Đừng chủ quan với bệnh cảm cúm giao mùa

24-03-2016 09:35 | Phòng mạch online

SKĐS - Đang ở thời điểm giao mùa xuân - hạ, khí hậu biến đổi thất thường, có những ngày lạnh, mưa phùn, ẩm ướt nhưng thoắt cái lại nắng hanh, khó chịu. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người mắc các chứng bệnh về đường hô hấp mà thường gặp nhất là cảm cúm.


Cảm cúm không phải "chuyện xoàng" như nhiều người nghĩ

Điều đáng nói, không ít người vẫn cho rằng, cảm cúm là chuyện xoàng, dăm ba ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không nên coi thường chứng bệnh này bởi các triệu chứng của cảm cúm thường ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh, hay nặng hơn bệnh sẽ có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi do cúm, viêm cơ tim do cúm...

Hiện có những bệnh cúm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những biến chứng và tử vong như cúm do virus H1N1, cúm do virus H5N1… Trong khi đó, triệu chứng để phân biệt cảm lạnh và cúm, hay các chứng bệnh đường hô hấp không rõ ràng, dễ khiến chúng ta bị nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để nhận biết các chứng bệnh này, cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả như thế nào?

Chiều 23/3, Báo Sức khỏe & Đời sống đã tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tiếp “Đối phó với nỗi lo cảm cúm giao mùa” nhằm cung cấp những thông tin hữu ích cho độc giả về căn bệnh tưởng là “chuyện xoàng xĩnh” này.  Tham gia buổi tư vấn và trả lời các thắc mắc của độc giả là PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó GĐ trung tâm hô hấp Bạch Mai, phó trưởng bộ môn nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội và ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW. Ngoài ra, chương trình được tài trợ bởi công ty United International Pharma.


PGS.TS. Phan Thu Phương, Phó GĐ trung tâm hô hấp Bạch Mai, phó trưởng bộ môn nội tổng hợp, ĐH Y Hà Nội


ThS.BS Nguyễn Trung Cấp, trưởng khoa cấp cứu, BV Bệnh nhiệt đới TW

Giao mùa xuân hạ - thời điểm hoạt động của virus cảm cúm

Bệnh cúm gây ra do virus cảm cúm. Bệnh thường gặp vào mùa lạnh, giao mùa khi mật độ cúm tăng cao trong không khí kèm với khả năng đề kháng kém. Vào mùa lạnh, virus sống lâu hơn trong môi trường, vì vậy khả năng lây lan cao hơn. Việt Nam nằm trong vùng xích đạo, với 2 mùa mưa nắng đặc trưng thì khi thời tiết trở lạnh với những cơn mưa rào, nhiệt độ luôn thay đổi đột ngột trong ngày – đó chính là điều kiện tốt nhất để virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng.

Theo thống kê của tổ chức y tế, một người có thể mắc 4-6 lần bệnh cúm/năm. Đây là bệnh lây truyền nhanh chóng trong cộng đồng qua không khí. Tần suất mắc bệnh ở người lớn là 15 – 20%, trong khi tỉ lệ này ở trẻ em là 20 – 42%.

PGS.TS. Phan Thu Phương - Phó GĐ trung tâm hô hấp Bạch Mai - khẳng định bệnh cúm gặp ở mọi lứa tuổi, đối tượng nhưng thường gặp nhất ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính, và người làm việc cường độ cao.

Cảm cúm không phải “bệnh xoàng”

PGS.TS. Phan Thu Phương cho biết cộng đồng hay gọi bệnh cúm là cảm cúm, cảm lạnh v.v… song trong y học, bệnh cúm được gọi là bệnh cúm. Bệnh này có thể gặp ở mọi đối tượng, đối tượng nào cũng có thể gặp.

Bệnh cúm thông thường chỉ diễn ra từ 1-2 tuần nhưng gây ra cho bệnh nhân rất nhiều mệt mỏi cho cơ thể, ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Khi mắc bệnh cúm, người bệnh có tâm lý không quan tâm đến điều trị dứt điểm và bệnh sẽ tự khỏi trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, đây là một tâm lý sai lầm vì bệnh cúm nếu không được điều trị, cộng với tình trạng sức khỏe không tốt, sẽ dễ dẫn tới những biến chứng sức khỏe. Những bệnh nhân cúm ở thể nặng đều phải thăm khám lâm sàng hoặc cận lâm sàng, cần được chụp X-quang để theo dõi giám sát vì diễn biến tổn thương của bệnh cúm diễn ra rất nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, sẽ dẫn tới viêm phổi cấp tính do virus, là một dạng biến chứng rất nặng của cúm và thường diễn ra ở các dịch cúm, xảy ra ở tất cả mọi người.


