu sao lúc đó, vết thương da thịt chi thít trên cơ thể lại không khiến tôi cảm thấy đau đớn nữa...", anh Nhầm khóc nấc.
Và cuối cùng, anh Nhầm cũng nhận được tin cơ quan chức năng đã tìm được vợ và 2 con trong đống đổ nát. Đứa trẻ còn lại vẫn bặt vô âm tín…. Anh Nhầm lầm nhẩm: "Giá mà thằng con lớn không có thông báo nghỉ học thì đã không ở nhà…".
Giờ đây anh Nhầm chỉ mong có một nơi an toàn để yên tâm mà sống, để thờ cúng, tận tình đến cuối đời với vợ và các con của mình.
Bố mẹ đi đâu rồi?
Ánh mắt ngây dại của bé H.N.Lan (6 tuổi ở thôn Làng Nủ) khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh. Mất hết cả cha mẹ và anh trai sau trận lũ quét nhưng có lẽ bản thân bé Lan vẫn chưa đủ lớn để hiểu sự mất mát đó khủng khiếp thế nào.
Nằm trên giường bệnh, bé Lan thủ thỉ: "Mấy hôm trước con đau lắm nhưng hôm nay con đỡ rồi… Con nhớ bố mẹ và anh con thì con gọi: "Bố mẹ ơi! Anh ơi!" nhưng bố mẹ với anh chết rồi nên không đến thăm con được…". Nói rồi bé lại nằm xuống ôm lấy con gấu bông đồ chơi, kéo đi kéo lại chiếc mũi của nó để liên tục phát ra tiếng kêu "rè rè".
"Lúc nhận cháu từ tay một người khác, tôi nghĩ chắc không cứu được, vì da cháu đã xanh nhợt, lay và hỏi không phản ứng. Nhưng may mắn cháu thoát chết. Khi vừa tỉnh dậy cháu liền đòi ăn quả nho. Thấy tín hiệu tốt, chú của cháu vội chạy đi rất xa mới mua được nho đem về thế mà cháu cũng chỉ cố ăn được 2 quả rồi lại nằm lịm đi, mơ màng, thi thoảng cháu lại giật mình sợ hãi khóc lên thành tiếng", bà Hoàng Thị Thanh (52 tuổi) – bà ngoại của bé Lan nhớ lại.
Nhìn đứa cháu nhỏ nằm trên giường bệnh, bà Thanh không kìm nổi nước mắt. Liên tục cúi xuống thơm vào má, vào trán đứa cháu ngoại bé nhỏ. Ôm cháu vào lòng, bà Thanh xót xa vì biết rằng cuộc đời của cháu khó có thể thoát khỏi nỗi ám ảnh sau tai nạn kinh hoàng vừa qua.
"Lan đòi gặp bố mẹ rồi anh trai, tôi không biết nói thế nào, định giấu cháu nhưng tôi nghĩ cần nói ra sự thật để cháu hiểu. Linh cảm như biết bố mẹ và anh trai đã mất nên cháu như ngoan hơn, không mè nheo nữa. Bình thường cháu vẫn chơi với búp bê, với gấu bông, vậy mà từ khi biết bố mẹ và anh trai đã mất thi thoảng tôi lại thấy cháu nằm quay mặt vào phía tường. Để ý mới biết con bé đang khóc một mình, nhìn cháu mà đau thắt ruột gan nhưng tôi cũng chỉ biết ôm con bé và động viên: "Con cố gắng lên, có bà ở bên con…"", bà Thanh tâm sự.
Bà Thanh chia sẻ thêm, bà muốn được là người chăm sóc và nuôi nấng cháu Lan ngay từ khi cháu xuất viện. Bản thân bà đã mất mát quá nhiều sau trận lũ, nên muốn được giữ đứa cháu gái nhỏ bên cạnh. Bà Thanh cũng chỉ muốn quên đi ngày xảy ra trận thiên tai kinh hoàng, sáng 10/9/2024…
Giành giật sự sống...
