Dùng các sulfonylurea trị đái tháo đường: Các nguy cơ cần biết và tránh

25-12-2015 08:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của các sulfonylurea dùng trong bệnh đái tháo đường là gây hạ đường huyết nghiêm trọng, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến bệnh nhân nếu không xử trí kịp thời.

Các loại sulfonylurea còn gọi là các sulfamid hạ đường huyết được sử dụng trong điều trị bệnh đái tháo đường typ 2 ở người lớn. Đây là các thuốc có khá nhiều tên biệt dược, thành phần hoạt chất cũng khác nhau do việc thay đổi các nhóm chức trong công thức sẽ cho ra đời một sản phẩm mới. Thuốc hiện nay được dùng đường uống, cấp ngoại trú cho bệnh nhân dùng tại nhà nên cần chú ý theo dõi về liều lượng, cách sử dụng để đảm bảo phù hợp với thể trạng của từng người bệnh khi chọn lựa loại thuốc phù hợp.

Thuốc được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Nồng độ tối đa trong máu đạt được sau khoảng 2 - 4 giờ, gắn rất mạnh vào protein huyết tương 92 - 99% chủ yếu là albumin. Thuốc được chuyển hóa ở gan. Các thuốc hạ glucose máu đường uống được thải trừ chủ yếu qua thận.

Tác dụng không mong muốn

Hạ đường huyết quá mức và là nguy cơ gây tác dụng không mong muốn (ADR) hay gặp nhất và thường phụ thuộc vào liều dùng. Nguy cơ này gặp ở tất cả các sulfamid hạ đường huyết nhưng các thuốc thế hệ đầu tiên có tác dụng dài dễ gây nguy hiểm hơn. Nguy cơ này tăng lên ở các bệnh nhân là người cao tuổi, người suy gan thận, suy dinh dưỡng... Phản ứng dị ứng cũng có thể gặp ở một số người dị ứng với sulfamid. ADR hay gặp nữa là rối loạn tiêu hóa với các biểu hiện như buồn nôn, nôn, vàng da tắc mật.

Tập luyện thể lực vừa sức giúp phòng bệnh. Ảnh: TM

Lưu ý khi sử dụng

Sulfonylurea làm tăng cân và dễ gây hạ glucose máu quá mức. Để hạn chế tác dụng phụ này người ta phối hợp sulfonylurea với biguanid gồm metformin và glibenclamid. Đồng thời cũng để hạn chế tác dụng phụ này người ta đã thay đổi dạng bào chế là loại giải phóng chậm MR (Modified Release). Việc phối hợp thuốc phải được sự cân nhắc nguy cơ và lợi ích dựa trên thực trạng của người bệnh. Người bệnh tuyệt đối không tự ý phối hợp thuốc nếu không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Cần thường xuyên theo dõi đường huyết khi dùng thuốc.

Không được uống rượu hoặc các đồ uống có cồn, không hút thuốc khi đang dùng các sulfamid hạ đường huyết. Nên uống thuốc một lần trong hoặc sau bữa ăn để tránh nguy cơ hạ đường huyết. Nếu quên uống thuốc một ngày thì bệnh nhân cũng không được tự ý tăng liều gấp đôi mà vẫn uống liều như bình thường vào ngày hôm sau. Bệnh nhân cần được cảnh báo để nhận biết các dấu hiệu của việc hạ đường huyết quá mức bao gồm các triệu chứng như đánh trống ngực, nhịp tim nhanh, vã mồ hôi lạnh, người run rẩy... Các triệu chứng này có thể xảy ra lúc bị đói vào buổi chiều. Để phòng ngừa các tai biến này, người bệnh cần phải được hướng dẫn sử dụng liều thấp nhất có tác dụng điều trị và phù hợp với thể trạng bệnh. Không dùng thuốc sulfamid hạ đường huyết nếu hoạt động thể lực mạnh hoặc bỏ bữa ăn. Cần ăn bánh ngọt, kẹo hoặc đường ngay sau khi thấy các triệu chứng nói trên. Vì vậy nên dự trữ những thứ này để có ngay khi cần sử dụng. Tự theo dõi đường huyết bằng phương tiện chuyên dụng hoặc đến khám bệnh thường xuyên ở cơ sở y tế gần nhất để được làm xét nghiệm đo đường huyết kịp thời. Tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân đái tháo đường và tập luyện thể lực vừa phải, phù hợp với thể trạng. Đái tháo đường gây nguy cơ đến tim mạch và tăng huyết áp. Vì vậy cần kiểm soát tốt đường huyết của mình. Có chế độ ăn uống hợp lý để duy trì đường huyết ở mức cho phép. Tránh tình trạng thừa cân, béo phì, ít vận động là những yếu tố nguy cơ có thể phòng tránh được nếu thay đổi nếp sống theo hướng tích cực.


DS. Nga Anh
Ý kiến của bạn