Đáng lưu ý, có một số nhóm bệnh nhân khi mà nhiễm cúm thì diễn biến bệnh bất thường, không thể tự khỏi được, gây nguy hiểm, đó những nhóm bệnh nhân mắc những bệnh mãn tính như các bệnh về tim mạch, như suy tim, hoặc bệnh về phổi như tắc nghẽn mãn tính phổi, hoặc hen phế quản, giãn phế quản…, hay những bệnh nhân bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nhóm đối tượng trên 65 tuổi và nhóm đối tượng trẻ em và phụ nữ mang thai.

Song ở Việt Nam, những người bệnh thường nghĩ giản tiện là ra nhà thuốc để hỏi xem nên dùng thuốc gì. Trong buổi tư vấn, bác sĩ Thu Phương nhấn mạnh rằng điều này giúp người bệnh nhanh chóng có đươc các thuốc điều trị các triệu chứng cảm, và giúp giảm nhanh những khó chịu và bất tiện do cảm gây ra , tuy nhiên, bệnh cảm cúm có thể trơ nặng, khi thấy dấu hiệu bất thường người bệnh nên thăm khám bác sĩ để có sự tư vấn và điều trj phù hợp.. Vì bệnh cúm là bệnh có diễn biến lành tính, song những triệu chứng bệnh lại vô cùng khó chịu như cơ thể mệt mỏi, đau đầu, hắt hơi sổ mũi v.v…

Do đó, những người nhiễm cúm có thể dùng các loại thuốc giảm đau đầu, thuốc chống viêm, phù nề ở đường hô hấp…. Tuy nhiên, cơ thể con người rất phức tạp, có thể dị ứng với bất kỳ thành phần nào của chế phẩm thuốc, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, không nhất thiết phải uống các loại thuốc có quá nhiều thành phần không cần thiết và  người bệnh cần phải có những kiến thức cơ bản về bệnh và nên có sự tư vấn từ các dược sĩ, bác sĩ chuyên khoa để có thể có phác đồ điều trị bệnh đúng, dùng thuốc hiệu quả mà không bị các tác dụng phụ.

Khó phân biệt được cúm thông thường và cúm nguy hiểm

Ths.Bs Nguyễn Trung Cấp cho biết có nhiều chủng cúm khác nhau, cá biệt một vài chủng cúm nguy hiểm như cúm A/H1N1, H5N1, H7N9 có khả năng gây tử vong cao. Tuy nhiên, những chủng cúm này cũng hiếm khi lây từ người sang người.  Còn các chủng cúm khác như cúm B chẳng hạn lây lan nhanh hơn. Tuy nhiên, đa số các bệnh nhân bị cúm có thể tự khỏi bệnh. Một số trường hợp nặng có thể gây biến chứng như viêm cơ tim, viêm phổi, và nếu trong trường hợp có thể gây tử vong.


Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm cúm

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho hay để phân biệt giữa các loại cúm đôi khi cũng hơi khó. Các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh trong đó có virus cúm. Nhưng cũng có sự khác nhau một chút. Cúm do virus cúm gây ra thì hắt hơi sổ mũi ít. Hội chứng cúm do virus khác gây ra như rotavirus gây ra hắt hơi sổ mũi. Song nhìn chung là rất khó để phân biệt các loại cúm bằng cách thăm khám thông thường.

Trước những thắc mắc chung của nhiều độc giả về các loại thuốc chữa trị bệnh cúm thông thường, các bác sĩ cho biết có thể giải quyết triệu chứng sốt, đau đầu, đau nhức mình mẩy bằng paracetamol. Đối với hắt xì, sổ mũi, nghẹt mũi thì dùng thuốc có hoạt chất phenylephrin, và chlorpheniramine. Có thể uống các loại thuốc kết hợp ba hoạt chất này để giảm các triệu chứng cảm.

Về cách phòng chống cảm cúm, tích cực nhất là chích ngừa cúm, tăng thoáng khí môi trường xung quanh, hạn chế khả năng tiếp xúc nguồn bệnh, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt hợp lý nhằm giúp cơ thể duy trì khả năng đề kháng. Và khi bị bệnh, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơ thể, nếu bệnh trở nặng nên ­­­­đến các cơ sở y tế uy tín để có sự tư vấn đúng đắn từ các bác sĩ chuyên khoa.

Sau hơn 1 giờ diễn ra chương trình tư vấn truyền hình trực tiếp, các bác sĩ  đã giải đáp rõ ràng những thắc mắc của độc giả về bệnh cúm cũng như cách phòng chống và chữa trị. (Bạn đọc có thể theo dõi các câu hỏi và trả lời tại đường link http://suckhoedoisong.vn/truyen-hinh-truc-tuyen-doi-pho-noi-lo-cam-cum-giao-mua-n113378.html).


Hà Anh
Ý kiến của bạn
Tags: