Nhiều lần gặp ca nương Phạm Thị Huệ - Chủ nhiệm giáo phường ca trù Thăng Long ở trong và ngoài sân khấu ca trù, các chương trình âm nhạc truyền thống…, tiếp xúc và trò chuyện với chị, tôi hiểu rằng trong từng mạch máu của người phụ nữ tuổi đời ngoài 40 này luôn căng tràn tình yêu với ca trù.
Đem ca trù ra khỏi lãnh thổ Việt Nam
Phạm Thị Huệ có khuôn mặt trăng rằm phúc hậu, ánh mắt to tròn thăm thẳm, dáng vóc mảnh mai và đôi môi lúc nào cũng mỉm cười khiến người đối diện phải... ngẩn ngơ dù hiện nay chị đã 41 tuổi. Thi đỗ Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) khi 8 tuổi, sau khi tốt nghiệp đại học (năm 1996), chị được giữ lại trường phụ trách bộ môn Đàn tỳ bà tại Khoa Nhạc cụ truyền thống. Từ bấy đến nay, chị cứ âm thầm “giữ lửa” ca trù, đồng thời nhiệt huyết đưa bộ môn nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với bạn bè quốc tế thông qua hoạt động nghề nghiệp.
Ca nương Phạm Thị Huệ.
Vượt qua mọi nỗi buồn trong hạnh phúc gia đình tan vỡ hơn chục năm trước, Phạm Thị Huệ đã tận lực đến ca trù. Ca trù đối với Phạm Thị Huệ là một điều gì đó không thể thay thế. Với lời ca, tiếng đàn, nhịp phách điêu luyện của các tác phẩm ca trù như Tỳ bà hành, Thề non nước, Hồng hồng tuyết tuyết…, năm 2006, chị được công nhận là “đào nương” - một danh xưng chỉ dành cho người phụ nữ hát ca trù thật sự xuất sắc. Không lâu sau đó, chị được chọn làm Chủ nhiệm giáo phường ca trù Thăng Long (hoạt động tại số nhà 87 phố Mã Mây, Hà Nội). Gần chục năm qua, vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần, địa chỉ 87 Mã Mây là điểm đến của nhiều du khách quốc tế bởi thời gian đó, ca nương Huệ cùng các nghệ sĩ trong giáo phường đang cất cao lời ca, nhịp phách, tiếng trống của nghệ thuật ca trù.
Đam mê với ca trù ngày càng lớn, Phạm Thị Huệ hiểu rằng cần đưa môn nghệ thuật truyền thống này đến với bạn bè quốc tế để họ biết được ở Việt Nam có một bộ môn âm nhạc là di sản vốn quý. Và rồi, bằng tài năng và tạo dựng được lòng tin đối với lãnh đạo trường nơi chị đang công tác, Phạm Thị Huệ đã hiện thực hóa được điều ước khi đem ca trù đến với các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chị từng khăn gói thân gái dặm trường dưới hình thức “được cử” qua Thái Lan, Thụy Điển giảng dạy và giới thiệu âm nhạc truyền thống, trong đó có ca trù. Đặc biệt, năm ngoái, nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp, Phạm Thị Huệ đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch mời đi biểu diễn trong chương trình nghệ thuật tại Thủ đô Paris hoa lệ. Trên xứ người dịp ấy, dù đã chai sạn và vững tuổi nghề, vậy mà ca nương Phạm Thị Huệ vẫn rất run vì đang biểu diễn trước hàng ngàn khán giả tại Paris, chị sợ sự cách trở về ngôn ngữ sẽ khiến buổi diễn thất bại vì nhiều áp lực. Tuy nhiên, Phạm Thị Huệ đã điềm tĩnh trở lại, vẫn thể hiện tốt tài năng của mình để ca trù đọng lại nhiều dư âm tốt đẹp trong tâm trí khán giả nước bạn. Tiếng hát ca trù, tiếng đàn và nhịp phách vang lên để rồi khi buổi diễn khép lại, Phạm Thị Huệ vui đến rơi nước mắt khi khán giả vỗ tay không ngớt, ai ai cũng dành tặng lời tán thưởng. “Khi ấy tôi hiểu, mọi cách trở về ngôn ngữ đã bị phá vỡ, tất cả đã tìm được tiếng nói chung trong nghệ thuật”, ca nương Huệ bồi hồi nhớ lại.
