Đục nước béo cò... đất

17-04-2010 09:05 | Xã hội
google news

Khi thị trường nhà đất đang chững giá, tâm lý người bán không muốn bán sợ bị rẻ. Người mua chần chừ chưa mua vội vì sợ giá còn xuống nữa.

Khi thị trường nhà đất đang chững giá, tâm lý người bán không muốn bán sợ bị rẻ. Người mua chần chừ chưa mua vội vì sợ giá còn xuống nữa. Nhưng khi thị trường nhà đất vào cơn sốt giá thì cả người có nhu cầu thật và người đầu cơ đều muốn mua cho bằng được kẻo nhà đất lại trượt giá nữa. Tâm lý lướt sóng và số đông như vậy làm cho thị trường nhà đất đã nóng lại càng nóng hơn và người được lợi hơn cả là dân môi giới (cò đất) qua các chiêu làm giá cao thủ.

"Siêu" làm giá và kẻ khóc người cười vì mua bán

Quận Hà Đông - một quận mới của Hà Nội, nơi có nhiều dự án nhà ở được triển khai đang là trung tâm các cơn sốt đất ở Hà Nội trong suốt  năm 2009 đến nay. Đi vào địa phận quận, ai cũng có cảm nhận được sức nóng của nó. Đâu đâu cũng thấy treo biển khoanh vùng khu đô thị nọ, dự án kia đang xây dựng dở dang. Trên các tuyến đường, bụi dày đặc bởi các công trình xây dựng và lưu lượng các xe tải chở nguyên vật liệu qua lại suốt ngày đêm. Ở các tuyến phố chính và nơi gần các khu đô thị, trung tâm nhà đất mọc lên như nấm sau mưa. Một người đã sinh sống ở quận Hà Đông lâu năm nói với chúng tôi: “Cò đất ở Hà Đông nhiều vô kể. Họ không là người môi giới đơn thuần mà đã ở đẳng cấp khác. Họ là nhà đầu cơ, đầu nậu, dân “lướt sóng” rất chuyên nghiệp...”.

 Có được ngôi nhà trong khu đô thị mới là niềm mơ ước của bao người.

Bây giờ rất ít cò đất làm môi giới chỉ để hưởng 1% từ giá thành giao dịch. Mánh lới của họ chủ yếu hiện nay  là dìm giá người bán và tạo khan hàng cho người mua để làm giá và ăn chênh lệch. Đa phần người mua nhà đất ở Hà Đông đều là người ở nơi khác đến mua đầu cơ hoặc người ở các tỉnh muốn chuyển về Hà Nội sinh sống. Vì ở xa, nên khi họ cần mua hay cần bán nhà, họ rất khó tìm được khách mà việc  mua bán thường phải nhờ môi giới. Về chuyện này thì anh Thông ở quận Hai Bà Trưng thấm thía lắm: "Không riêng gì Hà Đông mà ở dự án nào cũng có một vài cò đất gần như cai thầu dự án đó. Việc mua bán phải thông qua họ thì mới sang tên được. Chứ mình ở nơi khác đến, không thông thổ địa bàn, khó chuyển tên giấy tờ mua bán lắm". Khi có người cần bán, dân môi giới sẽ tư vấn cho khách hàng về giá bán (đa phần các giá do cò tư vấn đều thấp hơn nhiều giá thị trường đang giao dịch). Ngay sau đó cò đất sẽ bán thông tin cho các trung tâm với nhau để tìm khách mua. Thông tin mỗi lần từ trung tâm nọ sang chỗ kia giá thành bị đẩy lên vài chục thậm chí cả trăm triệu đồng mỗi lô. Ngay khi thị trường đang nóng hầm hập, thế mà nhiều người cần bán vẫn bị dân môi giới liên kết dìm giá đến khổ. Anh Công Trí, một cán bộ có cỡ ở Hà Đông kể lại chuyện mình vừa bán mảnh đất mà anh cảm thấy đau lòng lắm. Vốn là người kín đáo, khi cần bán lô đất 58m2 ở khu đô thị Nam La Khê -Ba La Bông Đỏ cho con lấy vốn mở công ty, anh nghĩ ngay đến cô bạn cùng cơ quan trước đây nay bỏ nghề chuyển sang làm cò đất. Chả gì bằng nhờ người quen, lại biết tính tình thẳng thắn, anh hy vọng lô đất của mình bán được giá. Cô bạn lại hứa như đinh đóng cột: "Anh yên tâm, giá phải được ít nhất 40 triệu đồng/m2, chỉ vài ngày tiền sẽ về tay anh". Năm ngày rồi một tuần, mười ngày trôi qua, anh giục gọi điện bao lần, cô bạn vẫn chỉ nói toàn thông tin làm anh thêm buồn: "Anh ơi, lô đất này khách chê là hướng không đẹp, giá hơi cao, lại phải xuống cùng lúc nhiều tiền quá, họ chỉ trả 35triệu/m2 thôi anh ạ. Em mời bao người mà không ai trả cao hơn". Quá cần tiền, anh đành chấp nhận bán giá 35 triệu/m2. Khách mua đặt tiền buổi sáng, buổi chiều thanh toán đầy đủ luôn. Hai ngày sau, anh gọi điện ra một trung tâm nhà đất thì được biết lô đất của anh đã được cô bạn bán lại ngay ngày hôm sau với giá hơn 40 triệu/m2. Anh chết đứng người, vậy là miếng đất của anh đã bị bán rẻ 300 triệu đồng, và đau lòng hơn, người mà anh tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” đã gài bẫy ăn chặn tiền của anh. Biết chuyện này, em trai anh trách khéo: "Anh tin người quá đấy, đến anh chị em ruột cần mua bán mà bọn cò vẫn lách giá kiếm tiền nữa là...". Đồng tiền đã làm con người ta biến chất nhanh đến vậy!

