Dịch bệnh COVID-19 là minh chứng cụ thể, khi nhiều bức tranh tuyên truyền nâng cao ý thức người dân cùng chung tay dập dịch đã được thực hiện, từ họa sĩ chuyên nghiệp đến các em nhỏ.
“Hái quả ngọt” từ cuộc vận động
Chưa đầy 1 tuần kể từ khi Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) thông báo cuộc vận động sáng tác phòng, chống dịch COVID-19, Ban tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm của 23 họa sĩ trên cả nước gửi về. Từ đó, Cục Văn hóa cơ sở đã chọn ra 14 tác phẩm để tuyên truyền, tổ chức ấn hành 4 mẫu tranh, 1.000 đĩa tranh cổ động tuyên truyền gửi về các tỉnh, thành phố, quận huyện trong cả nước, đặc biệt gửi về các xã, phường của các trung tâm đô thị lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng để tuyên truyền tại cơ sở.
Những tác phẩm trong đợt sáng tác này đều thể hiện những thông điệp rõ ràng, gần gũi về việc nâng cao ý thức, chung tay đẩy lùi dịch bệnh như: Rửa tay đúng cách, thường xuyên; Đeo khẩu trang khi ra đường hoặc đến chỗ đông người; Tránh tập trung đông người để tránh nguy cơ lây nhiễm; Khi nghi nhiễm COVID-19 cần thực hiện cách ly ngay và thông báo cho cơ quan y tế địa phương... Bên cạnh đó, nhiều bức tranh cũng chuyển tải đến công chúng thông điệp về cách ứng xử, việc chọn lọc khi tiếp nhận thông tin, tránh tâm lý hoang mang trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Đánh giá về các tác phẩm tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, Cục Văn hóa cơ sở nhấn mạnh, hầu hết tranh của các họa sĩ đều thể hiện những thông điệp khúc triết, rõ ràng, gần gũi, được tác giả chuyển tải đến công chúng với mong muốn chung tay, góp phần đẩy lùi đại dịch. Họa sĩ Đỗ Trung Kiên với 10 bức tranh cổ động với nhiều hình thức thể hiện khác nhau, đây cũng là tác giả có nhiều tác phẩm gửi đến nhất. Theo họa sĩ này, các tác phẩm dù được vẽ với phong cách nào, chất liệu gì thì đều tựu trung thông điệp: Hãy cùng nhau ngăn chặn COVID-19, hiểm họa của dịch bệnh toàn cầu. Trong khi đó, họa sĩ Yên Thế kỳ vọng, qua cuộc sáng tác này, sức sáng tạo của người nghệ sĩ sẽ góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, đẩy lùi dịch bệnh. Điều này cũng cho thấy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực vì cộng đồng của các họa sĩ.
Bé Chung Anh với tác phẩm về dịch bệnh COVID-19 (phía trên) và các bức tranh cổ động phòng, chống dịch COVID-19 từ cuộc vận động gần đây (phía dưới).
Tỏa hương thơm bằng sự chủ động
Chứng kiến hình ảnh những người chiến sĩ trên mặt trận chống dịch COVID-19 mặc bộ đồ bảo hộ, từng ngày đối mặt hiểm nguy vì sự an toàn của người dân đã khiến nhiều người lay động con tim và dâng trào cảm xúc. Như bao người, họa sĩ Trương Minh Dự đã trăn trở phải làm điều gì đó để bày tỏ cảm xúc, tình cảm của mình. Từ đó, ông đã cho ra đời bức tranh COVID-19 - Tuyến đầu. Bức tranh của Trương Minh Dự dùng bút pháp hiện đại, sử dụng gam màu chủ đạo là sắc đen xám lẫn xanh lam, tạo một không gian mờ ảo. Nhưng đó chính là phông nền, làm nổi bật hình ảnh màu trắng của những người chiến sĩ chống dịch và một vài chấm đỏ thể hiện ý tưởng mà tác giả gọi là “giọt máu và sự sống”. Theo họa sĩ Trương Minh Dự, khung cảnh xám mờ của dịch bệnh trong bức tranh là chủ ý, điểm xuyết trong đó những chấm đỏ, những “giọt máu” của sự sống giống như sự gửi gắm những điều tốt đẹp khi cơn bão COVID-19 sẽ qua đi.
Đặc biệt gần đây, em Nguyễn Đới Chung Anh (học sinh lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Đống Đa, Hà Nội) thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng với những bức tranh xoay quanh đại dịch COVID-19. Chung Anh đã thực hiện nhiều bức tranh gắn liền với các sự kiện về COVID-19 cũng như những bức tranh cổ động phòng dịch như phun thuốc dịch khử trùng, những y bác sĩ đang nghiên cứu vắc-xin chống virus Corona hay tuyên truyền đeo khẩu trang... Tất cả các bức tranh của Chung Anh đều vẽ bằng bút chì màu, trên khổ giấy A2 và mỗi tác phẩm được em hoàn thành trong 3-5 ngày. Các bức tranh của em được khen ngợi và nhiều người biết đến vì mẹ em đã đăng tải lên “phây”, qua đó cư dân mạng đều yêu thích, chia sẻ rộng rãi.
Nhiều người xem tranh của Chung Anh đưa ra bình luận, các tác phẩm của em đều đầy ắp màu sắc của tuổi thơ nhưng cũng không kém phần suy tư của một “người trưởng thành”. Chung Anh cho biết, lý do em vẽ tranh về COVID-19 vì em mong mọi người được khỏi bệnh. Em mong những bệnh nhân đang nằm trên giường bệnh sẽ vững tin hơn và những người đang bị cách ly sẽ không còn hoang mang nữa.
Có thể nói, các họa sĩ chuyên nghiệp cũng như thế hệ trẻ như Chung Anh kể trên đã, đang thể hiện trách nhiệm công dân trước những khó khăn chung của cộng đồng. Họ đã dùng cọ vẽ để tạo ra các tác phẩm hội họa tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, chung sức đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và hướng về một tương lai tươi sáng.