Mỗi năm có khoảng 600.000 trẻ em trên toàn thế giới mắc tiêu chảy cấp do virus Rota bị tử vong. Phần lớn bệnh nhân thường gặp ở các nước đang phát triển. Tuy là bệnh lý có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine nhưng tỷ lệ mắc bệnh ở Việt Nam cao thứ 2 chỉ sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
Theo thống kê, có đến 95% trẻ em sẽ bị nhiễm Rotavirus ít nhất 1 lần trước 5 tuổi. Tại miền Bắc, bệnh thường xảy ra vào mùa thu đông kéo dài tới mùa xuân khi thời tiết mưa, lạnh, ẩm ướt. Còn ở miền Nam, bệnh xảy ra quanh năm, nhiều nhất là vào tháng 3 và tháng 9.
Virus Rota có nguy hiểm không?
Đây là loại virus có thể lây truyền theo đường ăn uống thông thường. Khi bị nhiễm virus Rota, trẻ có thể bị rối loạn vận động đường tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy cấp. Trong trường hợp không phát hiện kịp thời, trẻ rất dễ bị rối loạn nước điện giải nhanh thậm chí diễn biến nặng như suy đa tạng do rối loạn điện giải dẫn đến tử vong.

Tiêu chảy cấp do virus Rota có thể diễn biến nặng gây suy đa tạng do rối loạn điện giải dẫn đến tử vong.
Virus Rota không thể tiêu diệt bằng các dung dịch xà phòng thông thường, loại virus này cần phải dùng đến các dung dịch diệt khuẩn có cồn.
Biểu hiện trẻ bị tiêu chảy cấp do virus Rota
Thông thường, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên nếu trẻ bị tiêu chảy kèm theo đau bụng, sốt và nôn thì cha mẹ cần quan sát xem trẻ có dấu hiệu nhiễm trùng hay không? Nếu trường hợp trẻ sốt cao, lưỡi bẩn và môi khô thì đó là biểu hiện của nhiễm trùng do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa – không phải do virus Rota.
Khi trẻ bị tiêu chảy do virus Rota sẽ có các biểu hiện sau:
- Sốt, mệt. Hơn 1 nửa trường hợp mắc virus Rota sẽ xuất hiện sốt nhẹ ≤ 38 độ C.
- Đi vệ sinh nhiều. Có thể đi vệ sinh đến 20 lần/ngày
- Mắt trũng, da khô
- Trẻ không thể tự uống nước
Nếu xác định trẻ bị tiêu chảy do virus Rota, cha mẹ cần bình tĩnh để đánh giá tình hình của con. Trước hết, cha mẹ cần xem lại những đồ ăn của trẻ đã ăn trong ngày. Nếu số lần đi vệ sinh của trẻ không quá nhiều, cha mẹ có thể cho trẻ uống oresol để bù nước, điện giải tại nhà. Trong một số trường hợp bệnh nhẹ sẽ tự khỏi trong vòng 3-8 ngày.
Nếu tình trạng bệnh của trẻ không tiến triển tốt mà vẫn mệt mỏi, chán ăn, không ăn uống, da khô, nôn nhiều, sốt… thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị.

Trẻ được uống vaccine rota miễn phí tại tỉnh Thái Nguyên.
Quan trọng hơn cả, cha mẹ cần biết rằng virus Rota có thể lây truyền từ người bệnh sang người lành. Do vậy khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần cách ly trẻ để không lây cho trẻ khác. Sau khi trẻ đi vệ sinh, cha mẹ nên vệ sinh bồn cầu bằng dung dịch diệt khuẩn có cồn. Con đường lây truyền của virus Rota chủ yếu theo đường tiêu hóa. Khi trẻ tiếp xúc với các bề mặt có chứa virus như bàn ghế, đồ chơi... rồi đưa lên miệng, virus sẽ dễ dàng xâm nhập vào hệ thống tiêu hóa và gây bệnh. Rotavirus thường gây ra các dịch tễ nhỏ ở trong trường học, bếp ăn tập thể…
Cha mẹ cần lưu ý, các thuốc kháng sinh, phương pháp dân gian, truyền miệng không có tác dụng trong điều trị tiêu chảy cấp do virus Rota gây nên. Kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus. Không những vậy các phương pháp này còn có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ. Bởi khi sử dụng các phương pháp điều trị không đúng có thể làm trẻ rối loạn điện giải, nguy hiểm đến tính mạng.
Trẻ có thể phòng ngừa tiêu chảy do virus Rota bằng cách dùng vaccine Rota. Hiện nay, vaccine Rota đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng Mở rộng cho trẻ em tại các tỉnh miền núi uống miễn phí và sẽ triển khai cả nước trong năm 2026.
Bên cạnh đó, khi có dịch xuất hiện trong cộng đồng, cha mẹ nên vệ sinh nhà cửa bằng dung dịch Cloramin B, thường xuyên vệ sinh chân tay cho trẻ.