Sưng mộng răng là gì?
Sưng mộng răng là cách gọi dân gian để chỉ hiện tượng sưng nề, phồng đỏ ở vùng lợi bên trong miệng. Khi bị sưng mộng răng thường kèm theo cảm giác đau nhức, ê buốt hoặc nóng rát. Dấu hiệu này có thể xuất hiện ở một răng cụ thể hoặc lan rộng ra khu vực lân cận.
ThS.BSCKII Nguyễn Văn Phương gợi ý cách làm giảm sưng mộng răng tại nhà.
Nguyên nhân gây sưng mộng răng
Tình trạng sưng mộng răng có thể do nhiều nguyên nhân gây ra. Trong đó nguyên nhân sưng mộng răng phổ biến nhất bao gồm:
1. Sưng mộng răng do viêm lợi, viêm nha chu
Các mảng bám và vi khuẩn tích tụ lâu ngày gây kích ứng và viêm nhiễm vùng lợi. Đây là nguyên nhân khiến vùng lợi sưng đỏ và chảy máu khi chải răng.
2. Áp xe răng, áp xe lợi
Đây là tình trạng nhiễm trùng sâu trong chân răng hoặc mô nướu, gây tụ mủ và sưng lớn. Nếu không điều trị kịp thời, có thể lan sang các vùng lân cận.
3. Nhiễm trùng tủy răng, cuống răng
Khi vi khuẩn xâm nhập vào tủy răng gây viêm, sẽ dẫn đến áp lực trong răng tăng lên, làm sưng nề mô mềm xung quanh.
4. Sưng mộng răng số 8
Răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch có thể gây tổn thương mô lợi, gây viêm và sưng mộng răng.

Sưng mộng răng tưởng chừng vô hại nhưng có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Triệu chứng thường gặp khi bị sưng mộng răng
Làm thế nào để biết bạn bị sưng mộng răng? Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, bạn có thể dựa vào các dấu hiệu dưới đây:
- Đau nhức dữ dội hoặc âm ỉ vùng răng bị sưng
- Sưng mộng răng có mủ: Lợi sưng đỏ, có thể tụ mủ
- Hơi thở có mùi hôi, khó chịu
- Đau khi nhai hoặc nuốt
- Có thể sốt hoặc sưng vùng má, cổ (trong trường hợp nặng).
Sưng mộng răng phải làm thế nào?
Sưng mộng răng phải làm thế nào? Một sai lầm nghiêm trọng mà nhiều người mắc phải là tự ý xử lý sưng mộng răng tại nhà. Ví dụ như dùng kim chọc vỡ phần mủ hoặc phần viêm. Hành động này không những không chữa được bệnh mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề phải vào viện cấp cứu. Việc tạo ra một đường thông giữa khu vực viêm nhiễm và hệ tuần hoàn máu có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng huyết – một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Trong một số trường hợp, biến chứng còn có thể dẫn đến viêm mô tế bào lan tỏa, làm sưng to vùng mặt, cổ hoặc lan rộng xuống ngực – cần được xử lý tại bệnh viện.

Việc chọc vỡ phần mủ hoặc phần viêm sưng mộng răng có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Vậy sưng mộng răng uống thuốc gì? Cách chữa sưng mộng răng tại nhà. Trước khi đến gặp nha sĩ, bạn có thể áp dụng một số cách làm giảm sưng mộng răng tại nhà:
- Súc miệng bằng nước muối loãng: Giúp sát khuẩn và làm dịu vùng viêm.
- Chườm lạnh ngoài vùng má: Giảm sưng và đau tạm thời.
- Có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol hoặc ibuprofen theo liều khuyến nghị.
- Tránh chọc, nặn phần sưng: Việc này có thể làm vi khuẩn lan vào máu, gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm mô tế bào.
Sưng mộng răng không chỉ gây đau nhức mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách. Do vậy, việc nhận biết sớm dấu hiệu, xử lý tạm thời tại nhà đúng cách rất quan trọng. Bên cạnh đó bạn cần lưu ý đến gặp nha sĩ kịp thời sẽ giúp bảo vệ sức khỏe răng miệng của bản thân. Đừng chủ quan trước những dấu hiệu nhỏ – bởi đó có thể là "lời cảnh báo" của cơ thể về một vấn đề lớn hơn đang tiềm ẩn.