Gần đây, những vụ xâm hại tình dục nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Vụ em bé bị cha dượng xâm hại tình dục suốt 2 năm ở Sơn La, khiến người mẹ căm phẫn cắt phăng "của quý" của cha dượng... Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã trao đổi với TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS). TS Khuất Thu Hồng là tiến sĩ tâm lý học, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS.
Đừng dung dưỡng cái xấu!
Phóng viên: Thưa bà, gần đây nhiều vụ việc xâm hại tình dục xảy ra làm dư luận rất bức xúc, hậu quả của các vụ việc này cũng rất nghiêm trọng. Bà suy nghĩ thế nào về những vụ việc này?
TS Khuất Thu Hồng: Phải nói là tôi căm phẫn. Những câu chuyện trên đều rất đau lòng. Nạn nhân bị bạo hành, xâm hại trong thời gian dài, chịu nhiều thương tổn về thể chất và tinh thần. Điều đáng suy nghĩ và đáng buồn nhất là nạn nhân im lặng, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ vì sợ bị đổ lỗi, sợ bị kỳ thị, ảnh hưởng tương lai…
Phóng viên: Vì sao rất nhiều người bị lạm dụng tình dục lại chọn cách im lặng, thưa bà?
TS Khuất Thu Hồng: Những vụ xâm hại tình dục xảy ra ngày càng nhiều, mức độ ngày càng nghiêm trọng, mà phần đông nạn nhân là phụ nữ yếu thế. Họ thường im lặng, cam chịu. Đến khi không thể chịu nổi nữa họ mới dám nói ra, dám tố cáo kẻ xấu. Nhưng khi họ mở miệng nói ra, nhiều "anh hùng bàn phím" lại nhảy sổ vào chất vấn, lên án họ. Rằng họ có động cơ gì, được lợi gì, phải chăng mục đích không đạt mới quay ra tố cáo?
Tôi cho rằng không ai mong muốn mình bị lạm dụng, thậm chí bí đánh đập. Khi người ta bị dồn đến đường cùng, không còn lối thoát nữa, người ta mới nói ra. Chúng ta không làm được gì, không bảo vệ được họ, thì xin đừng lên tiếng. Xin hãy giữ im lặng bởi mỗi lời nói lên án, mỗi câu hỏi nghi ngờ… như nhát dao cứa vào họ, những nạn nhân đang ở bước đường cùng, chỉ thiếu nước chết.
Chúng ta nỡ đẩy họ vào cái chết bằng những câu nói vô thưởng vô phạt hay sao?
Phóng viên: Phải chăng một phần chính vì dư luận, vì phản ứng của xã hội mà những người đang phải chịu bạo hành, lạm dụng tình dục không dám nói ra?
TS Khuất Thu Hồng: Đúng là như thế. Nếu chúng ta không lên án kẻ xấu mà lại chất vấn nạn nhân, vô hình chúng ta đã dung dưỡng cho tội ác, tiếp tay cho việc xâm hại. Kẻ thủ ác sẽ sẵn sàng làm tới nếu thấy cái ác không bị trừng trị. Điều đáng tiếc là một bộ phận không nhỏ chúng ta đang dung dưỡng cái xấu bằng những hành động gõ phím. Tôi mong mỗi người, hãy chìa bàn tay ra cho những số phận không may mắn nương tựa.
Tôi còn nhớ sự việc cháu bé 13 tuổi ở Cà Mau bị bạo hành, lạm dụng tình dục. Cháu dũng cảm nói ra, tố cáo kẻ thủ ác, nhưng không ai tin. Cuối cùng cháu đã chọn cách tìm đến cái chết bằng chai thuốc diệt cỏ. Chúng ta sẽ còn phải chứng kiến bao nhiêu cái chết như thế nữa? Bởi vậy, tôi nghĩ mỗi người chúng ta hãy thay đổi suy nghĩ, thay đổi thành kiến, quyết liệt đấu tranh với cái xấu, cái ác thì xã hội mới tốt đẹp lên được.
