Hà Nội

Đục thủy tinh thể, khi nào nên mổ?

22-06-2017 10:05 | Phòng mạch online
google news

SKĐS -Mẹ tôi năm nay 69 tuổi, bị đục nhân mắt. Bác sĩ khám và chỉ định mổ thay nhân mắt phải. Tuy nhiên mẹ tôi vẫn đi lại sinh hoạt bình thường nên chưa muốn mổ. Xin hỏi đục nhân mắt là gì? Nếu mổ có nguy hiểm không?

nguyenthuhoai@gamail.com

Đục nhân mắt (còn gọi đục thể thủy tinh) là tình trạng mất đi sự trong suốt bình thường của nhân mắt. Nhân mắt như một máy hội tụ của mắt, nằm sau đồng tử.

Đục nhân mắt có thể làm một số người sợ hãi vì người ta nghĩ đục nhân mắt đồng nghĩa với mù lòa. Trên thực tế, đục nhân mắt là một trong những bệnh gây giảm thị lực. Hầu hết đục nhân mắt do tuổi già, một số sang chấn nặng cũng ảnh hưởng đến nhân mắt và gây đục. Ngoài ra còn do các nguyên nhân như viêm nhiễm, nội tiết như đái tháo đường, nhiễm virut... Đục nhân không gây đau mà từ từ dẫn đến mờ mắt. Trong thời kỳ đầu của đục nhân, việc thay kính có thể cải thiện được thị lực, muộn hơn, khi đục nhân đã khá nhiều thì thay kính không có giá trị cải thiện thị lực nữa. Đặc trưng của đục nhân mắt thường là ở hai mắt, song có một mắt bị đục nhiều hơn mắt kia. Thời điểm mổ đục nhân phụ thuộc vào thị lực của người bệnh. Nếu 2 mắt thị lực quá kém thì mổ cả hai mắt trong cùng một thời gian nằm viện. Phương pháp phaco là phương pháp làm nhuyễn nhân rồi hút nhân ra dưới áp lực rất an toàn và là phương pháp phổ biến hiện nay. Khi không có những bệnh lý khác kèm theo thì sau khi mổ đục nhân, thị lực phục hồi tốt. Vì vậy, bạn động viên mẹ cứ yên tâm. Trước mắt, nếu mẹ bạn chưa sẵn sàng để mổ thì có thể trì hoãn một thời gian cũng không sao, chỉ là nhìn mờ gây khó khăn trong sinh hoạt. Tuy nhiên, nếu đục nhân do tiểu đường thì phải kết hợp điều trị tích cực bệnh tiểu đường.

BS. Vũ Hồng Ngọc


Ý kiến của bạn