Dùng bromazepam trị mất ngủ, lưu ý gì?

14-05-2018 08:37 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi năm nay 53 tuổi. Thời gian gần đây tôi hay bị mất ngủ, đã dùng các loại thảo dược như củ bình vôi, tâm sen... nhưng không hiệu quả mấy.

Có người mách tôi nên dùng thuốc bromazepam vì họ dùng thuốc này thấy có kết quả tốt. Mong bác sĩ tư vấn cho tôi có nên dùng thuốc bromazepam không, nếu dùng cần lưu ý gì? Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Nguyễn Thị Liên (Bắc Giang)

Bromazepam hay còn có tên khác là lexomil, bromalex... là một thuốc bình thần nhóm benzodiazepin, thuốc tác dụng chống lo âu, giãn cơ nhẹ, gây ngủ và tạo ra giấc ngủ rất giống với giấc ngủ tự nhiên, nhưng lại dễ gây quen thuốc và phụ thuộc thuốc nếu bị lạm dụng.

Có rất nhiều nguyên nhân gây mất ngủ và mỗi nguyên nhân gây mất ngủ lại có một cách chữa riêng. Với những người mất ngủ ngắn (dưới 1 tuần) thì chữa trị sẽ không quá khó khăn. Còn với những người có tình trạng mất ngủ kéo dài trên 2 tuần việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

Ở vào tuổi của chị, nguyên nhân mất ngủ kéo dài có rất nhiều, nhưng hai nguyên nhân phổ biến nhất là trầm cảm và lo âu lan tỏa. Hai rối loạn này có thể đi cùng với nhau hoặc xuất hiện riêng biệt. Cả hai rối loạn này đều gây mất ngủ kéo dài, nhưng chúng vẫn có những điểm khác biệt rất rõ ràng. Ví dụ nếu chị khó vào giấc ngủ (nằm mãi mới ngủ được), khó giữ giấc ngủ (hay thức giấc) hoặc dậy sớm (tầm 2-3 giờ sáng đã dậy và không ngủ lại được), sáng ngủ dậy rất mệt mỏi, chán ăn, sút cân, chán nản, buồn vô cớ, hay cáu, muốn chết quách cho xong, có những cơn bốc hỏa... thì đó là các triệu chứng của trầm cảm. Còn nếu chị chỉ khó vào giấc ngủ (nhưng khi đã ngủ rồi thì không bị thức giấc và không bị thức dậy sớm), lo lắng quá mức, run tay, ra mồ hôi lòng bàn tay, bàn chân, khó thư giãn, luôn căng cơ, đánh trống ngực, có cảm giác hòn ở cổ, đầy bụng... thì đó là các triệu chứng của lo âu lan tỏa.

Ngay cả với hai bệnh trên, người ta phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm kết hợp với thuốc an thần liều thấp. Nếu có sử dụng bromazepam thì họ chỉ coi đây là thuốc hỗ trợ điều trị trong thời gian đầu dùng thuốc, nghĩa là dùng kèm bromazepam với hai loại thuốc trên (thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần), trong một thời gian ngắn và với liều rất thấp để tránh gây quen thuốc.

Như vậy, nếu chỉ dùng một mình bromazepam để điều trị mất ngủ kéo dài là sai. Tôi khuyên chị nên đi khám ở bác sĩ tâm thần để biết nguyên nhân mất ngủ và được điều trị đúng. Chúc chị may mắn!

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm khoa Tâm thần, BV Quân y 103)


Ý kiến của bạn
Tags: