Tôi bị bệnh động mạch vành, cách đây 3 năm đã bị nhồi máu cơ tim thể nhẹ. Sau đó, bác sĩ chỉ định tôi dùng viên aspirin thường xuyên. Xin quý báo giải thích giùm, tôi phải uống aspirin kéo dài liên tục như vậy có nguy cơ gì không?
Minh Tân (Chương Mỹ, Hà Nội)
Aspirin thuộc nhóm thuốc chống viêm, không steroid. Aspirin được chỉ định: Điều trị các cơn đau vừa và nhẹ, đồng thời có tác dụng hạ sốt, điều trị viêm xương khớp như: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, thoái hóa khớp... Điều trị dự phòng tái phát nhồi máu cơ tim và nhồi máu não...
Aspirin có hoạt tính chống ngưng tập tiểu cầu. Thuốc được chứng minh là có tác dụng giảm tỉ lệ tử vong của các bệnh nhân nhồi máu cơ tim, đồng thời ngăn ngừa cơn đau thắt ngực. Aspirin được chỉ định cho mọi bệnh nhân có hẹp đáng kể động mạch vành, bệnh nhân tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc những người có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim hay các biến cố tim mạch khác. Ở những bệnh nhân đã có một lần nhồi máu (nhồi máu cơ tim, nhồi máu não): Nếu uống với liều thấp và kéo dài có thể làm giảm khoảng 25% nguy cơ nhồi máu tái phát nếu không có chống chỉ định dùng thuốc. Những bệnh nhân chưa từng bị nhồi máu nhưng có ít nhất một yếu tố nguy cơ về bệnh lý tim mạch (rung nhĩ; cơn đau thắt ngực; tăng huyết áp; đái tháo đường, rối loạn mỡ máu), aspirin có thể làm giảm khoảng 28% nguy cơ nhồi máu cơ tim và giảm khoảng 15% tỷ lệ tử vong liên quan đến tai biến. Có thể dùng thuốc kéo dài theo chỉ định của thầy thuốc.
Tuy nhiên, khi dùng viên aspirin, bạn cần lưu ý: Tác dụng phụ phổ biến của aspirin là gây kích ứng dạ dày. Thuốc cũng có thể gây xuất huyết nhỏ ở da và niêm mạc. Biến chứng nặng khi dùng thuốc là gây thủng, loét dạ dày hay chảy máu đến mức nguy hiểm tính mạng, tuy nhiên, tỷ lệ biến chứng nặng rất thấp, nhất là với liều thấp (75 - 100mg). Do vậy, khi dùng thuốc, nếu thấy có ảnh hưởng tới tiêu hóa thì cần thông báo cho bác sĩ ngay. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ khuyên bệnh nhân dùng aspirin - pH8 được bào chế đặc biệt nên thuốc không tan trong dạ dày mà chỉ đến ruột mới tan và được hấp thu. Vì vậy, tránh kích ứng lên niêm mạc dạ dày. Nên uống thuốc cách xa bữa ăn khoảng 30 phút, thuốc đến ruột rồi mới ăn. Điều này có lợi là thuốc nhanh xuống ruột mà không bị trộn lẫn với thức ăn, dễ phát huy tác dụng ngay.
Bạn không nên uống aspirin nếu bạn có tiền sử dị ứng với aspirin hoặc các thuốc chống viêm giảm đau không steroid khác (như ibuprofen, naproxen). Bạn cũng không được uống thuốc khi bạn có các bệnh lý dễ gây chảy máu (như chứng máu khó đông, hemophilia, đang bị sốt xuất huyết...).
Nếu bạn gặp vấn đề bất thường khi dùng thuốc, đừng ngại thông báo cho bác sĩ. Tuyệt đối không bao giờ tự ý ngừng aspirin có thể dẫn tới các hậu quả trầm trọng.
DS. Trung Anh