Sức khỏe đường ruột có vai trò quan trọng với sức khỏe
Trên thực tế, đường tiêu hóa giống như "nhà máy điện" cung cấp năng lượng và thanh lọc của cơ thể. Tiêu hóa tốt, đường ruột khỏe mạnh đảm bảo các chức năng quan trọng của cơ thể.
Khi tiêu hóa mất cân bằng, sức khỏe đường ruột suy giảm kéo theo các chức năng cơ bản của cơ thể không còn hoạt động như bình thường. Hậu quả có thể bao gồm mệt mỏi, kém tập trung, thậm chí các bệnh nghiêm trọng như ung thư.
Chính vì vậy, duy trì hệ tiêu hóa tốt và đường ruột khỏe mạnh là chìa khóa để hỗ trợ sức khỏe tim, phổi và não cũng như sức khỏe tổng thể.
Các gia vị sẵn có tăng cường sức khỏe đường ruột
Nghệ
Được biết đến nhiều nhất vì đặc tính chống viêm mạnh, loại thảo mộc này có thể được sử dụng khi bị viêm đường tiêu hóa. Là một chất lợi mật, nghệ cũng giúp tiết mật từ gan, hỗ trợ tiêu hóa yếu và đồng hóa. Curcumin, một thành phần hóa học có nguồn gốc từ loại thảo mộc này đã được chứng minh là ức chế sự phát triển của vi khuẩn HP, vi khuẩn gây loét dạ dày do làm hỏng lớp niêm mạc của dạ dày.
Nghệ thường được sử dụng cho các trường hợp loét dạ dày, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn HP… Khi sử dụng nghệ liều cao cần chú ý tương tác với thuốc làm loãng máu.
Quế
Quế chứa chất chống oxy hóa, có thể giúp chống lại quá trình oxy hóa trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Quế cũng có thể làm giảm lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình phân hủy carbohydrate trong ruột và duy trì sự cân bằng tốt hơn của các chất dinh dưỡng trong ruột. Các nghiên cứu sâu hơn đã chỉ ra rằng các hợp chất trong quế có thể làm giảm và cải thiện hiệu quả tình trạng viêm trong hệ tiêu hóa.
Thì là
Thì là là một loại gia vị phổ biến được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống. Đây cũng là một phương pháp chữa chứng khó tiêu phổ biến, tăng lưu lượng mật, giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa của gan, cải thiện sức khỏe đường ruột bằng cách thúc đẩy hoạt động của enzyme tiêu hóa.
Thì là dễ dàng được đưa vào chế độ ăn uống. Lá thì là thường được dùng làm rau gia vị trong các món canh chua hay đồ trang trí cho súp và salad. Hạt thì là có mùi thơm và được dùng để tạo hương vị cho các loại bánh nướng, thịt, cá, món tráng miệng, hỗn hợp gia vị và trà thảo mộc.
Thì là
Gừng
Gừng có tính ấm, giúp làm ấm dạ dày, kích thích tiêu hóa cũng như hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng tốt hơn. Bên cạnh đó, gừng còn được biết đến với tác dụng làm giãn các cơ của đường tiêu hóa và tăng nhu động dạ dày, giảm co thắt và giảm khó chịu. Bản chất chống viêm của gừng giúp làm dịu các mô bị kích thích trong đường tiêu hóa.
Gừng thường được dùng cho các trường hợp khó tiêu, đầy hơi, buồn nôn/nôn và đau bụng… dưới nhiều dạng khác nhau như nước gừng, trà gừng…
Tuy nhiên, những người bị loét dạ dày tá tràng, phụ nữ mang thai, đang dùng thuốc làm loãng máu cần thận trọng khi sử dụng gừng.
Gừng từ lâu đã được sử dụng để điều trị nhiều rối loạn tiêu hóa do tác dụng chống viêm và chống co thắt.
Bạc hà
Bạc hà rất dễ chịu, đặc biệt là khi dùng dưới dạng trà. Bên cạnh đó, tinh dầu bạc hà chứa L-menthol, có tác dụng chặn các kênh canxi trong cơ trơn, tạo ra tác dụng chống co thắt. Ngoài ra, nó còn được biết đến là chất chống đầy hơi, kháng khuẩn, chống viêm, chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch và gây mê.
Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã chỉ ra rằng tinh dầu bạc hà bao tan trong ruột có hiệu quả làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, đặc biệt là đau bụng và đầy hơi, ở những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích.
Bạc hà tốt cho tiêu hóa.
Tỏi
Tỏi chứa chất xơ prebiotic mà cơ thể sử dụng để nuôi dưỡng vi khuẩn có lợi. Tỏi, cùng với hành tây, được cho là một chất chống ung thư có khả năng cải thiện chức năng của hệ thống miễn dịch. Bên cạnh việc tăng cường sức khỏe đường ruột, tỏi còn được biết đến với khả năng thúc đẩy sức khỏe tim mạch, hạ huyết áp và chống lại các bệnh như cảm lạnh thông thường.
Mời bạn xem tiếp video:
5 thói quen buổi sáng giúp củng cố sức khỏe đường ruột | SKĐS