Suýt nguy vì chủ quan với cơ đau đầu thoáng qua
Chị Vũ Thị Thoa – 42 tuổi thường xuyên bị đau đầu đầu thoáng qua, dấu hiệu của đột quỵ nhẹ nhưng chị chẳng để ý chỉ đến khi đau dữ dội mới đi viện và chị được xem là người may mắn.nhưng chỉ nghĩ đơn giản do trúng gió nên chị chủ quan chỉ uống thuốc giảm đau. Thời gian gần đây chị Th thấy cơn đau dữ dội hơn chị mới đến bệnh viện khám.Tại BV, khi chụp CT vùng đầu sọ bác sĩ phát hiện mạch não đã giãn to bằng quả nho với kích thước 6,4x8,5mm. Đặc biệt, túi phình nằm ở cuối động mạch cảnh trong trái - vị trí mạch yếu, rất dễ vỡ. Sau khi được khám và tư vẫn kỹ, chị Th được bác sĩ chỉ định can thiệp mạch đặt stent. Chị Thoa cho biết, sau khi được đặt stent và được các bác sĩ giải thích về căn bệnh này, chị Th thở phào trút được gánh nặng nghìn cân vì không hề biết là mình đang mang căn bệnh có thế chết “bất đắc kỳ tử” lúc nào mà không biết.
Bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô - người tiến hành khám và đặt stent cho chị Thoa cho biết, khi khám , bệnh nhân đã bị túi phình to và do kích thước quá lớn, các bác sĩ không thể đặt coil (thả nhiều vòng xoắn kim loại) hay phẫu thuật kẹp túi phình được bởi nếu kẹp túi phình lúc này thì sẽ có nhiều biến chứng. Vì vậy, phương án tối ưu là đặt stent chuyển dòng giúp giảm áp lực máu đi vào túi phình. Rất may do được xử trí kịp thời bệnh nhân đã thoát được nguy cơ chảy máu não, nguy hiểm tính mạng.
Nguy hiểm thế nào?
Cũng theo bác sĩ Long có hai loại bệnh dị dạng mạch máu não phổ biến là phình động mạch não và dị dạng thông động tĩnh mạch (AVM). Có khoảng 5% bệnh nhân được chỉ định chụp mạch máu não có dị dạng mạch máu não.
Dị dạng thông động tĩnh mạch máu não là hiện tượng các mạch máu bất thường, rối loạn trong não. Các dị dạng này nối thông động mạch và tĩnh mạch não mà không đi qua các mao mạch, không cung cấp đủ máu cho nhu mô não. Các dị dạng mạch máu này khi vỡ gây chảy máu não. Đây là một căn bệnh bẩm sinh và hết sức nguy hiểm.
Còn phình động mạch não là tình trạng phình giãn của động mạch não ở các vị trí khác nhau như động mạch cảnh trong, động mạch não giữa, não trước, động mạch thông trước, thông sau, thân nền...Tuỳ vị trí và kích thước túi phình mà nguy cơ vỡ khác nhau. 90% các trường hợp vỡ phình động mạch não sẽ gây hôn mê và có thể tử vong.
Bác sĩ Long cũng cho biết thêm, các dấu hiệu của bệnh rất đa dạng như triệu chứng đau đầu mạn tính điều trị nội khoa không khỏi, xuất hiện co giật và những cơn động kinh. Dị dạng mạch máu não có thể kích thích mô não chung quanh và gây ra số triệu chứng chủ yếu là cơn co giật mới khởi phát, yếu hoặc liệt cơ, mất phối hợp, khó khăn khi thực hiện những động tác phức tạp, chóng mặt, đau đầu. Ngoài ra, bệnh nhân có vấn đề về ngôn ngữ, các cảm giác bất thường như: tê, ngứa, đau tự phát...
“Khi có các dấu hiệu trên, bệnh nhân nên đi chụp cộng hưởng từ mạch máu não để có thể được chẩn đoán. Sau khi phát hiện được dị dạng mạch máu não thì cần chụp mạch máu não qua da (DSA). Chụp mạch máu não qua da giúp bác sĩ có cái nhìn chính xác về vị trí, kích thước, hình thái của đoạn mạch dị dạng đồng thời lên được kế hoạch điều trị tối ưu cho bệnh nhân”. Bs. Long khuyến cáo.
Bs. Long khuyến cáo dị dạng mạch máu não không điều trị có thể phát triển to lên và vỡ, gây xuất huyết não hoặc xuất huyết khoang dưới nhện, dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn và nguy cơ tử vong rất cao. Mục tiêu của điều trị dị dạng mạch máu não là dự phòng xuất huyết do vỡ và tái vỡ.