Thực trạng này lại thêm hồi chuông cảnh báo cho việc làm đẹp không an toàn...
Liên tục xảy ra những tai biến đáng buồn của phẫu thuật thẩm mỹ
Những ngày gần đây, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh liên tục xảy ra nhiều vụ tai biến dẫn đến chết người sau phẫu thuật làm đẹp. Ca tử vong mới nhất được báo cáo trong ngày 18/10. Trước đó, vào khoảng 8 giờ ngày 17/10, một phụ nữ (33 tuổi) đến Bệnh viện Thẩm mỹ Emcas (phường 12, quận 10, TP. Hồ Chí Minh) để phẫu thuật đặt túi nâng ngực. Sau khi thực hiện khám và xét nghiệm tiền mê theo quy định, bệnh viện này phẫu thuật theo nhu cầu của khách hàng.
Tuy nhiên, đến 20 giờ 45 phút thì bệnh nhân đột ngột khó thở, mạch nhanh, huyết áp hạ. BV Thẩm mỹ Emcas đã hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân đến BV Nhân dân 115, song đến ngày 18/10, bệnh nhân đã tử vong.
Khi có nhu cầu làm đẹp, chị em nên đến các cơ sở y tế uy tín, được cấp phép để tránh rủi ro có thể xảy ra.
Cũng tại TP. Hồ Chí Minh, trước đó vài ngày, một phụ nữ 59 tuổi sau khi căng da mặt tại BV Thẩm mỹ Kangnam (quận 3) đã xảy ra tai biến, được chuyển cấp cứu trong đêm tại BV Nhân dân 115 rồi qua BV Chợ Rẫy. Tuy nhiên, bệnh nhân đã tử vong vào đêm 14/10.
Vào đầu tháng 10/2019, các bác sĩ của BV Thanh Nhàn cũng tiếp nhận cấp cứu một nữ bệnh nhân 28 tuổi bị ngất xỉu, co giật sau khi hút mỡ để cấy nâng ngực tại Thẩm mỹ viện QT T.A (Kim Ngưu, Hà Nội).
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội của Thẩm mỹ viện QT T.A về nâng ngực bằng mỡ tự thân không đụng dao kéo với nhiều hình ảnh đẹp nên đã quyết định lựa chọn. Khi đến thẩm mỹ viện, nhân viên tư vấn nói, thẩm mỹ viện sẽ hút mỡ ở bụng, cánh tay, rồi từ đó lấy mỡ tự thân này cấy vào để nâng vòng 1. Họ cũng cho biết, việc cấy mỡ tự thân rất lành, an toàn. Do vậy, sau khi làm xong có thể về luôn. Chi phí cho ca của bệnh nhân này là 22 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau gần 5 giờ đồng hồ thực hiện các thủ thuật hút mỡ, ly tâm lọc mỡ và tiêm mỡ tự thân vào 2 ngực, bệnh nhân đã mệt, khó thở, co giật và ngất xỉu vài lần, cho nên nhân viên trực của thẩm mỹ viện mới vội vàng đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại BV Thanh Nhàn. Tại đây, bệnh nhân được nhận định dấu hiệu ngộ độc thuốc tê, rối loạn tuần hoàn não. “Thật không ngờ chỉ vì làm đẹp mà suýt mất mạng. Sự việc hoàn toàn không như những gì thẩm mỹ viện tư vấn. Chứ biết thế này, em đã không quyết định nâng ngực”, nữ bệnh nhân nói.
Trước đó, cũng tại Khoa Cấp cứu - BV Thanh Nhàn, các bác sĩ đã tiếp nhận 1 nữ bệnh nhân trong tình trạng ngất xỉu và co giật sau khi thực hiện hút mỡ bụng, mỡ bắp tay, phẫu thuật cắt mỡ, da thừa vùng bụng. Bệnh nhân này cũng may mắn được cấp cứu kịp thời.
Điều đáng nói, cả hai bệnh nhân này cùng thực hiện các thủ thuật thẩm mỹ hút mỡ, nâng ngực tại cơ sở thẩm mỹ viện QT T.A.
Cần sáng suốt trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ
Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống về vấn đề này, ThS.BS. Vũ Trung Trực - Phó Trưởng khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ, BV Việt Đức cho biết, tai biến gặp nhiều nhất trong thẩm mỹ vẫn là tai biến nội khoa, tức là không phẫu thuật. Có nghĩa là người có nhu cầu làm đẹp sẽ đến các trung tâm quảng cáo làm đẹp để thực hiện các kỹ thuật tiêm các chất như chất làm đầy vào cơ thể. Tuy nhiên, kể cả những kỹ thuật này vẫn phải được thực hiện tại các cơ sở đảm bảo, đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Còn tai biến phẫu thuật thẩm mỹ do can thiệp liên quan đến trung phẫu như hút mỡ bụng để nâng ngực, đặt túi ngực... thì ít xảy ra thường xuyên hơn, nhưng thời gian qua, Khoa Phẫu thuật hàm mặt - tạo hình - thẩm mỹ cũng đã tiếp nhận cấp cứu, “sửa sai” nhiều trường hợp biến chứng do nâng ngực bằng filler (chất làm đầy), bơm mỡ nhân tạo, phổ biến nhất là thủng lỗ dò ở mũi, ngực do quá trình vô trùng không tốt khi tiêm, một số ít trường hợp bị mù mắt do tiêm sai vị trí...
Do đó, BS. Trực khuyến cáo các chị em đang có ý định làm đẹp hãy lựa chọn các cơ sở đã được cấp phép, đồng thời tìm hiểu thật kỹ về phương pháp đó và những nguy cơ mà mình có thể gặp phải để đưa ra những lựa chọn phù hợp. Tại cơ sở này, khách hàng cần tìm hiểu xem người thực hiện kỹ thuật mình định làm có được cấp phép hành nghề hay không. Tiếp đến, để giảm thiểu nguy cơ rủi ro thì khi đi làm thẩm mỹ nếu liên quan đến trung phẫu, khách hàng cần tìm hiểu xem tại cơ sở đó có bác sĩ gây mê hồi sức không, các trang thiết bị máy móc ra sao, các thuốc sử dụng trong gây mê hồi sức, các thuốc sử dụng cho quá trình phẫu thuật có đảm bảo hay không?
Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về quy trình thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ mà mình cần thực hiện của cơ sở đó có đảm bảo hay không rồi hãy quyết định thực hiện. “Bản thân phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng cũng như các phẫu thuật khác nói chung đều tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dị ứng thuốc, chảy máu, nhiễm trùng... Nhưng nếu như thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở đã được cấp phép, có đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị thì nguy cơ sẽ ít đi”, BS. Trực nhấn mạnh.
Ngoài ra, BS. Trực cũng cho rằng, hiện nay, việc tìm kiếm thông tin về làm đẹp vô cùng đơn giản. Do đó, người có nhu cầu thẩm mỹ làm đẹp cần phải tỉnh táo trong lựa chọn cơ sở để thực hiện làm đẹp, tránh “tiền mất, tật mang”.