Đức thành lập chính phủ liên minh: Thắng lợi của Thủ tướng Merkel

27-02-2018 10:06 | Quốc tế
google news

SKĐS - Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 26/2 đã thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD), động thái được cho là sẽ giúp nhà lãnh đạo này tiến gần hơn tới nhiệm kỳ Thủ tướng thứ 4 liên tiếp của mình.

Ngày 26/2, Thủ tướng Merkel đã có bài phát biểu tái khẳng định các cam kết giải quyết các thách thức trong nước, trong đó có chính sách thuế và Liên minh châu Âu (EU). Đề cập đến các quan ngại của dư luận về xu hướng toàn cầu hóa, công nghệ phát triển và các đảng phái chính trị hiện nay, Thủ tướng Đức nhấn mạnh cần có định hướng cho nước Đức cũng như cho đảng CDU. Thủ tướng Đức cũng kêu gọi đổi mới liên minh, nhấn mạnh EU là yếu tố quan trọng để đảm bảo các lợi ích của Đức và EU. Theo bà, EU cần hòa hợp hơn nữa, khẳng định Đức sẽ tiếp tục thể hiện sự đoàn kết với các quốc gia thành viên EU tự hoàn thành trách nhiệm về tài chính chứ không phải với những quốc gia trông chờ nước khác giải quyết các gánh nặng của mình. 

Thủ tướng Đức Merkel và các nghị sỹ đảng CDU bỏ phiếu thuận đồng ý thành lập chính phủ liên minh ngày 26/2.


Trước đó, ngày 7/2, liên đảng bảo thủ CDU/CSU của Thủ tướng Merkel đã đạt thỏa thuận thành lập một chính phủ đại liên minh với đảng SPD, qua đó giúp nền kinh tế đầu tàu châu Âu này chấm dứt thế bế tắc chính trị kéo dài hơn 5 tháng qua. Tuy nhiên, thỏa thuận trên cần phải được sự ủng hộ của 464.000 đảng viên SPD trên toàn quốc. Dự kiến, kết quả cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến các đảng viên trong đảng sẽ được công bố vào ngày 4/3. 

        Theo giới phân tích, việc đảng Dân chủ cơ đốc giáo CDU thông qua thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh với sự đồng thuận lớn là một ủng hộ quý giá đối với Thủ tướng Đức. 97% trong tổng số 1000 đại biểu tham dự Đại hội đảng Dân chủ Cơ đốc giáo CDU diễn ra trong ngày 26/2 đã bỏ phiếu thông qua thoả thuận thành lập chính phủ liên minh mới tại Đức giữa CDU với đảng Xã hội cơ đốc giáo CSU và đảng Dân chủ xã hội SPD. Con số ủng hộ gần như tuyệt đối này xem như đã gỡ bỏ được gánh nặng áp lực đặt lên vai bà Angela Merkel suốt 4 tháng qua khi chính trường Đức rơi vào một tình thế bế tắc chưa từng có.  Với cá nhân bà Angela Merkel, đây là một thắng lợi kép. Bởi việc đa số đảng viên CDU/CSU các thành viên CDU đồng ý thoả thuận lập chính phủ liên minh cho thấy bà Merkel vẫn được tín nhiệm. Đây là điều hoàn toàn không đơn giản bởi lẽ sau cuộc bầu cử cuối tháng 9/2017, đảng CDU giành kết quả kém nhất trong nhiều thập kỷ qua, uy tín của bà Merkel đã liên tục giảm sút. 

Thứ hai, với thắng lợi này bà Merkel đã dập tắt được mầm mống bất ổn và chia rẽ trong nội bộ CDU. Việc bà Merkel chấp nhận hy sinh các đồng minh chính trị cao tuổi trong CDU để lấy ghế Bộ trưởng trong chính phủ mới cho các đối thủ trẻ tuổi hơn như Jens Spahn hay Julia Klockner đã xoa dịu được phe nổi loạn trong CDU. Cùng với đó, việc bà Merkel đưa được bà Annegret Kramp-Karrenbauer lên vị trí được xem là sẽ kế nhiệm bà trên cương vị thủ lĩnh CDU cũng là một thành công lớn. Giới phân tích cho rằng các bước đi trên vừa giúp bà Merkel giữ vững ghế Thủ tướng Đức nhiệm kỳ thứ 4, vừa ổn định được nội bộ CDU. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã công bố danh sách 6 bộ trưởng thuộc đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà tham gia vào chính phủ mới. Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn những bộ trưởng này là một dấu hiệu cho thấy Thủ tướng Đức đang thực hiện việc đổi mới trong chính phủ, bắt đầu từ chính nhân sự của đảng CDU. Nhiều bộ trưởng còn khá trẻ, như ông Saphn mới 37 tuổi, ông Braun 45 tuổi, bà Klöckner và Karliczek đều 46 tuổi. Bà Merkel là người duy nhất trong thành phần CDU tham gia nội các mới trên 60 tuổi

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Thủ tướng Merkel vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Tỷ lệ ủng hộ đảng cực hữu "Sự lựa chọn vì nước Đức" (AfD) lần đầu tiên vượt đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) tuần trước được xem là một cú sốc lớn với đảng trung tả. Cùng với đó là những thách thức trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và bài toán ổn định EU “hậu” Brexit. Dù vậy, nền kinh tế Đức tăng trưởng tiếp tục mang lại 1 tín hiệu khả quan. Kết quả khảo sát của Viện Ifo, trụ sở tại München, cho thấy chỉ số niềm tin kinh doanh (chỉ số Ifo) trong tháng 1/2018 tăng 0,4 điểm, đạt mức cao kỷ lục 117,6 điểm, vượt quá kỳ vọng của hầu hết các chuyên gia kinh tế. Theo Chủ tịch Viện Ifo Clemens Fuest (Cle-men Phu-ét), nền kinh tế Đức đã bước vào năm mới 2018 với sự lạc quan khi 7.000 lãnh đạo doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát bày tỏ sự lạc quan về tình hình kinh doanh của họ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.   

Dư luận nhận định đây là một động thái tích cực giúp Thủ tướng Merkel vững bước điều hành nhiệm kỳ thứ 4 của mình.


N.Minh (Theo BBC, Reuters, AP)
Ý kiến của bạn