1. Vai trò của corticoid điều trị các bệnh dị ứng
Corticoid tương tự như cortisol, một loại hormon được tiết ra ở vỏ thượng thận, đóng vai trò chính trong một loạt các quá trình trong cơ thể, bao gồm chuyển hóa, đáp ứng miễn dịch và căng thẳng (stress)...
Một số giả thuyết về cơ chế tác dụng của corticoid (steroid) đối với các bệnh dị ứng bao gồm:
- Steroid làm tăng tác dụng của hệ beta-adrenergic, từ đó giảm phóng thích các chất trung gian gây dị ứng và co thắt cơ trơn.
- Tác động lên các tế bào trung gian đáp ứng miễn dịch, ức chế dòng tế bào đơn nhân, đa nhân, lympho bào đi vào mô gây khởi phát phản ứng viêm. Steroid còn góp phần ngăn chặn sự di chuyển và tích tụ của bạch cầu trung tính tại các vị trí viêm, ổn định lysosome của bạch cầu trung tính, ức chế hiệu quả việc giải phóng các chất trung gian gây viêm.
- Ức chế tác dụng và/hoặc sự phóng thích của các chất trung gian gây viêm, ức chế giải phóng histamin, serotonin từ các hạt dự trữ trong phản ứng dị ứng.
2. Các dạng thuốc corticoid thường dùng trong một số bệnh dị ứng
2.1. Thuốc corticoid đường uống
Một số thuốc dùng đường uống như: Prednisolone, methylprednisolone, prednisone, dexamethasone...
Thuốc có tác dụng giảm viêm hiệu quả đường toàn thân thay vì chỉ tác dụng tại 1 vị trí, do đó có thể dùng trong nhiều tình trạng dị ứng khác nhau như dị ứng phấn hoa nặng, dị ứng da bao gồm cả eczema.
Để tránh suy vỏ thượng thận khi sử dụng corticoid kéo dài chỉ nên uống vào buổi sáng hoặc uống thuốc cách ngày. Bên cạnh đó, thuốc có thể gây kích ứng dạ dày nên cần uống cùng với thức ăn hoặc sau khi ăn no.
2.2. Corticoid dạng nhỏ/xịt mũi
Thuốc corticoid làm giảm rất tốt tình trạng viêm của niêm mạc mũi và cải thiện bệnh lý niêm mạc thông qua cơ chế kháng viêm nên được khuyến cáo là chọn lựa đầu tay trong điều trị viêm mũi dị ứng cho cả người lớn và trẻ em.
Có 2 nhóm corticoid thường dùng trong dạng xịt mũi, bao gồm:
- Thế hệ 1: Beclomethasone, flunisolide, triamcinolone, và budesonide
- Thế hệ 2: Fluticasone propionate, fluticasone furoate và mometasone furoate
Các chất này có hiệu quả tương đương nhau nhưng các corticoid thế hệ 2 ít hấp thu vào cơ thể nên tác dụng phụ toàn thân thấp hơn.
Một số tác dụng ngoại ý thường gặp như nấm miệng, khàn giọng có thể dự phòng bằng cách thực hiện đúng thao tác xịt hít và súc họng kỹ bằng nước muối sau khi dùng thuốc.
2.3. Corticoid bôi da (dermocorticoid)
Đây là một trong những thuốc chủ chốt trong điều trị viêm da dị ứng do có tác dụng chống viêm tại chỗ, làm co mạch, ức chế các chức năng của bạch cầu và làm biến đổi các phản ứng miễn dịch.
Cần thận trọng khi dùng corticoid bôi ngoài da.
Trên người lớn, các dermocorticoid mạnh được dùng cho những thương tổn ở toàn thân. Dermocorticoid tác dụng vừa thường được ưa dùng cho các thương tổn ở mặt và/hoặc những thương tổn diện rộng; cả 2 nhóm này đều có thể dùng trên trẻ em.
- Dermocorticoid tác dụng rất mạnh chỉ dùng trong khoảng thời gian ngắn trên các mảng da ít rộng và nhạy cảm với corticoid để cho tác dụng tức thời. Các chế phẩm này chống chỉ định dùng cho trẻ còn bú và trẻ em. Các dermocorticoid tác dụng yếu ít có ý nghĩa trong điều trị viêm da dị ứng.
- Cần thận trọng khi bôi dermocorticoid ở mí mắt do tăng nguy cơ đục thuỷ tinh thể hoặc glaucoma.
- Thường bôi ngày một lần cho tới khi đỡ, khoảng 10 ngày. Nên bôi vào buổi tối để giữ thuốc tại chỗ được lâu hơn. Bôi hai lần mỗi ngày không có lợi ích gì thêm (trừ thường hợp một số thể eczema lichen hoá) nhưng lại làm tăng nguy cơ tác dụng phụ. Chỉ bôi một lượng nhỏ đủ bao phủ lớp mỏng trên vùng da bệnh, tránh bôi vào vùng trầy xước, không lành lặn hoặc vùng da thường xuyên bị cọ xát.
