Đừng bỏ qua dấu hiệu khi cơ thể thiếu kali

13-09-2019 18:09 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Thiếu kali có thể xảy ra khi không nhận đủ kali từ chế độ ăn uống hoặc mất kali thông qua tiêu chảy hoặc nôn mửa kéo dài. Các triệu chứng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sự thiếu hụt chất này...

Kali là một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần cho các hoạt động sống của hệ thần kinh, tim mạch, thận, cơ bắp và nhiều cơ quan quan trọng khác. Bên cạnh đó, kali là một chất điện giải thiết yếu có tác dụng duy trì sự cân bằng chất lỏng cho các tế bào và mô trong cơ  thể. Khi bị thiếu kali sẽ gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Hệ lụy khi thiếu kali

Táo bón: Kali đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển các thông điệp từ não đến cơ bắp và điều chỉnh các cơn co thắt cơ bắp. Nồng độ kali thấp có thể ảnh hưởng đến các cơ trong ruột, có thể làm chậm quá trình truyền thức ăn và chất thải. Tác dụng này trên ruột có thể gây táo bón và đầy hơi.

Yếu cơ: Thiếu kali có thể ảnh hưởng đến các cơ bắp trong cơ thể, bao gồm ở cánh tay và chân, có thể dẫn đến yếu cơ và chuột rút nói chung.

Khi ra mồ hôi nhiều, cũng làm mất đi một lượng nhỏ kali. Điều này lý giải tại sao khi mồ hôi ra nhiều do hoạt động thể chất mạnh hoặc ở nơi có khí hậu nóng thường dẫn đến yếu cơ hoặc chuột rút.

Mệt mỏi không rõ nguyên nhân: Kali là một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong tất cả các tế bào và mô của cơ thể. Khi mức kali giảm, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến một loạt các chức năng cơ thể, có thể dẫn đến mức năng lượng thấp và mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.

Tăng huyết áp: Nồng độ kali thấp có thể dẫn đến tăng huyết áp, đặc biệt ở những người có lượng natri hoặc muối cao. Kali có vai trò quan trọng trong việc thư giãn các mạch máu, giúp hạ huyết áp.

Kali cũng giúp cân bằng nồng độ natri trong cơ thể. Một chế độ ăn nhiều natri là nguyên nhân phổ biến của huyết áp cao. Các bác sĩ thường khuyên những người bị huyết áp cao nên giảm lượng natri và tăng lượng kali.

Đa niệu: Thận có trách nhiệm loại bỏ các chất thải và điều chỉnh mức chất lỏng và chất điện giải như natri và kali trong máu, bằng cách thải chất thải và chất điện giải dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Hạ kali máu từ trung bình đến nghiêm trọng có thể cản trở khả năng để cân bằng lượng nước và chất điện giải trong máu của thận và điều này có thể dẫn đến tăng đi tiểu, được gọi là đa niệu.

Liệt cơ: Những người bị hạ kali máu nặng có thể bị tê liệt cơ bắp. Khi nồng độ kali trong cơ thể rất thấp, cơ bắp không thể co bóp đúng cách và có thể ngừng hoạt động hoàn toàn.

Vấn đề về hô hấp: Hạ kali máu nặng cũng có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Khi thở đòi hỏi phải sử dụng một số cơ bắp, đặc biệt là cơ hoành. Nếu mức kali trở nên rất thấp những cơ bắp này có thể không hoạt động đúng cách gây khó thở sâu hoặc có thể cảm thấy rất khó thở.

Nhịp tim không đều:

Một triệu chứng khác của hạ kali máu nặng là nhịp tim không đều. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các cơn co thắt của tất cả các cơ, bao gồm cả cơ tim. Khi nồng độ kali trong cơ thể rất thấp có thể dẫn đến nhịp tim không đều và rung tâm thất. Nếu không được điều trị, những tình trạng này có thể đe dọa tính mạng.

Chuột rút là một trong những biểu hiện của thiếu kali.

Chuột rút là một trong những biểu hiện của thiếu kali.

Khi nào đi khám bác sĩ?

Hạ kali máu phổ biến hơn ở những người bị bệnh viêm ruột (IBD) và các bệnh về đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy hoặc nôn mửa nghiêm trọng hay kéo dài. Một số loại thuốc như thuốc nhuận tràng và thuốc lợi tiểu cũng có thể làm tăng nguy cơ thiếu kali.

Điều quan trọng là tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức cho các triệu chứng hạ kali máu nặng, chẳng hạn như tê liệt cơ, khó thở hoặc nhịp tim không đều.

Để xác định thiếu kali, bác sĩ có thể xét nghiệm máu và xem xét lịch sử y tế của người bệnh và bất kỳ loại thuốc nào họ đang dùng... để tìm hiểu nguyên nhân gây thiếu kali.

Bổ sung kali như thế nào?

Điều trị tình trạng thiếu kali sẽ phụ thuộc vào triệu chứng và mức độ thiếu của từng người bệnh. Đối với những người bị hạ kali máu nhẹ, có thể ngừng hoặc giảm liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào có thể gây ra kali thấp (nếu đang dùng các loại thuốc này), uống bổ sung kali hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ; ăn nhiều thực phẩm giàu kali như trái cây và rau quả... Các thực phẩm giàu kali như: quả mơ khô, đậu lăng, mận khô, nước cam, chuối, rau bina, sữa chua trái cây không béo...

Những người bị hạ kali máu nặng cần điều trị ngay lập tức, có thể phải dùng kali đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, bác sĩ cần kê đơn dùng một cách thận trọng để tránh dùng thừa, vì khi tăng kali máu nặng cũng có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về cơ và tim.


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn