Hà Nội

Dùng A. salicylic trị bệnh da sao cho hiệu quả?

29-05-2017 13:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, ra mồ hôi nhiều... là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh về da phát triển như viêm da tiết bã nhờn, vẩy nến (ở mình hoặc da đầu), vẩy da đầu và các trường hợp bệnh da tróc vẩy khác...

Vào mùa hè, thời tiết nóng nực, ra mồ hôi nhiều... là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh về da phát triển như viêm da tiết bã nhờn, vẩy nến (ở mình hoặc da đầu), vẩy da đầu và các trường hợp bệnh da tróc vẩy khác... Trong những trường hợp như vậy thì acid salicylic tôi là một trong những thuốc có thể giúp các bạn. Do có tác dụng làm tróc mạnh lớp sừng da (ở nồng độ cao), tạo hình lớp sừng, điều chỉnh những bất thường của quá trình sừng hóa (khi ở nồng độ thấp) và sát khuẩn nhẹ khi bôi trên da nên tôi không chỉ giúp các bạn loại bỏ được các tình trạng về da nói trên mà còn có hiệu quả trong loại bỏ các hạt mụn cơm thông thường và ở bàn chân, chứng tăng sừng khu trú ở gan bàn tay và gan bàn chân và cả trứng cá thường nữa. Tuy nhiên khi dùng acid salicylic tôi, các bạn cần biết cách sử dụng an toàn và đạt hiệu quả nhất:

Bôi thuốc tại chỗ trên da, 1-3 lần/ngày. Cụ thể: dạng thuốc mỡ, thuốc nước hoặc kem bôi, bôi lượng vừa đủ lên vùng da cần điều trị và xoa nhẹ; dạng thuốc gel, trước khi bôi cần làm ẩm vùng da cần điều trị trong ít nhất 5 phút để tăng tác dụng của thuốc; dạng thuốc dán, trước khi dùng cần rửa sạch và lau khô vùng da. Đối với mụn cơm, vết chai hoặc sẹo cần ngâm trong nước ấm 5 phút, lau khô. Cắt miếng thuốc dán vừa với tổn thương; dạng nước gội hoặc xà phòng tắm, làm ướt tóc và da đầu bằng nước ấm, xoa đủ lượng nước gội hoặc xà phòng tắm để làm sủi bọt và cọ kỹ trong 2-3 phút, xối rửa, xoa và bôi lại, sau đó xối nước sạch.

Không dùng các chế phẩm có nồng độ acid salicylic tôi trên 10% cho các mụn cơm vùng da bị nhiễm khuẩn, viêm, kích ứng, ở mặt, bộ phận sinh dục, mũi, miệng, các mụn cơm có lông mọc, nốt ruồi hoặc vết chàm... Tránh bôi thuốc vào miệng, mắt, niêm mạc. Nếu bị dính thuốc ở mắt, niêm mạc, phải rửa ngay với nước sạch 15 phút. Rửa tay ngay sau khi bôi thuốc, trừ khi phải bôi thuốc ở tay.

Việc dùng dài ngày acid salicylic tôi trên diện rộng có thể bị ngộ độc salicylat với các biểu hiện như lú lẫn, chóng mặt, đau đầu nặng hoặc liên tục, thở nhanh, tiếng rung hoặc tiếng vo vo trong tai liên tục... Ðiều trị các mụn cơm với thuốc nồng độ cao có thể gây ăn da và do đó làm các mụn cơm dễ lan rộng hơn. Vì vậy, các bạn không nên dùng tôi thời gian dài, nồng độ cao, bôi trên diện rộng hay bôi trên vùng da bị viêm hoặc nứt nẻ nhé...


Nguyễn Bảo Lâm
Ý kiến của bạn