Đức Miêng, nhạc sĩ tài hoa của miền Quan họ

18-01-2015 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi biết nhạc sĩ (NS) Đức Miêng từ những ngày anh là nhạc công Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Tôi biết nhạc sĩ (NS) Đức Miêng từ những ngày anh là nhạc công Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Mỗi lần trò chuyện với tác giả của khoảng 200 sáng tác, chủ yếu là ca khúc mang âm hưởng dân ca Quan họ, nghe anh tâm sự chân thành và say sưa về Quan họ, tôi càng hiểu sâu sắc tâm huyết và ân tình của người nghệ sĩ dành cho một miền đất cổ trầm lắng nhiều tầng văn hóa.

NS Đức Miêng quê gốc tỉnh Thái Bình, cùng gia đình chạy loạn lên Bắc Ninh từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và gắn bó với miền Quan họ hơn 60 năm qua. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống hoạt động nghệ thuật: Ông nội học Trường Bách nghệ Đông Dương có năng khiếu điêu khắc và hội họa. Bố anh cũng là một họa sĩ. 3 anh em ruột đều là nghệ sĩ thuộc các ngành nghệ thuật biểu diễn khác nhau. Riêng Đức Miêng gắn bó cả cuộc đời với dân ca Quan họ, vừa làm nhạc công, vừa sáng tác, vừa nghiên cứu âm nhạc.

​Nhạc sĩ Đức Miêng.

Từ nhiều năm nay, vào các ngày mồng mười, mười một tháng giêng hằng năm, những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh trong tỉnh và vùng lân cận đều thấy anh xuất hiện với tư cách là Trưởng Ban giám khảo cuộc thi hát đối đáp Quan họ cổ (không có nhạc đệm) - một hình thức giới thiệu, bảo tồn và phát huy giá trị Quan họ trong cộng đồng được đông đảo công chúng đón chờ. Những nhận xét vừa thẳng thắn vừa sâu sắc và tinh tế không những giúp cho thí sinh nhận ra cái duyên Quan họ của mình mà còn mang đến công chúng những hiểu biết mới về âm sắc “vang, rền, nền, nẩy” của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện có một không hai của dân tộc và của nhân loại.

NS Hoàng Vân nhận xét: Đức Miêng là cây bút đầu tiên trên quê hương Quan họ đã góp vào nền ca khúc mới một tiếng nói khiêm nhường và say đắm... nhưng tôi cũng như nhiều người Bắc Ninh đều nể trọng tài hoa của anh về sáng tác ca khúc mang âm hưởng Quan họ. Với tài năng và cả sự táo bạo nghề nghiệp trong sáng tác, anh sớm được giới âm nhạc chú ý và dần dần khẳng định được “thương hiệu”. Nhiều bài hát, tiết mục đã được giới thiệu trên sóng của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam với đồng bào cả nước, bè bạn trên thế giới; các chương trình biểu diễn giới thiệu của Đoàn dân ca Quan Họ Bắc Ninh trước đây (nay là Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh) và trên các sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp và không chuyên ở mảng dân ca như một hiện tượng đặc biệt, tiêu biểu như: Lời thương ta ngỏ cùng nhau, Chung một chiến công, Mùa xuân qua sông Đuống, Về Hội Lim, Hẹn nhau ở sông Đà, Quan họ nơi đảo xa… Với bài Gửi về Quan họ, anh nhận giải thưởng lớn về sáng tác tại Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc năm 1985 và bài Mùa xuân qua sông Đuống được nhận giải thưởng 1 trong 10 bài hát hay nhất năm 1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam. Một số ca khúc của anh luôn được bình chọn đứng đầu bảng về dân ca Quan họ như Lời thương ta ngỏ cùng nhau, Gửi về Quan họ, Chiếc nón ba tầm...

NS Đức Miêng tâm đắc với những nét đẹp trong dân ca Quan họ, điển hình như: Nón ba tầm, Trầu cau Quan họ với phần lời ca thắm thiết, sâu nặng như khơi, như gợi tưởng sức mạnh tiềm ẩn của đời sống tâm hồn nơi thôn dã. Ca khúc Chiều biên giới là tác phẩm đầu tiên được sáng tác khi anh tròn 27 tuổi trong đợt cùng 3 đồng nghiệp, trong đó có NS Phó Đức Phương đi điền dã, một ca khúc mang giai điệu và ca từ dễ nhập tâm, lại được đặt lời theo làn điệu Mười nhớ - một bài dân ca Quan họ Bắc Ninh quen thuộc. Giữa tiếng bom đạn ầm ào, xe tăng rầm rập rung chuyển đất trời thì bài hát thiết tha và ngọt ngào tình cảm ấy đã như một lời động viên, khích lệ chân thành từ hậu phương đến với những chiến sĩ và đồng bào đang làm nhiệm vụ giữ gìn từng tấc đất trên biên cương Tổ quốc. NS Đức Miêng cho biết: “Một tháng sau, tôi nhận được 400 lá thư phản hồi cùng với một yêu cầu duy nhất: Mong muốn được nghe lại bài hát”. Trong một chuyến xe lửa cùng Đoàn Dân ca Quan họ vào Nam biểu diễn, khi con tàu đang vào khúc quanh lượn qua đèo Hải Vân thì tất cả như lặng đi khi cha con người hát xẩm cất giọng “Chiều biên giới anh thầm nhớ về, bao lo lắng bộn bề...”. Hình ảnh người cha mù loà thổi hồn vào từng câu chữ, cô con gái sáng mắt tay cầm chiếc thìa kim loại gõ theo lời hát của cha cứ ám ảnh mãi người nhạc sĩ tài hoa ấy. Anh tâm sự: “Hình như ông giời cũng thật công bằng với người hát xẩm mù, để cho những cảm nhận cuộc đời thẩm thấu bằng đôi tai và dội lại cuộc sống qua thính giác của người nghe”.