Với khách  muốn mua được cò đất "quan tâm săn sóc" chu đáo,  chèo kéo ngọt ngào. Một chiêu quen thuộc của cò đất là người mua đồng ý mua mảnh đất nọ thì cò nói là đã bị bán rồi, giờ chỉ còn mảnh này thôi, nếu muốn mua thì phải mua ngay không còn lô nào đẹp hơn nữa đâu, nhiều người hỏi mua lắm mà rất ít người bán. Vậy là người nào muốn mua, đặt cọc ngay là bị sập bẫy làm giá của “cò”. Anh Lợi (Cầu Giấy, Hà Nội) nhớ lại chuyện mua lô đất 77m2 khu đấu giá Vạn Phúc  mà vẫn cảm thấy như đang lạc vào "ma hồn trận". Khu Vạn Phúc bám sát trục đường Lê Văn Lương được đánh giá là khu quy hoạch đẹp nhất Hà Đông, là khởi đầu cơn sốt đất ở đây. Giá cả tăng đến chóng mặt, từ lúc chỉ 20 triệu đồng/m2 mà vài tháng sau đã tăng lên gấp đôi. Anh quyết tâm mua được một lô nhưng gặp phải tay bán cho anh lại là một cò đất có số má ở đây. Tên cò sợ bán rẻ nhưng lại không có tiền để nộp tiếp nên đã hành anh đủ kiểu. Khi “cò” đòi bán giá 38 triệu/m2, anh đồng ý. Ngày mai hắn lại đòi phải 39 triệu/m2, anh cũng đành chấp nhận. Hắn đòi đặt cọc 100 triệu và hai hôm sau phải trả hết tiền ngay. Đến hôm trả tiền, tên cò bảo so với giá hôm đặt cọc phải trả thêm 50 triệu nữa nếu không sẽ có người khác lật kèo ngay. Đã vậy khi mua bán xong tên cò còn cố tình không ký và đưa một số giấy tờ cần thiết để anh sang tên sổ đỏ. Cho đến nay, nhiều người mua như anh đã sang tên và xin giấy phép xây dựng mà anh đành chịu bó tay vì bây giờ giá đất ở đây đã lên cao quá rồi, muốn hắn ký và đưa giấy tờ cho, chắc hắn đòi thêm nhiều tiền lắm” - Anh Lợi ấm ức.

