Trong dự phòng hen, viêm mũi dị ứng, người ta thường dùng corticoid dạng hít như futicason, beclomethason, budesonid... Khi dùng dạng hít, thuốc có tác dụng tại chỗ rất mạnh làm giảm kích thích ở mũi, phế quản, tiểu phế quản nên giảm co thắt, giảm viêm, giảm tiết dịch, làm thông đường hô hấp. Thuốc không gây độc toàn thân nhưng khi dùng vẫn cần thận trọng...
Ngay sau khi dùng coricoid hít có thể có phản ứng nghịch thường tức thời kích thích phế quản, gây co thắt, khó thở. Lúc đó, phải điều trị ngay bằng thuốc giãn phế quản. Thông thường, phải dùng thuốc giãn phế quản hít (salbutamol, terbutalin) trước vài phút, rồi mới dùng corticoid hít nhằm tránh phản ứng nghịch thường tức thời này, đồng thời làm thông phế quản, nâng hiệu suất corticoid hít (hít nhiều vào phổi).
Sự cải thiện tình trạng hen thể hiện ở chỗ giảm tính tăng phản ứng của phế quản, xảy ra sau khi dùng corticoid hít trong vòng 24 giờ, tuy nhiên hiệu lực chỉ thể hiện đầy đủ sau một thời gian nhất định (với fluticason sau 1-2 tuần, với budesonid sau 3-7 ngày, với beclomathason sau 10-14 ngày). Cần dùng đúng liều, đều đặn hàng ngày ngay cả khi không có dấu hiệu lâm sàng hen.
Sau khi dùng dài ngày corticoid hít, khi ngừng thuốc, tính năng kích thích phế quản có thể quay trở lại, gây co thắt phế quản, làm bệnh nặng thêm (hay gặp với khoảng 70% người dùng budesonid). Do vậy không được ngừng corticoid hít đột ngột. Thận trọng dùng các thuốc này với trẻ em, riêng fluticatison không dùng cho trẻ dưới 4 tuổi.
Cần tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. |
Trong trị viêm mũi dị ứng
Hay dùng dạng xịt trực tiếp hoặc khí dung (phun sương) vào niêm mạc mũi. Corticoid hít có tác dụng trong vòng 24 giờ, song hiệu lực chỉ đầy đủ sau một thời gian (chẳng hạn với fluticason cần 2-4 ngày). Cần dùng đều đặn theo khoảng cách nhất định giữa các lần dùng (ví dụ với fluticason có thể dùng mỗi ngày 2 lần, vào lúc 8 giờ sáng và 8 giờ tối, về sau có thể duy trì mỗi ngày 1 lần).
Để thuốc sớm có hiệu quả lâm sàng, lúc khởi đầu có thể dùng corticoid hít phối hợp với các thuốc kháng histamin, giãn phế quản, corticoid uống, sau đó ngừng các thuốc phối hợp này và duy trì bằng corticoid hít.
Không dùng corticoid hít trị viêm mũi dị ứng cho trẻ dưới 12 tuổi, riêng với beclomethason không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi, thận trọng với bệnh lao tiềm ẩn (thuốc ức chế miễn dịch làm lao nặng thêm). Corticoid hít cũng ức chế việc lành vết thương nên chỉ được dùng khi các tổn thương đường hô hấp (xây xước, rách, phẫu thuật) đã hồi phục.
Dùng thế nào cho an toàn?
Trong hen mạn tính, chia thành 5 bậc: bậc 1 (dùng chủ vận beta-2 ngắn hít); bậc 2 (dùng corticoid hít liều trung bình thường xuyên chủ vận beta-2 ngắn hít khi cần); bậc 3 và 4 (dùng corticoid hít liều cao thường xuyên chủ vận beta-2 dài hít); bậc 5 (dùng corticoid hít liều cao thường xuyên chủ vận beta-2 dài hít corticoid uống). Tùy theo bậc, thầy thuốc sẽ điều chỉnh sự phối hợp và liều. Sau 3-6 tháng, xác định lại bậc, thường có sự giảm các thuốc phối hợp, giảm liều. Người bệnh không nên tự ý định liều, thay đổi liều theo cảm tính.
Tác dụng phụ của corticoid hít Dùng dạng hít lâu dài có thể bị gây bội nhiễm nấm candia (ở mũi, miệng). Cần súc (miệng, họng) thật sạch sau khi hít hay dùng buồng hít để thuốc không đọng ở miệng, mũi. Không làm dây corticoid hít vào mắt vì sẽ làm tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể. Ngoài ra thuốc có thể gây đau đầu, viêm họng, kích ứng mũi, hắt hơi, ho, buồn nôn, nôn, chảy máu cam, phát ban da, ngứa, sưng mặt, sốc phản vệ nhưng ít gặp. Dạng thuốc hít dùng kéo dài kèm theo corticoid uống cũng có thể bị ngộ độc toàn thân, lúc đầu cường vỏ thượng thận, sau đó ngừng thuốc đột ngột sẽ suy thượng thận cấp. Phải thận trọng khi phối hợp với corticoid uống (chỉ phối hợp với corticoid uống liều vừa đủ, đợt ngắn). Corticoid gây hại thai, tiết vào sữa gây hại trẻ nhưng với corticoid hít chưa thấy hiện tượng này, vẫn có thể dùng cho người có thai, cho con bú. Liều dùng phụ thuộc vào tình trạng bệnh, độ mạnh của từng corticoid. Có thể bắt đầu với liều cao cho sớm đạt được hiệu quả, sau dùng liều duy trì thấp nhất có hiệu lực. |
DS. Bùi Văn Uy