Toàn bộ những bệnh nhân trên đều đang cư trú tại một viện dưỡng lão và hưu trí ở thị trấn Belm thuộc huyện Osnabrück, bang Niedersachsen, Đức. Họ được tiêm mũi thứ 2 của vắc xin phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) bào chế vào ngày 25/1 vừa qua. Đến ngày 2/2, trong đợt xét nghiệm nhanh hàng ngày, các ca bệnh này đã được phát hiện. Chưa rõ thời điểm nhiễm bệnh của các bệnh nhân trên. Hiện toàn bộ cơ sở, nhân viên và người nhà những cư dân trong cơ sở này đã được cách ly theo dõi.
Giới chức y tế huyện Osnabrück cho biết 14 ca bệnh trên cho đến nay chỉ có những biểu hiện bệnh ở thể nhẹ hoặc hầu như không có triệu chứng, một phần có thể do tác động tích cực từ việc đã được tiêm chủng. Tuy nhiên, việc nhiễm bệnh cho thấy ngay cả những người được tiêm chủng cũng không miễn dịch được với COVID-19 và vẫn có thể lây lan cho người khác.
Ngày 7/2, báo Tấm gương hằng ngày (Tagesspiegel) dẫn một nghiên cứu từ Israel cho biết, vắc xin của Pfizer/BioNTech đạt hiệu quả mục tiêu 95% một tuần sau mũi tiêm chủng thứ hai. Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy cơ thể đã có 50% khả năng bảo vệ chống COVID-19 trong 10 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Những kết quả này cũng giống như thông báo của nhà sản xuất trong nghiên cứu giai đoạn III.
Trước đó, ngày 3/2, Tạp chí y khoa The Lancet đã công bố một phân tích tạm thời qua thử nghiệm giai đoạn 3 vắc xin Sputnik V, cho thấy vắc xin này đạt hiệu quả 91,6% chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Sputnik V đã có mặt tại 21 quốc gia trên thế giới. Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), vốn chịu trách nhiệm tiếp thị vắc xin ra nước ngoài, đã bắt đầu quá trình để Sputnik V được chấp thuận ở Liên minh châu Âu (EU). Cho đến nay, Hungary vẫn là nước thành viên duy nhất trong EU sử dụng vắc xin của Nga.