Địa bàn huyện Quốc Oai, nơi gần nhất cũng phải cách trung tâm Hà Nội 25km, thế mà nhà đất nơi đây cũng nóng chẳng kém gì Hà Đông. Cả chục khu đô thị, dự án khu du lịch, khu công nghiệp xuất hiện làm cho nhà đất những khu dân cư lân cận cũng nóng lên từng ngày. Đất phân lô gần Hòa Lạc nay cũng tới 6-8 triệu đồng/m2. Khu đô thị Ngôi nhà mới dù chưa có sản phẩm chính thức giao dịch trên thị trường, nhưng phần đất đền bù nằm ven khu đô thị, chia lô 60m2/hộ cho dân ở thôn Ngô Sài, xã Hoàng Ngô với giấy tờ chủ yếu là mua bán viết tay đang được giao dịch rất sôi động từ mấy tháng nay. Vẫn những chiêu làm giá mua bán lòng vòng giữa các cò đất, một lô đất người dân xã bán ra chỉ khoảng 250-300 triệu đồng, bốn tháng sau được đẩy lên tới gần 700 triệu đồng/lô mà chưa biết giá sẽ còn lên tới bao nhiêu nữa, chỉ có cò đất mới biết.

Qua mỗi lần sốt nhà đất, các cò đất "lên đời" trông thấy. Năm 2009, cò làng nhàng ở Hà Đông cũng bỏ túi 300- 500 triệu đồng. Những cò cao tay kiếm được tiền tỷ. Chị Ngân, một công nhân nghỉ hưu sớm xoay sang làm môi giới nhà đất từ giữa năm 2008. Dù chỉ với văn phòng nhỏ ở trong ngõ, giao dịch chủ yếu qua điện thoại, nhưng được nết làm việc nhiệt tình, xông xáo, thế mà năm 2009 chị cũng kiếm được trên 1 tỷ đồng. Chưa kể chị còn “giắt lưng” được một lô đất trong khu Mậu Lương để làm vốn cho con. Sau đợt sốt đất ở thôn Ngô Sài- Quốc Oai, ai đến cũng thấy nơi đây đổi thay trông thấy. Người dân có tiền bán đất thì lên đời xe máy, sửa nhà cửa, sắm đồ đạc. Những anh cò đất làm giá mua bán lòng vòng thì có tiền tậu cả xe hơi, đổi nhà ra thị trấn.

 Trung tâm môi giới nhà đất mọc lên san sát.

Nên bán hay mua khi sốt giá?

Đã có rất nhiều lời cảnh báo về sự tăng giá bất thường của nhà đất Hà Nội, nhưng vì mải mê lợi nhuận, rất nhiều người vẫn mua khi thị trường nóng. Nhiều bài học của quá khứ vẫn còn đó khi một số người đầu cơ khi thị trường đang đỉnh, đến khi giá giảm lại bị sức ép lãi suất tiền vay đè nặng, họ đành phải bán rẻ, thua lỗ số tiền rất lớn. Có người còn mua phải dự án đã bị thế chấp ngân hàng hay dự án "ma" thì mất trắng. "Cú sốc" từ việc mua đất dự án Vân Canh vẫn còn đó. Rất nhiều đầu nậu tung tin họ đã có hàng, chỉ việc thanh toán tiền chênh lệch, bao giờ có hợp đồng sẽ trả sớm, nhưng kéo dài từ tháng 6/2009 tới nay, chủ đầu tư vẫn chưa quyết định bán chính thức và chưa có hợp đồng khiến nhiều người mất tiền oan. Thử đặt câu hỏi: nếu giá nhà đất cứ trên đà phi mã thế này thì đất dự án sẽ đạt mức bao nhiêu/m2, 100 hay 150 triệu/m2? Điều đó hoàn toàn phi lý khi mà kinh tế thế giới chưa thoát "cơn bĩ cực" và thu nhập của người dân nước ta chưa cao. Một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản  khẳng định, trong khi tình hình kinh tế vĩ mô còn khó khăn, các ngân hàng vẫn chưa dư dả vốn cho vay thì không có lý do gì giá nhà đất  lại tăng nhanh như vậy.

Trong bối cảnh hiện nay, việc bất động sản tăng giá nóng chỉ là hiện tượng “lướt sóng”, làm giá của giới đầu cơ. Vì thế, người có nhu cầu  thật nên thận trọng và chờ những cơ hội mới.

Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Bài và ảnh: Long Hải


Ý kiến của bạn