2.4. Thuốc nhỏ mắt chứa corticoid
Thường được phối hợp trong điều trị viêm kết mạc dị ứng. Thuốc có tác dụng chống viêm, giảm các triệu chứng như ngứa, tấy đỏ, sưng… nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu lạm dụng có thể gây bùng phát các nhiễm trùng tiềm ẩn do thuốc làm ức chế miễn dịch tại chỗ; sử dụng lâu dài có thể gây tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể...
3. Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của corticoid và cách phòng tránh
3.1. Tai biến sớm
- Loét dạ dày: Hay gặp ở người có tiền sử loét dạ dày, suy dinh dưỡng, phối hợp với các thuốc chống viêm không steroid. Điều này là do thuốc làm tăng acid dịch vị, giảm yếu tố bảo vệ. Tác dụng phụ này gia tăng khi phối hợp với NSAID.
Cách khắc phục tình trạng này là sử dụng thuốc liều thấp nhưng vẫn đạt hiệu quả kháng viêm, hạn chế phối hợp corticoid với các NSAID, có thể sử dụng thêm các thuốc kháng tiết acid như thuốc kháng histamin H2, thuốc ức chế bơm proton. Hạn chế các chất kích thích tiết acid dịch vị như rượu, bia, thức ăn chua, cay…
- Giảm sức đề kháng: Do thuốc có tác dụng ức chế miễn dịch nên làm giảm sức đề kháng của cơ thể. Người bệnh dễ mắc các nhiễm trùng cơ hội với các tác nhân vi khuẩn, virus thường gặp, bùng phát lao tiềm ẩn có sẵn, nhiễm nấm candida, aspergillus…
- Bùng phát các bệnh về tâm thần: Có thể xảy ra khi sử dụng liều cao corticoid, bệnh nhân có các biểu hiện như hưng phấn, trầm cảm, nói sảng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ… Do đó cần chú ý khi sử dụng cho người có tiền sử tâm thần.
Việc sử dụng corticoid nhỏ mắt trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho mắt.
3.2. Tai biến muộn
- Loãng xương, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em: Là do corticoid làm mất cân bằng tạo xương - hủy xương, làm giảm hấp thu calci ở ruột non.
Có thể khắc phục tác dụng phụ loãng xương bằng cách giảm liều đến mức thấp nhất, giảm thời gian sử dụng thuốc; bổ sung calci, vitamin D, điều trị thay thế estrogen cho phụ nữ mãn kinh.
Khi dùng liều cao kéo dài corticoid trên trẻ em có thể gây ức chế sự phát triển của xương, sụn, dẫn đến ức chế phát triển chiều cao của trẻ. Do đó, với trẻ em, nên sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả trong khoảng thời gian ngắn nhất, nếu cần dùng liều cao thì nên dùng cách ngày. Đồng thời, khuyến khích trẻ ăn nhiều chất đạm, canxi hỗ trợ cho quá trình phát triển của cơ thể.
- Hội chứng Cushing: Khi sử dụng corticoid kéo dài gây tăng chuyển hóa mỡ, rối loạn phân bố mỡ, dẫn đến các biểu hiện của Cushing như mập thân trên, mặt tròn như mặt trăng, gáy trâu, teo chi dưới. Khi đó, cần ngưng liều theo nguyên tắc giảm liều từ từ trước khi ngưng thuốc.
- Phù, tăng huyết áp do giữ muối, nước: Lúc này, cần lựa chọn các thuốc ít giữ muối, nước (thường trong công thức có chứa flo như dexamethasone, methylprednisolone); sử dụng thêm lợi tiểu để chống phù.
- Tăng đường huyết: Do phân giải glycogen, tân tạo đường từ protid, do đó cần theo dõi đường huyết cẩn thận ở những bệnh nhân đái tháo đường.
- Teo da: Các thuốc bôi da, nhỏ mắt, xịt/nhỏ mũi chứa corticoid gây tác dụng phụ teo da, xơ cứng bì, chậm liều sẹo, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể hoặc bội nhiễm nấm, vi khuẩn, virus. Vì vậy, cần hạn chế sử dụng các thuốc tác dụng tại chỗ này kéo dài, thăm khám kỹ trước khi kê đơn, không tự ý sử dụng thuốc.
3.3. Tai biến khi dừng thuốc đột ngột
Suy vỏ thượng thận là tai biến nguy hiểm khi dừng thuốc đột ngột. Do đó, cần tuần theo nguyên tắc giảm liều từ từ trước khi ngưng hẳn thuốc.
Xem thêm video:
Điều cần biết về việc khi nào tiêm vaccine COVID-19 khi trẻ vừa tiêm vaccine khác.