Ca khúc Gửi về Quan họ, với nhịp hát vừa phải mang phong cách dân ca vừa duyên dáng, đằm thắm lại lúng liếng, đong đưa của người Quan họ, mang đậm hơi thở thời đại, đến nay vẫn được nhiều người yêu thích. Vì đó là tâm sự của chàng trai yêu mến đất và người miền Quan họ mà chưa một lần đặt chân đến làng Quan họ để “Trọn tình nghe canh hát trao duyên”, “Chưa biết dòng sông Cầu ngàn đời vui sóng nước lơ thơ”, cũng “Chẳng biết đến bao giờ ngồi tựa mạn thuyền nghe câu hát đợi chờ...”. Những e ấp của người Quan họ đã lấp lánh trong mắt người đang cầm súng nơi biên giới xa xôi, trào dâng xúc cảm lạ kỳ khi nghe khúc hát dân ca dù “Chưa đội chiếc nón và hỏi xem đây đã mấy hẹn mấy hò, mà sao người Quan họ cứ giấu nụ cười thầm trong vành nón ba tầm và trong tà áo tứ thân đi hội mùa xuân...”.

Những năm gần đây, ca khúc Dịu dàng của NS Đức Miêng chính là sự tiếp nối nhất quán tư tưởng tình cảm ấy của tác giả suốt mấy chục năm ôm đàn, cầm bút. Trong bối cảnh “nỗi đau thân thế” trước hiện thực xã hội còn xô bồ, nét dịu dàng trong cuộc sống cứ ngày một vơi đi thì ca khúc Dịu dàng mang đến cho người nghe một trạng thái man mác như thoảng, như mơ đầy sức thuyết phục và năng lực neo giữ con người trước những phong ba bão táp của cuộc đời: “Dịu dàng là cánh chim câu. Bay lên mà chẳng làm đau khung trời. Dịu dàng là áng mây trôi. Lững lờ mà chẳng hẹn người về đâu...”.

Cuộc sống riêng tư của NS Đức Miêng  không suôn sẻ, đường tình duyên của anh không may mắn. Nhưng anh thầm cảm ơn số phận, cảm ơn những trắc trở, sóng gió trên đường đời để anh đứng vững hơn sau mỗi lần vấp ngã. Anh chưa hiểu “Bắc Ninh có tự bao giờ mà người và đất hóa nên thơ”, “bây giờ đẹp như cô gái dáng tươi xinh, mạnh như Sơn Tinh…” nên dù là người con của vùng quê lúa Thái Bình nhưng hơn một hoa giáp đắm mình trong văn hoá Quan họ, anh đã mê say “ánh mắt em cười lúng liếng”, “ngọt khúc dân ca”, “và tình yêu non nước dâng đầy”. Nếp cảm, nếp nghĩ của người Quan họ đã bồi đắp trong anh Yêu một Bắc Ninh nồng nàn, mê đắm như chính quê mình; thành quả về sáng tác và nghiên cứu dân ca Quan họ là tấm lòng tri ân với vùng đất Kinh Bắc đã vun đắp nên một Đức Miêng tài hoa lung linh như những làn Quan họ.

Trước khi nghỉ hưu, anh là Trưởng phòng Văn hóa Nghệ thuật (Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh) nhưng tài năng và tâm huyết của anh đã khắc sâu trong tâm khảm các liền anh, liền chị và những người yêu mến quan họ trong và ngoài tỉnh. NS Đức Miêng đã được UBND tỉnh Bắc Ninh, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen, được nhận Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho tập khảo cứu dân ca Quan họ Yêu một Bắc Ninh... Trong những ngày đất nước chuẩn bị bước vào mùa xuân mới Ất Mùi 2015, anh vinh dự được đón nhận Quyết định của Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

  Hồng Minh

 

 

 


Ý kiến của bạn