Đức coi dịch COVID-19 là thách thức lớn nhất từ sau thế chiến thứ II

19-03-2020 13:47 | Quốc tế
google news

SKĐS - Thủ tướng Đức Angela Merkel lần đầu tiên mô tả cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra là thách thức lớn nhất đối với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Trong vòng 3 tuần, từ 25/2-17/3, số quốc gia/vùng lãnh thổ có người mắc COVID-19 đã tăng gấp 4 lần. Đến nay, 173 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.  Trong khi số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc tăng rất ít, thì số ca mắc ngoài Trung Quốc lại tăng vọt, đặc biệt là ở châu Âu.

Trong vòng 3 tuần, số ca mắc của các quốc gia/ vùng lãnh thổ bên ngoài lục địa Trung Quốc đã tăng gấp 38 lần (từ 2.681 ca vào ngày 25/2 lên 102.856 ca mắc vào ngày 17/3). Cho đến nay, số ca mắc bên ngoài Trung Quốc đã vượt xa Trung Quốc.

*Tại Trung Quốc đại lục, tới nay ghi nhận 80.906 ca mắc. Trong báo cáo sáng 19/3, Ủy ban y tế quốcgia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ngày 18/3 lần đầu tiên ghi nhận không có ca nhiễm mới trong nước kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát hồi tháng 1/2020.  Tuy nhiên, số ca nhiễm mới có nguồn gốc nước ngoài tăng 34 ca - mức cao nhất trong ngày ghi nhận trong 2 tuần qua. Trong đó, 21 ca ở Bắc Kinh, 9 ca tại Quảng Đông, 2 ca tại Thượng Hải, 1 ca tại Hắc Long Giang và 1 ca ở Chiết Giang. Theo đó, tổng số ca nhiễm từ nước ngoài vào Trung Quốc đại lục đến nay là 189 ca.  Như vậy cũng như các quốc gia khác, Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ dịch bệnh không chỉ bên trong mà còn cả từ bên ngoài vào Trung Quốc.

Châu Âu các điểm tham quan vắng vẻ vì dịch bệnh

*Tiểu bang Washington (Mỹ) xác nhận vừa có 2 người Mỹ gốc Việt tử vong vì COVID-19.  Bệnh nhân thứ nhất là một phụ nữ sinh năm 1946, tử vong ngày 16/3 tại thành phố Seattle thuộc bang Washington, nơi hiện đang có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất ở Mỹ. Người này được phát hiện có nhiễm virus SARS-CoV-2 trong một trại dưỡng lão ngày 9/3, xét nghiệm cho kết quả dương tính. Bệnh nhân tử vong sau một tuần nhập viện.

Bệnh nhân thứ hai là một người cao tuổi khiếm thị, sống tại một viện dưỡng lão cũng ở tiểu bang Washington. Dù đã được chuyển đến bệnh viện để chữa trị nhưng bệnh nhân  qua đời sau đó 24 giờ.

Italy thông báo số người chết cao kỷ lục

*Theo Cơ quan bảo vệ dân sự Italy, trong ngày 18/3 Italy đã có 475 bệnh nhân tử vong, riêng tại vùng Lombardy là 319 người. Đây không chỉ là con số kỷ lục tại Italy mà còn là kỷ lục trên toàn thế giới, vượt trên cả số bệnh nhân cao nhất từng thiệt mạng trong ngày tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

*Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, tất cả các trường học trên cả nước sẽ đóng cửa từ ngày 20/3, một động thái phòng ngừa dịch bệnh trên cả nước. Trước đó Anh đã cấm người già ra khỏi nhà để phòng ngừa dịch bệnh COVID-19.

Quyết định trên được đưa ra sau khi Anh có 104 người tử vong vì COVID-19 và số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng thêm 676 người, nâng tổng số ca mắc bệnh lên thành 2.626 người. Chính phủ Anh cho biết, sẽ nâng gấp đôi số người được kiểm tra, xét nghiệm tại những  nơi dịch diễn biến nghiêm trọng, với 25.000 ca/ngày.

Thủ tướng Đức A.Merkel

*Trong thông điệp được phát trực tiếp toàn quốc lần đầu tiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã mô tả vấn đề Covid-19 gây ra là thách thức lớn nhất với nước Đức kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Thủ tướng Merkel kêu gọi toàn thể dân chúng tuyệt đối tuân thủ các quy định và những hạn chế mà chính quyền liên bang và các bang đưa ra, nhấn mạnh, cần phải giảm thiểu tất cả những gì có thể gây nguy hiểm cho mọi người ở Đức.

Bà Merkel nêu rõ, cần phải tôn trọng việc duy trì khoảng cách lẫn nhau và việc đóng lại cuộc sống công cộng thường nhật là "vấn đề sống còn".

Thủ tướng Đức cũng nhấn mạnh, những quy định áp đặt cho mọi hành động hiện nay là nhằm làm chậm sự lây lan của virus, có thể kéo dài nhiều tháng và giúp giành lợi thế về mặt thời gian nhằm ứng phó với dịch bệnh. Theo bà, tất cả sẽ phụ thuộc vào việc mọi người tuân thủ và thực hiện các hạn chế mà không có ngoại lệ với bất cứ trường hợp nào.


HY
Ý kiến của bạn