Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh

08-04-2024 14:50 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù và thường gặp ở người trên 50 tuổi. Đục thủy tinh thể thường diễn tiến từ từ, biểu hiện ban đầu là giảm độ kính lão do xuất hiện cận thị chiết xuất, khi ra ánh sáng, mắt sẽ khó chịu nhưng không bị đau nhức.

Ai có thể bị đục thủy tinh thểAi có thể bị đục thủy tinh thể

Hầu hết các bệnh đục thủy tinh thể đều liên quan đến quá trình lão hóa. Hơn một nửa tổng số người Mỹ đã từng phẫu thuật đục thủy tinh thể hoặc đục thủy tinh thể vào năm 80 tuổi. Tuy nhiên đục thủy tinh thể cũng có thể xảy ra ở những đối tượng khác.

1. Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể tuổi già do quá trình lão hóa thủy tinh thể là nguyên nhân chính. Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác, như:

  • Đục thủy tinh thể liên quan đến các bệnh tại mắt như: Cận thị, chấn thương, viêm màng bồ đào, sau phẫu thuật glocom, sau phẫu thuật nội nhãn...
  • Đục thủy tinh thể liên quan đến các bệnh toàn thân: Đái tháo đường (ĐTĐ), tăng huyết áp (THA), các bệnh lý có hội chứng giả bong bao, sử dụng corticosteroid lâu ngày...
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em do các bệnh lý trong quá trình mang thai hoặc yếu tố di truyền.
Các yếu tố nguyên nhân ảnh hưởng tới lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng bệnh:
  • Đái tháo đường: Có thể gây đục thủy tinh thể thể dưới vỏ kèm theo bệnh võng mạc đái tháo đường giai đoạn tiến triển. Cần tiên lượng và phối hợp điều trị, theo dõi biến chứng võng mạc khi phẫu thuật.
  • Tăng huyết áp: Có thể ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật do biến chứng của THA chưa được kiểm soát; bệnh võng mạc THA/tắc tĩnh mạch, động mạch võng mạc có thể ảnh hưởng tới kết quả phẫu thuật.
  • Béo phì, bệnh lý hô hấp, tim mạch: Có thể gây cản trở phẫu thuật do các bệnh lý tim mạch (tai biến não/tim; dùng thuốc chống đông…) cần chú ý và có thể chọn phương pháp vô cảm phù hợp.
  • Các rối loạn tâm thần và nghiện rượu, khó hợp tác: Nên cân nhắc lựa chọn phương pháp vô cảm, có thể gây mê để phẫu thuật và xem xét phẫu thuật đồng thời cả 2 mắt.
  • Một số bệnh mạn tính cần dùng thuốc điều trị như nhóm corticoid lâu dài cũng có thể gây đục thủy tinh thể.
  • Người bệnh điều trị lao có thể ngộ độc thị thần kinh do Ethambutol, dẫn tới kết quả thị lực sau phẫu thuật đục thủy tinh thể hạn chế.
  • Đục thủy tinh thể sau chấn thương ngày càng gặp nhiều hơn và đặt ra những vấn đề về kỹ thuật do những tổn thương phối hợp.
Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Bệnh đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù.

2. Phân loại đục thủy tinh thể

Có nhiều cách phân loại đục thủy tinh thể, mỗi cách dựa vào tiêu chí đánh giá khác nhau, tùy theo từng mục đích cụ thể.

2.1 Phân loại đục thủy tinh thể theo hình thái đục (WHO)

Phân loại dựa vào tiến triển của đục, độ cứng màu sắc của nhân, vị trí đục... cụ thể gồm 3 loại:
  • Đục nhân.
  • Đục vỏ.
  • Đục dưới bao sau.
Theo cách phân loại này giúp cho việc chỉ định và xác định kỹ thuật phẫu thuật thích hợp và tiên lượng kết quả phẫu thuật.

2.2 . Phân loại đục thủy tinh thể theo độ cứng của nhân (Luicio-Burrato)

Phân loại đục thủy tinh thể theo độ cứng của nhân giúp tiên lượng cuộc phẫu thuật và có phương án chuẩn bị phù hợp.

  • Độ I: Nhân mềm, còn trong hoặc xám nhạt, đục vỏ hoặc dưới bao.
  • Độ II: Nhân mềm vừa phải, có màu xám hay vàng nhẹ, đục dưới bao sau.
  • Độ III: Nhân cứng trung bình, đục nhân màu vàng hổ phách, hoặc đục nhân dưới bao sau.
  • Độ IV: Nhân cứng, đục nhân màu nâu vàng hổ phách.
  • Độ V: Nhân quá cứng, màu nâu đen.

