Đục thể thủy tinh: Phẫu thuật là tối ưu

21-04-2014 13:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Đục thể thủy tinh (TTT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

Đục thể thủy tinh (TTT) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới. Đục TTT có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở người cao tuổi (gần 70%). Bệnh gây giảm, mất thị lực một cách trầm trọng, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phẫu thuật là cách duy nhất có hiệu quả điều trị bệnh.

Tại sao bị đục thủy tinh thể?

Thông thường, tính trong suốt của thủy tinh thể được đảm bảo nhờ bao thủy tinh thể và thủy dịch nuôi dưỡng. Sự biến đổi theo tuổi, rối loạn chuyển hóa, chấn thương,... làm thay đổi khả năng thẩm thấu của bao TTT cũng như làm biến đổi thành phần thủy dịch gây ra biến đổi quá trình chuyển hóa trong lòng TTT dẫn đến đục TTT. Tia cực tím là tác nhân đẩy nhanh đục TTT. Lúc đầu hiện tượng đục chỉ xảy ra ở một vùng nhỏ nhưng theo thời gian vùng này phát triển rộng ra tới khi đục toàn bộ TTT. Nguyên nhân chủ yếu là do quá trình lão hóa làm biến đổi tính thấm của bao TTT và thay đổi chất lượng của tế bào TTT. Ngoài ra còn do mắc một số bệnh di truyền như hội chứng Down, hội chứng Marfan, hội chứng Marchesani; nhiễm khuẩn từ trong bào thai như mẹ bị đái tháo đường, nhiễm virut Rubella...; mắc một số rối loạn chuyển hóa như rối loạn chuyển hóa calci, thiếu vitamin...; do ngộ độc thuốc (corticosteroid, pilocarpin, amiodaron) và nhiễm kim loại (sắt, đồng, vàng,...); đục TTT thứ phát sau viêm màng bồ đào, sau chấn thương, sau phẫu thuật, sau chiếu tia cực tím, tia Xquang, tia laser,...

Khi bị đục TTT, phương pháp duy nhất để lấy lại thị lực là phẫu thuật.

Đục TTT biểu hiện như thế nào?

Quá trình đục TTT diễn ra âm ỉ, kéo dài và thường không nhận biết được vào giai đoạn đầu, chỉ được phát hiện khi khám định kỳ hoặc gặp phải những rắc rối về thị giác như: giảm dần thị lực cả nhìn gần lẫn nhìn xa và không điều chỉnh được bằng kính; lóa sáng thường vào ban đêm, mắt nhạy cảm với ánh sáng nhưng không đau, có thể thấy những quầng sáng xung quanh bóng đèn và thấy hai hình khi nhìn bằng một mắt; rối loạn màu sắc diễn ra rất từ từ, đến lúc nhất định sẽ khó phân biệt được màu xanh dương và màu tím. Đục TTT thường không gây đau, không gây đỏ mắt, không gây kích thích tại mắt và không gây các tổn thương bên ngoài nhãn cầu. Đục TTT gây giảm thị lực dần dần, tuy nhiên TTT đục được thay thế bằng một TTT khác trong suốt thì thị lực lại phục hồi. Trong một số trường hợp, nếu đục TTT để quá lâu không được điều trị có thể gây ra những biến chứng trầm trọng như viêm màng bồ đào, bệnh glôcôm... và có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Tuy nhiên, có thể làm chậm lại quá trình đục TTT bằng cách tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin và chất chống ôxy hóa.

Khi nào cần mổ thay TTT bị đục?

Trước đây, việc chỉ định mổ lấy bỏ TTT chủ yếu dựa vào mức độ giảm thị lực của bệnh nhân (thường dưới 3/10). Ngày nay, các rối loạn chức năng thị giác liên quan tới việc giảm thị lực mới là yếu tố chính để quyết định chỉ định mổ. Nhờ có phương tiện kỹ thuật hiện đại nên có thể mổ sớm hơn để cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Bác sĩ cần hỏi rất kỹ bệnh nhân các câu hỏi liên quan tới khả năng nhìn trong các hoạt động thường ngày như: có gặp khó khăn khi đọc sách, khi đi lại ngoài đường, khi chơi thể thao, khi làm việc, có gặp hiện tượng lóa, hiện tượng nhìn đôi...? để biết chính xác các rắc rối mà bệnh nhân đang gặp phải. Trong một chừng mực nào đó, thay đổi số kính cũng giúp bệnh nhân tạm thời nhìn rõ hơn nhưng những rối loạn khác về thị giác thì không thể điều chỉnh được. Phương pháp tán nhuyễn nhân TTT bằng siêu âm (Phaco) và đặt TTT nhân tạo là phương pháp rất phổ biến và hiệu quả hiện nay.

Đục TTT có thể phòng ngừa được không?

Đục TTT là một quá trình diễn ra trong suốt cuộc đời và không có thuốc nào có thể chữa khỏi hoàn toàn. Khi bị đục TTT, cách duy nhất để lấy lại thị lực là phẫu thuật. Tuy nhiên, có thể làm chậm lại quá trình đục TTT bằng cách sử dụng các loại kính mát có khả năng chặn tia cực tím. Chế độ ăn nhiều vitamin, nhiều chất chống ôxy hóa - khử giúp hạn chế tiến triển của bệnh. Dừng hút thuốc và giảm uống rượu. Với những người từ 60 tuổi trở lên, nên khám mắt toàn diện ít nhất 1 năm 1 lần.

BS. Yến Ngọc

 


Ý kiến của bạn