Chúng ta đang thiếu bao dung với người khác
Phóng viên: Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng nêu trên?
TS Khuất Thu Hồng: Trường hợp cháu bé bị cha dượng xâm hại cũng là một ví dụ về việc xã hội thiếu bao dung, luôn định kiến, khiến nạn nhân cảm thấy cô độc, cam chịu bạo hành hơn là lên tiếng để được giúp đỡ.
Sự thiếu lòng tin vào sự cảm thông và hỗ trợ của nạn nhân đối với xã hội là điều cần phải suy nghĩ. Việc mẹ cháu bé bức xúc dẫn đến hành vi phạm tội là điều rất đáng tiếc. Không nên dùng bạo lực đáp trả bạo lực. Nhưng sự việc lại cũng phản ánh sự tuyệt vọng của người mẹ.
Cô ấy cũng không tin rằng sẽ tìm được công lý nên đã tự tay xử lý kẻ phạm tội để biến mình thành tội phạm. Rất đau lòng. Nhưng đây không chỉ là bài học cho mỗi cá nhân mà là bài học cho toàn xã hội. Xã hội phải tạo ra niềm tin về công lý, về sự hỗ trợ thì những vụ việc như thế này mới không lặp lại.
Phóng viên: Phải làm gì để ngăn chặn tình trạng này ở góc độ mỗi cá nhân, thưa bà?
TS Khuất Thu Hồng: Để nạn nhân dám lên tiếng thì xã hội phải thay đổi, phải thông cảm, hỗ trợ và giúp đỡ mà không định kiến, không đổ lỗi cho nạn nhân.
Phụ nữ và trẻ em gái (nam giới và trẻ em trai cũng vậy) cần phải được học về những ranh giới của các mối quan hệ và giao tiếp xã hội để không bị nhầm lẫn giữa tình cảm chân thành và sự lạm dụng.
Họ cũng cần được học cách lên tiếng, tìm sự giúp đỡ ngay khi cảm thấy không ổn. Trong cả hai vụ việc nêu trên, nạn nhân không lên tiếng hoặc chỉ lên tiếng khi quá muộn mới dẫn đến những hậu quả đau lòng. Nếu cháu bé ở Sơn La lên tiếng sớm hơn, cháu đã được bảo vệ và mẹ cháu đã không vướng vào vòng lao lý.
Phóng viên: Giả sử tôi bị lạm dụng tình dục, tôi phải làm gì?
TS Khuất Thu Hồng: Chứng cứ. Điều đó rất quan trọng. Nếu thường xuyên bị tấn công, hay việc tấn công đã trở thành nếp, dễ lặp lại nhiều lần thì cần phải ghi âm, chụp hình, quay clip lại hoặc tìm người làm chứng. Nếu bị tấn công thì phải đến cơ sở y tế để lưu giữ chứng cứ. Đối với trẻ em thì các phụ huynh cũng rất cần lưu ý vấn đề này.
Phóng viên: Bà có lời khuyên nào cho những người đã và đang là nạn nhân của bạo hành, lạm dụng tình dục?
TS Khuất Thu Hồng: Nếu là nạn nhân, các cô gái hãy nghĩ rằng đó là điều không may mắn mình gặp phải, không có gì phải xấu hổ cả. Mình cần sống tiếp một cuộc đời đẹp đẽ như tất cả những người khác. Cuộc đời mình được quyết định bằng ý chí và nghị lực của mình, hãy làm lại và sống thật tốt. Xã hội rồi người ta sẽ quên câu chuyện, cuộc đời mình là điều đáng trân quý nhất, không ai sống thay cho mình được. Hãy mạnh mẽ để sống thật tốt!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của tiến sĩ.
Xem thêm các video đang được quan tâm:
Phó Chủ tịch TP.HCM Lê Hòa Bình qua đời vì tai nạn giao thông | SKĐS