2.3 . Một số trường hợp đục thủy tinh thể khó, tiên lượng dè dặt

  • Đục thủy tinh thể nhân nâu đen đồng tử không giãn kết hợp với hội chứng giả bong bao.
  • Đục thủy tinh thể kết hợp với bệnh Glocom mất hướng sáng.
  • Đục thủy tinh thể trên mắt viêm màng bồ đào cũ.
  • Đục thủy tinh thể với hội chứng Marfan.
  • Đục thủy tinh thể do chấn thương, biến chứng đứt dây chằng Zinn, lệch thủy tinh thể.

3. Biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Nhìn mờ: Là triệu chứng chính, lúc đầu nhìn xa mờ nhưng nhìn gần vẫn rõ, về sau nhìn xa và nhìn gần đều mờ, cuối cùng là mù.
  • Chói mắt: Khi ra ánh sáng mặt trời, ánh đèn ban đêm. Nhìn trong râm thấy rõ hơn.
  • Nhìn một vật thành hai hoặc thấy nhiều hình.
  • Người bệnh thường xuyên phải thay đổi độ kính, thị lực không cải thiện kể cả khi có sự hỗ trợ của kính. Phần lòng đen mất đi độ trong suốt.
Đục thủy tinh thể: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 3.

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả

4. Phòng bệnh đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể được điều trị bằng phẫu thuật cho kết quả tốt nhưng không phải lúc nào cũng đảm bảo kết quả và đủ điều kiện để mổ. Điều quan trọng là phải biết phòng ngừa đục thủy tinh thể từ những nguyên nhân gây bệnh đã xác định được.

  • Khám mắt thường xuyên: Khám mắt thường xuyên có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở các giai đoạn sớm nhất.
  • Điều trị và kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường: Thực hiện đúng chế độ ăn kiêng nếu bị đái tháo đường, kiểm soát tốt đường huyết. Điều trị sớm các bệnh tại mắt như Glocom, viêm màng bồ đào.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa và chức năng gan tốt sẽ có tác dụng giúp phòng ngừa bệnh. Người bị đục thủy tinh thể có khuynh hướng thiếu vitamin C, đồng, mangan, kẽm. Beta-carotene giúp ‘dọn dẹp’ tốt các gốc tự do – một tác nhân gây tổn hại mắt, bảo vệ mắt không bị những tổn thương liên quan đến ánh sáng. Còn taurin là một acid amin chính trong thủy tinh thể, có khả năng làm chậm sự khởi phát của bệnh, không ăn tảo, thực vật biển, sò ốc, sản phẩm từ sữa ít béo, chocolate, vì đây là những nguồn chứa vanadium vốn độc hại cho mắt.
  • Hạn chế các yếu tố nguy cơ khác: Ánh sáng tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm chặn tia cực tím khi đang ở ngoài trời. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.

5. Cách điều trị bệnh đục thủy tinh thể

Đối với đục thủy tinh thể giai đoạn chớm, bệnh nhân có thể cải thiện tầm nhìn bằng cách sử dụng kính gọng. Bên cạnh đó. bệnh nhân cần khám và kiểm tra mắt định kỳ tại cơ sở chuyên khoa để theo dõi diễn tiến của bệnh.

Trường hợp người bệnh không thể sử dụng thuốc hoặc đeo kính thì cần phải phẫu thuật thay thế thủy tinh thể nhân tạo. Phẫu thuật Phaco là một trong những phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện thị lực cho người mắc bệnh.

Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường sau khi mổ đục thủy tinh thể (mổ cườm khô). Người bệnh nên tăng cường những thực phẩm giàu vitamin và chất khoáng tốt cho mắt như vitamin A, B, C… có nhiều trong rau củ quả như cà chua, cà rốt, bơ, các loại hạt, cải xoăn, súp lơ, rau bina…

Không nên sử dụng rượu bia, chất kích thích, thức ăn cay nóng…

Phân biệt các dạng đục thủy tinh thểPhân biệt các dạng đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể có thể hình thành ở các vị trí khác nhau trên thủy tinh thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hãy cùng Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tìm hiểu các dạng đục thủy tinh thể.


BS. Trần Thị Thu Hiền
Ý kiến của bạn