Chỉ một thời gian ngắn sau, một cơn đau ngực khác đã khiến anh nhập khoa Cấp cứu, BV. Trưng Vương. Ngay trên băng ca đẩy vào cấp cứu, bệnh nhân đã ngưng tim, ngưng thở do nhồi máu cơ tim. Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức với hơn 100 ống Adrenaline, thuốc hồi dương, kèm với hàng loạt sốc điện. Sau 1 tiếng hồi sức, khi bệnh nhân bắt đầu có lại mạch và huyết áp, các bác sĩ quyết định thông tim can thiệp ngay mới cứu sống được bệnh nhân. Bệnh nhân được can thiệp tái thông động mạch vành trái. Sau khi tái thông, bệnh nhân có đáp ứng, điện tâm đồ và huyết áp ổn định, bệnh nhân được chuyển xuống khoa Hồi sức Cấp cứu.
Đây là một trường hợp bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trẻ, nhưng thời gian ngưng tim dài, hồi sức với một lượng lớn thuốc. Bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức Cấp cứu, tình trạng tim mạch ổn định nhưng bệnh nhân ở trong tình trạng suy đa cơ quan, với nhiều cơ quan tổn thương: gan, thận, não, tuần hoàn… Ở hồi sức, bệnh nhân đã được áp dụng những phương pháp mới để điều trị, hồi sinh tim phổi, vừa đánh kháng sinh, vừa thuốc vận mạch, kèm theo lọc máu vì suy đa cơ quan. Bệnh nhân đã được phải thay 11 quả lọc máu, chi phí khá cao lên tới mấy trăm triệu đồng.
Thời gian điều trị kéo dài. Một tháng sau, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hồi phục như hồi phục não, gan. Bệnh nhân ngưng sử dụng thuốc vận mạch và thận cũng hồi phục tốt. Sau đó, bệnh nhân đã được cai máy thở, tiếp tục được điều trị hồi sức. Sau hơn hai tháng, bệnh nhân bắt đầu tự nói chuyện lại được, tự sinh hoạt tại giường, nhưng bệnh nhân vẫn còn khá nặng. Bệnh nhân thường cảm thấy khó thở vì vẫn dễ liên tục lên các cơn phù phổi, làm cản trở khả năng trao đổi oxy ở các phế nang... Đến thời điểm này, sau 3 tháng điều trị, bệnh nhân đã tự giao tiếp lại, tự sinh hoạt, chức năng gan và thận được cải thiện gần như hoàn toàn.
Thông thường, đối với những bệnh nhân đã ngưng tim như vậy, hồi sức theo đúng phác đồ hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới, chỉ sau 30 phút mà bệnh nhân không có dấu hiệu của sự hồi phục, các bác sĩ có thể ngưng hồi sức. Tuy nhiên, trong hồ sơ bệnh án ghi nhận, các bác sĩ của tua trực cấp cứu ngày hôm đó đã tiến hành hồi sức suốt 1 giờ đồng hồ, sốc tim 7 - 8 lần. Cách đây không lâu, khoa cấp cứu cũng đã cứu sống một bệnh nhân trẻ sau khi ép tim gần 1 giờ đồng hồ.
Một khuyến cáo từ trường hợp bệnh nhân nói trên là bệnh nhân khá ỷ y về sức khỏe. Anh này không nghĩ đến ở độ tuổi 45 này của mình lại bị nhồi máu cơ tim, bên cạnh đó, sau khi bệnh nhân hồi phục có cho biết rằng, nếu bản thân có vấn đề về tim mạch, sáng hôm sau sẽ đi khám bệnh viện chuyên về tim mạch chứ không nghĩ đến sự cố lại nghiêm trọng như vậy. Do đó, tất cả bệnh nhân có cảm giác đau ngực, tức ngực, kéo dài trên 15 - 20 phút, lan ra tay, cổ và lên mặt. Bệnh nhân nên vào viện càng sớm càng tốt để các bác sĩ điều trị, can thiệp sớm, tránh những biến chứng khó lường. Nhồi máu cơ tim không còn là “đặc sản” của độ tuổi. BV. Trưng Vương từng tiếp nhận những ca nhồi máu ở tuổi 30. Thông thường nhồi máu xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, đặc biệt là ở những người có hút thuốc lá.