Đôi mắt của bác sĩ Phạm Hồng Việt - Giám đốc BVĐK huyện Bảo Yên (Lào Cai) sau lũ trở nên sâu hơn, thâm quầng vì thiếu ngủ. Vừa phải lo điều trị, chăm sóc cho người bệnh, vừa phải lo khắc phục hậu quả sau khi nước rút.
Sau 1 đêm, BVĐK huyện Bảo Yên trở thành "bệnh viện dã chiến" – nơi tiếp nhận những nạn nhân chịu ảnh hưởng của trận lũ quét tại thôn Làng Nủ.
Ngồi trên chiếc ghế đá vừa mới được lau dọn bùn đất trong khuôn viên bệnh viện, bác sĩ Việt cất lời: "Các cô thông cảm nhé, giờ bệnh viện nhiều việc quá, không thể tiếp đón mọi người chu đáo được, mấy ngày nay các bác sĩ ở cũng đây đang phải căng mình".
Sau khi dùng vạt áo lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bác sĩ Việt kể lại: "Khoảng 10h sáng 10/9, khi biết tin toàn thôn Làng Nủ gặp nạn, bệnh viện liền tiến hành "báo động đỏ", điện báo cáo Sở Y tế và UBND huyện. Một ê-kíp bác sĩ của bệnh viện đã lập tức lên đường đến với Làng Nủ, nhưng đường đi lại khó khăn, nhiều khu vực sạt lở, nên sau 4 giờ đồng hồ đoàn bác sĩ hỗ trợ mới vào đến nơi.
Còn tại bệnh viện, chúng tôi tiếp nhận 16 nạn nhân đầu tiên được đưa ra bằng xe máy, ô tô tải. Chỉ trong một buổi chiều, hơn 20 bệnh nhân đã nằm chật kín phòng hồi sức cấp cứu.
Một bệnh nhân rất nguy kịch, tên là Ngọc (11 tuổi) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng tím tái, toàn thân đầy những vết trầy xước vì ngâm trong bùn nước. Nhận thấy tình trạng nguy kịch, chúng tôi nhanh chóng đặt nội khí quản thì bùn đất bắt đầu trào ra… "Vắt óc" suy nghĩ, tìm mọi cách để giành giật sự sống cho cháu, ngay sau đó chúng tôi hội chẩn và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh".
Khi tiếp nhận bệnh nhân khác, việc đầu tiên các bác sĩ là tiến hành vệ sinh, thay quần áo cho người bệnh, vì cơ thể bệnh nhân nào cùng bị phủ kín bùn đất. Tiếp đó phân loại nhóm bệnh nhân để phù hợp cho điều trị.
Bệnh nhân vào đều bị chấn thương trầy xước, rách da do va đập trong quá trình bị lũ cuốn. Hầu hết bệnh nhân sặc bùn, ngạt nước... Có những người bệnh lột cả mảng tóc, chúng tôi phải cắt lọc, tránh nhiễm trùng. Ngoài những ca nặng phải chuyển ngay lên tuyến trên, những ca bệnh như gãy xương đòn, gãy chân, gãy tay… bệnh viện ngay lập tức tiến hành sơ cứu ban đầu, điều trị và phẫu thuật ngay.
"Khó khăn nhất là không có nước sạch, điện hôm sau (11/9) mới có. Không có nước phải phẫu thuật thế nào? Bệnh viện đành huy động nhân lực đi tìm. Nhân viên y tế đến những khe nước sạch, giếng khoan sâu của nhà người dân để xin nước, rồi mượn xe ô tô tải, xe công nông chở nước về.
Rồi có trường hợp cần phải phẫu thuật ngay, chúng tôi đã gọi điện lên tuyến trên để xin hỗ trợ nhân lực, sau đó hội chẩn ngay tại giường bệnh. Ở thời điểm khó khăn chồng chất, nhờ đồng lòng của tất cả các bộ, y bác sĩ, bệnh viện đã cứu chữa được người bệnh", Giám đốc BVĐK Bảo Yên chia sẻ.
PHẦN TIẾP THEO:
> Đứng dậy sau giông bão (2): Bước chân không mỏi của cán bộ y tế cơ sở
> Đứng dậy sau giông bão (3): Triệu trái tim cùng nhịp đập