Phạm Thị Huệ cũng từng biểu diễn ca trù tại Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ, Úc… Mỗi lần diễn trên đất bạn, chị lại dâng trào xúc cảm, chị thấy mình như một sứ giả đang giới thiệu hình ảnh đất nước thông qua âm nhạc dân tộc - tinh hoa văn hóa của đất nước. Và đi tới đâu, Phạm Thị Huệ cũng đặt ra mục tiêu làm sao giúp khán giả hiểu được những giá trị cốt lõi của từng nhạc cụ như tiếng trống, nhịp phách, tiếng đàn, lời ca của ca trù; qua đó, mọi người hiểu nhiều hơn về văn hóa Việt Nam nói chung, nghệ thuật ca trù nói riêng.
“Giữ lửa” ca trù bằng cái Tâm
Gắn bó với ca trù bao nhiêu năm là vậy nhưng ca nương Phạm Thị Huệ vẫn thấy những nỗi buồn, sự lo lắng. Vì ca trù - Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng nghĩa, không phải là một bộ môn nghệ thuật phổ biến ở Việt Nam. Hiện nay, sân khấu dành riêng cho ca trù vẫn chưa có. Các nghệ sĩ làm nghề vẫn phải mượn địa điểm, tự bỏ kinh phí tổ chức, luyện tập, biểu diễn. Nhà nước cũng chưa có chính sách đãi ngộ nào cho các nghệ nhân gắn bó, trao truyền hoặc theo đuổi ca trù.
Có nhiều khi chị cũng cảm thấy cô độc trên hành trình bảo tồn, gìn giữ và phát huy loại hình âm nhạc dân tộc. “Có quá ít người đi cùng mình trên con đường này. Còn mệt mỏi và muốn buông xuôi thì không. Vì ngay từ đầu tôi đã lựa chọn và biết mình phải đi con đường này. Có rất nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi luôn nghĩ cứ quyết làm thì sẽ thành công. Và cái chính là mình phải làm bằng cả cái Tâm”, Phạm Thị Huệ chia sẻ kèm theo nụ cười.
Nặng lòng với ca trù nên ca nương Phạm Thị Huệ đã từng đề xuất với cơ quan chức năng ngành văn hóa cũng như giáo dục nên đưa ca trù vào giảng dạy trong nhà trường. Theo chị, đó là cách để nhiều người biết đến và theo học ca trù nhiều hơn, giúp ca trù sẽ không bị mai một, lãng quên. Điều đó cũng cần thiết và hợp lý vì thực tế ai cũng biết trong xã hội hiện đại ngày nay, đặc biệt là giới trẻ đã “đem lòng” yêu thích và chạy theo những ca khúc nhạc trẻ với nội dung ít ý nghĩa; trong khi đó, họ dễ dàng “bỏ ngoài tai” những âm vang của loại hình âm nhạc đã trở thành di sản văn hóa nghệ thuật như ca trù. Thậm chí, ca nương Huệ cho biết, không ít người “nhầm lẫn” ca trù là hát xẩm hoặc chầu văn.
Những người nặng lòng với ca trù như ca nương Phạm Thị Huệ hiện nay không nhiều, nghệ nhân gạo cội thì số đông đã đổ bóng hoặc nếu còn cũng ở tuổi “xưa nay hiếm”. Người trẻ theo ca trù chỉ đếm trên đầu ngón tay, muốn đến với ca trù nhưng họ thấy khó khăn hiển hiện nên không dám dấn thân. Phạm Thị Huệ thì khác, chị vẫn cần mẫn, miệt mài đến vô tận. Những lớp ca trù do Phạm Thị Huệ giảng dạy đã và đang được mở ra với việc tiếp nhận những em nhỏ đến các bạn thanh thiếu niên. Phạm Thị Huệ vẫn hát đều đặn tại giáo phường 3 tối/tuần dù có lúc chỉ có vài người nghe. Cũng đành vậy khi ca trù đã hóa thành nhịp đập nơi trái tim chị…
Bài, ảnh: Hoa Quỳnh
Ca nương Phạm Thị Huệ.