Một lần nữa, danh hiệu thế giới của ca trù lại vang lên cùng với những ý kiến về giải pháp cho thực tế cần cứu chữa khẩn cấp của ca trù. Hội nghị kiểm kê và liên hoan ca trù toàn quốc 2011 diễn ra tại Viện Âm nhạc tiếp tục “lên dây cót” cho công cuộc “giải cứu ca trù”. Nhưng tương lai ca trù – Di sản thế giới cần bảo vệ khẩn cấp vẫn còn là một câu hỏi lớn!
Thực trạng đang báo động
Hội nghị kiểm kê và liên hoan ca trù toàn quốc 2011 như những hoạt động tiếp tục “khởi động” tiến trình bảo vệ, phát huy giá trị ca trù như những gì mà chương trình hành động quốc gia và dự định của ngành văn hoá đã đặt ra trước kia. Nhìn lại 2 năm từ sau khi ca trù được vinh danh ở mức thế giới thì ở trong nước, sau khi tôn vinh rầm rộ, các hoạt động thiết thực nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản cần bảo vệ khẩn cấp này được triển khai rất… nhỏ giọt. Mặc dù ngay trong cuộc họp báo công bố tin vui ca trù, quan họ trở thành Di sản thế giới đầu tháng 10/2009, nhiều kế hoạch, dự định cho việc làm sống lại và thăng hoa di sản đã được đưa ra.
![]() |
Tại hội nghị “Đánh giá kết quả kiểm kê di sản văn hoá ca trù 2009-2010” tại Viện Âm nhạc, nhiều chuyên gia, đại diện ngành văn hoá các tỉnh thành có di sản ca trù lại tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo khẩn cấp về thực trạng của di sản này. Tại tỉnh Quảng Bình, số nghệ nhân quá ít, tuổi cao, sức yếu nên việc truyền dạy gặp nhiều hạn chế, vốn di sản ca trù theo đó cũng rơi rụng dần. Không gian văn hoá biểu diễn ca trù mất dần, khán giả quá hiếm hoi… Tại Thanh Hoá, các CLB ca trù còn gặp nhiều khó khăn, các thành viên đa phần đứng tuổi, dù thường xuyên vận động nhưng lớp trẻ ưa thích chưa nhiều. Tại Hưng Yên, bà Bùi Thị Phấn - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hoá - Sở VH-TT&DL cho biết: Tôi hỏi một cán bộ Trung tâm văn hoá tỉnh, tốt nghiệp chính quy nhạc viện, rằng có biết nhiều về ca trù không, cậu ấy bảo cháu không được học tí nào về ca trù, loại hình này chẳng giúp ích gì cho các vấn đề trước mắt là cơm áo gạo tiền nên cháu cũng không mấy quan tâm…
Thiếu kinh phí, thiếu cán bộ chuyên môn, các CLB thiếu thốn, nghệ nhân cao tuổi không được hỗ trợ, lớp tiếp nối không có bồi dưỡng… là tình cảnh chung của nhiều địa phương đang sở hữu một di sản đã được vinh danh thế giới!
Từ trái qua phải: Nghệ nhân Đào Thị Chúc, đào nương Phạm Thị Huệ, nghệ nhân Nguyễn Phú Đệ. |
Cứu thế nào?
Câu hỏi này đã được nêu lên từ nhiều năm trước, ngay khi công tác xây dựng hồ sơ ca trù người Việt đang được triển khai. Nhiều giải pháp đã được đưa thành chương trình hành động quốc gia để phục hồi, phát huy ca trù nếu và sau khi được công nhận di sản thế giới. Trong hội nghị, nhiều ý kiến lại tiếp tục “kêu cứu” cho ca trù, dường như càng khẩn cấp, “thống thiết” hơn. Ông Lê Văn Lộc - Phó Giám đốc Trung tâm văn hoá TP.HCM đặt vấn đề củng cố tổ chức hoạt động của các CLB, phát hiện và dựa vào những nghệ nhân tài năng, nhiệt tình, có uy tín cả về phẩm chất lẫn chuyên môn; xây dựng giáo trình, giáo án đào tạo ca trù vào giảng dạy trong các trường văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc; ngành du lịch cần truyền bá ca trù rộng rãi trong du khách… Tại Hà Nội, ông Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, cần có địa điểm để làm chỗ đào tạo, sinh hoạt ca trù; khuyến khích không gian hát cửa đình, có thể mở lớp đào tạo, bồi dưỡng trống chầu cho các di tích trước đây từng duy trì lối hát thờ này; ngân sách đầu tư từ kinh phí hàng năm của thành phố, huyện và ngành văn hoá cùng với nguồn hỗ trợ của các doanh nghiệp, cá nhân có điều kiện, yêu thích ca trù…
Giải pháp sẽ vẫn chỉ là văn bản đưa ra nếu không có những công việc cụ thể hướng vào từng nhóm, CLB ca trù, từng nghệ nhân lão thành với những vốn liếng bài bản, kỹ thuật cùng lớp người kế cận ở mỗi địa phương. Phải chăng đã đến lúc không thể trông đợi mãi vào các chương trình triển khai chậm chạp của Nhà nước, của ngành văn hoá mà các địa phương cần tích cực thực hiện ngay chương trình riêng với đặc thù, điều kiện của mình.
Hoàng Thi