So với những mảng sáng tác nghệ thuật khác thì giới nhạc sĩ lại có ít sân chơi hơn cả. Nếu như trong hội họa, người họa sĩ đóng vai trò sáng tác kiêm thực hiện và “trình diễn” trước công chúng thì trong âm nhạc, người sáng tác chỉ đóng vai trò đứng sau, tạo đà cho người ca sĩ... bật lên thành ngôi sao. Tất nhiên, tên tuổi của họ luôn được nhắc đến nhưng bấy nhiêu dường như chưa đủ đối với những gì lâu nay họ đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.
Nói thẳng ra thì người nhạc sĩ ít có cơ hội xuất hiện trước công chúng, hào quang họ nhận được vì thế mà không thể so sánh với một ngôi sao ca nhạc, trừ trường hợp họ là nhạc sĩ kiêm ca sĩ. Tuy nhiên, những trường hợp “2 trong 1” như thế rất hiếm trong showbiz. Trước khi tham gia Giọng hát Việt mùa giải thứ 2, không ai biết Cát Tường là một nhạc sĩ có “gu”. Trước đây, Cát Tường luôn làm công tác “hậu cần” cho nhiều ca sĩ trẻ khác bằng những sáng tác lạ và chất, thậm chí nhiều ca khúc còn trở thành “hit” trong thời gian khá lâu, nhưng người nghe chỉ nhớ tới người thể hiện tác phẩm đó chứ không quan tâm đến người sáng tác.
Khán giả vẫn chờ đợi một sân chơi thực sự dành cho giới nhạc sĩ.
Chỉ đến khi chính thức “khoe giọng” tại The Voice, những sáng tác của Cát Tường mới được công chúng biết đến. Nghe Cát Tường trình diễn ca khúc Đông do chính cô sáng tác, người nghe lẫn hội đồng nghệ thuật đều có cảm giác “nổi da gà”, sự thăng hoa của người nhạc sĩ kiêm ca sĩ trẻ này đã làm lu mờ tất cả những gì mà các ngôi sao trước đó thể hiện.
Trong giới sáng tác nhạc Việt, mấy ai may mắn được khán giả biết đến như Lưu Thiên Hương, Giáng Son, Quốc Trung, Huy Tuấn, Hồ Hoài Anh... Nếu bản thân không có “giọng” để hát thì họ cũng phải là những “lão làng” trong lĩnh vực âm nhạc nên mới có sức ảnh hưởng mạnh trong showbiz. Đáng tiếc, ngoài những tên tuổi vừa được nhắc đến thì nhạc Việt còn quá nhiều nhân vật biết tên mà chưa biết mặt, thậm chí những ca khúc của họ đã nổi tiếng từ rất lâu nhưng khán giả không hề biết đến người sáng tác. Chúng ta đang thiếu trầm trọng sân chơi dành riêng cho nhạc sĩ? Có nhiều lý do để khẳng định lý do này hoàn toàn đúng!
Thực tế, sân chơi dành cho nhạc sĩ không đến nỗi “bói không ra”, Bài hát Việt là một minh chứng. Nhìn lại chặng đường của Bài hát Việt, người trong cuộc cũng phải ngỡ ngàng, sân chơi này đã trải qua 9 “mùa xuân”. Sau 9 năm tổ chức, tính đến thời điểm hiện tại, Bài hát Việt là sân chơi duy nhất cho những sáng tác mới.
Trước đây, chương trình này là một sân chơi nâng đỡ những ca khúc mới tiếp cận thị trường. Từ chương trình này, không ít tên tuổi nhạc sĩ cùng những sáng tác mới của họ được khán giả chú ý: Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Hà An, Lưu Thiên Hương, Nguyễn Hải Phong, Đinh Mạnh Ninh, Tạ Quang Thắng... Và những ca khúc mới do hội đồng thẩm định chương trình lựa chọn những mùa Bài hát Việt trước cũng không có khoảng cách quá xa so với thị hiếu âm nhạc của khán giả. Có lẽ vì thế nên khi nói về đêm chung kết Bài hát Việt 2013, những nhạc sĩ tham gia sân chơi này vẫn đầy hy vọng, đây là một sân chơi tốt cho những nhạc sĩ muốn có con đường âm nhạc nghiêm túc.
Dẫu biết không nên dập tắt hy vọng của giới sáng tác, thế nhưng không thể chối bỏ sự thật: Bài hát Việt ngày càng nhạt nhòa. Những nỗ lực tự làm mới mình của chương trình còn quá rụt rè nên không có tác dụng níu chân khán giả. “Luật chơi” dường như quá khuôn mẫu, đến với sân chơi Bài hát Việt, người nhạc sĩ có thể tự thể hiện hoặc mời một ca sĩ phù hợp cho sáng tác mới của mình, sau đó chờ đợi phản hồi từ hội đồng thẩm định cùng khán giả và... chấm hết! Năm nào cũng lặp lại một quy trình như vậy, làm sao trách khán giả “chóng quên” ngay cả khi sáng tác của ai đó đoạt giải cao. Trong khi đó, những người tổ chức không nghĩ đến việc khán giả cần những câu chuyện, cần nhiều hơn nữa những sẻ chia của giới sáng tác chứ không phải lúc nào cũng là những sân khấu “nặng” về thi thố.
Khi giới sáng tác nhạc (có thể là bất cứ ai, không phân biệt tuổi tác) ngồi quanh một chiếc bàn tròn để tâm sự về những tác phẩm của họ, chia sẻ vì sao họ lại đặt bút viết lên những nốt nhạc ấy, cảm xúc của họ ra sao khi tác phẩm đến với công chúng, những tranh luận thú vị của họ về nghề nghiệp... Những điều đơn giản ấy sẽ tạo nên những câu chuyện và sự tương tác thú vị giữa những người cùng nghề và khán giả.
Khai tử một sân chơi “nhạt dần đều” nhưng lại có thương hiệu lâu năm quả không đơn giản. Yếu tố cạnh tranh giữa những nhạc sĩ trẻ trên các sân chơi vô cùng cần thiết. Vấn đề là người tổ chức hãy làm mới các sân chơi này một cách hiệu quả, bên cạnh đó, cần nghĩ đến không gian dành cho những câu chuyện, những gương mặt trong giới sáng tác nhạc để họ có thể đến gần hơn với công chúng.
Lâm Tùng