Đục thủy tinh thể bẩm sinh và những điều cần biết

04-12-2024 11:50 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Nhiều người suy nghĩ sai lầm đục thủy tinh thể là bệnh hay gặp của người già mà không biết rằng, nhiều em nhỏ vừa mới sinh ra đã mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh nguy hiểm này. Nếu phát hiện và điều trị muộn thì khi lớn lên, dù được thay thủy tinh thể thì thị lực cũng rất kém.

Hỏi: Chồng tôi bị đục thủy tinh thể bẩm sinh vậy nếu tôi sinh con ra có nguy cơ mắc bệnh hay không? (Mai Hồng L – Nghệ An).

Theo TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội), đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em là một trong những nguyên nhân gây mù lòa thường gặp. Có nhiều nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở trẻ em như:

  • Di truyền: Nếu bố hoặc mẹ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh cũng có thể sinh ra con bị đục thủy tinh thể bẩm sinh.
  • Do rối loạn về chuyển hóa.
  • Nhiễm trùng trong thời kỳ phôi thai (sốt, nhiễm virus...). Trong đó, thường gặp nhất là trường hợp mẹ bị nhiễm Rubella. Nếu khi mẹ mang thai nhiễm Rubella (nhất là trong 3 tháng đầu) trẻ sinh ra sẽ gặp tình trạng đục thủy tinh thể bẩm sinh rất nặng kèm theo các bất thường khác ở mắt.

TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh (Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội) giái đáp thông tin về đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh có nguy hiểm không?

Đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ để điều trị có hiệu quả cần được phát hiện và điều trị khi trẻ dưới 2 tháng tuổi (đối với trường hợp đục thủy tinh thể hoàn toàn). Hiện nay, để phát hiện các trường hợp đục thủy tinh thể bẩm sinh, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên sàng lọc cho trẻ ngay sau khi sinh. Nếu trẻ được phát hiện đục thủy tinh thể bẩm sinh, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế nhãn khoa để khám ngay vì trẻ cần được phẫu thuật trước 2 tháng tuổi.

Trong trường hợp trẻ phẫu thuật sau 2 tháng thì sẽ gây ra tình trạng rung giật nhãn cầu. Lúc này nếu điều trị thì khả năng phục hồi thị lực kém do mắt bị nhược thị và rung giật nhãn cầu gây ảnh hưởng đến chức năng thị giác.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh và những điều cần biết- Ảnh 1.

Bệnh nhân L.T.P.T (4 tuổi) được chẩn đoán đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Các hình thái đục thủy tinh thể bẩm sinh ở trẻ em gồm có: Đục thủy tinh thể bẩm sinh hoàn toàn và đục thủy tinh thể bẩm sinh không hoàn toàn.

  • Đục thủy tinh bẩm sinh hoàn toàn cả 2 mắt sẽ gây rung giật nhãn cầu. Nếu trẻ bị đục thủy tinh bẩm sinh ở 1 bên mắt sẽ gây tình trạng nhược thị nặng. Cha mẹ nếu không phát hiện sớm cho dù trẻ được sử dụng những kỹ thuật tốt nhất để mổ thì khả năng phục hồi thị lực vẫn rất kém.
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh không hoàn toàn, có thể thời gian đầu trẻ vẫn nhìn tương đối tốt. Tuy nhiên càng về sau tình trạng đục thủy tinh thể sẽ càng tăng lên, lúc này trẻ sẽ suy giảm thị lực nhiều. Với hình thái đục thủy tinh thể nhân trung tâm/nhân phôi thai có thể thời gian mổ sẽ muộn hơn so với đục thủy tinh thể hoàn toàn. Với hình thái đục thủy tinh thể nhân trung tâm trẻ không bị giảm thị lực nhiều và sau mổ việc phục hồi thị lực cũng tốt hơn so với đục thủy tinh thể hoàn toàn.

Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh

Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh hiện nay cũng rất đa dạng. Tùy thuộc vào giai đoạn trẻ được can thiệp.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh và những điều cần biết- Ảnh 2.

Bác sĩ thăm khám cho một trường hợp bệnh nhi đục thủy tinh thể bẩm sinh sau phẫu thuật.

Ví dụ đục thủy tinh thể hoàn toàn ở cả 2 mắt nếu mổ sớm có thể dùng phương pháp mổ lấy thủy tinh ngoài bao và chưa đặt thủy tinh thể ngay. Bởi vì nếu đặt thủy tinh thể ở trẻ quá nhỏ sẽ gặp tỷ lệ biến chứng cao. Ngoài ra, mắt ở giai đoạn sớm còn chưa phát triển nếu đặt thủy tinh thể sớm quá khi mắt phát triển sẽ có một số thay đổi, thủy tinh thể đã đặt trước đó sẽ ảnh hưởng đến khúc xạ của trẻ. Thông thường nếu trẻ mổ ở giai đoạn 2-3 tháng tuổi sẽ áp dụng phương pháp mổ thủy tinh thể ngoài bao hoặc cắt thể thủy tinh và cắt bao sau, cắt dịch kính trước. Sau đó trẻ sẽ được đeo kính hoặc đeo kính tiếp xúc. Khi trẻ lớn hơn khoảng sau 2 tuổi có thể đặt thủy tinh thể thì 2.

Với trường hợp trẻ mổ sau 2 tuổi thường sẽ mổ thủy tinh và đặt thủy tinh nhân tạo cùng lúc. Sau khi mổ xong, tất cả trẻ đã được mổ thủy tinh thể đều cần được khám và theo dõi định kỳ. Bởi mắt của trẻ vẫn tiếp tục phát triển cùng với đó khúc xạ cũng thay đổi. Trẻ cần được thăm khám định kỳ từ 3 tháng – 6 tháng/lần để kiểm tra lại khúc xạ và chỉnh kính phù hợp. Khi mắt thay đổi kính cũng cần phải thay đổi theo.

Xem thêm video được quan tâm:

Bốn loại thực phẩm càng ăn càng sáng mắt, bạn đã biết? | SKĐS


TS.BS Nguyễn Xuân Tịnh
Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội
Ý kiến của bạn