(Bùi Văn Hải - Bạc Liêu)
Thủy tinh thể là một bộ phận của nhãn cầu, nó là một thấu kính 2 mặt lồi, trong suốt, dày 4 mm và rộng 9 mm. Thủy tinh thể có chức năng điều tiết để vật thể bên ngoài mắt dù gần hay xa đều có ảnh xuất hiện trên võng mạc. Thủy tinh thể được bao bởi một màng bán thấm đối với nước và chất điện giải. Nếu thủy tinh thể bị đục thì giống cái kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Khi thủy tinh thể bị đục hoàn toàn sẽ ngăn cản hình ảnh thu vào võng mạc và sẽ gây mù.
Thủy tinh thể có cấu tạo gồm nước (65%) và protein (35%), tất nhiên cũng chứa một ít chất điện giải, axít ascorbic, glutathione. Nguyên nhân gây đục đó là thiếu cung cấp oxy, tăng lượng nước, giảm protein. Các yếu tố cụ thể gây ra gồm: tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, ánh sáng nhân tạo (đèn pha sân khấu, trường quay phim, đèn cao áp,…), tiếp xúc với oxy, virút, vi trùng, chất độc của môi trường, khói (thuốc lá, máy xe, nhà máy,…). Sự tiếp xúc này sẽ làm tổn thương tiềm tàng thành phần protein của thủy tinh thể tương tự như sự đông đặc trứng gà vịt khi luộc nước sôi hay chiên, protein trong thủy tinh thể mất dần gây đục. Chế độ dinh dưỡng có liên quan mật thiết với sự hình thành đục thủy tinh thể, đó là chế độ ăn giàu chất đường galactose (một thành phần của lactose, đường sữa). Đường này tích tụ ở mắt kéo theo nhiều nước làm mất cân bằng nước điện giải của thủy tinh thể, điều này dẫn đến tăng sinh tế bào sợi làm đục.
Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt giúp phòng ngừa bệnh. Người bị( đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu hụt vitamine C, đồng, mangan, kẽm. Chất chống oxy hóa có trong thủy tinh thể là glutathione cùng với coenzym vitamin B2 sẽ bảo vệ được mắt. Beta carotene là một chất dọn dẹp tốt các gốc tự do gây tổn hại mắt, nó bảo vệ mắt khỏi tổn thương liên quan ánh sáng. Taurin là một axít amin chính trong thủy tinh thể có khả năng làm chậm khởi phát bệnh đục thủy tinh thể..