Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá

18-11-2023 17:20 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Từ năm 2016, huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu gắn với nhiệm vụ giảm nghèo. Trong những năm gần đây, để gây dựng cuộc sống ấm no, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện đã chú trọng phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu.

Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù nên vùng đất Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) là nơi sinh tồn và phát triển của rất nhiều loài dược liệu quý có giá tị rất tốt đối với sức khỏe con người. Với hơn 300 loài cây dược liệu khác nhau sinh trưởng tại các vùng rừng núi trên địa bàn, huyện Nam Trà My đã và đang có nhiều giải pháp bảo tồn và hướng đến phát triển kinh tế xanh, giảm nghèo bền vững cho người dân.

Vườn ươm cây giống huyện Nam Trà My tại thôn 3 xã Trà Nam có diện tích 2,5ha hiện là nơi cung cấp nguồn giống cây dược liệu cho toàn huyện với gần 1,5 triệu cây giống mỗi năm.

Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện cho biết, vườn ươm cây giống huyện Nam Trà My tại thôn 3 xã Trà Nam có diện tích 2,5ha hiện là nơi cung cấp nguồn giống cây dược liệu cho toàn huyện với gần 1,5 triệu cây giống mỗi năm. Vườn ươm này được nâng cấp, mở rộng qua từng năm, các hệ thống trang thiết bị được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ giống cây dược liệu tại địa phương. Dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra quy mô 6 ha để đáp ứng cây giống chất lượng cao cung cho cho nhu cầu phát triển trong và ngoài huyện.

Tại đây, những cây giống được cung cấp được chăm sóc, kiểm tra và chọn lọc bài bản, mục đích chính là bảo tồn gen và nâng cao chất lượng các loại cây dược liệu trên địa bàn huyện. Hằng năm, đơn vị gieo ươm cung cấp nhu cầu cho cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp khoảng từ 1,5-2 triệu cây, trong đó khoảng 1 triệu cây quế, còn lại là các loại cây dược liệu khác như sâm nam, sa nhân, giảo cổ lam, đương quy, giổi xanh...

Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá- Ảnh 1.

Mô hình trồng cây sâm nam cho thu nhập cao của đồng bào tại huyện Nam Trà My.

Huyện Nam Trà My triển khai đề án bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn gắn với nhiệm vụ giảm nghèo của địa phương từ năm 2016. Đề án dựa trên hình thức nhà nước và người dân cùng làm; trong đó, huyện hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân để phát triển các loại cây dược liệu thành sản xuất hàng hóa, tổ chức đào tạo đội ngũ làm dịch vụ phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, đóng gói, trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm các loại cây dược liệu trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, nhân dân ở cả 10 xã trên địa bàn đã tổ chức trồng cây dược liệu dưới tán rừng, với các loài cây chính như đảng sâm, đương quy, lan gấm, đinh lăng, sơn tra, giảo cổ lam, sa nhân…, cây sinh trưởng và phát triển khá tốt, bước đầu mang lại thu nhập. Qua kiểm tra, đánh giá tình hình cây dược liệu cho thấy cây đảng sâm, sa nhân có tỷ lệ sống dao động 85-90%, tỷ lệ sống cao nhất tại các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang. Dựa vào cây dược liệu, nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên thành hộ khá.

Để ổn định đầu ra cho các sản phẩm dược liệu của người dân, huyện Nam Trà My đã tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng nông sản đặc trưng miền núi. Qua đó, tạo điều kiện để người dân tiêu thụ, bình quân mỗi phiên chợ khoảng 500kg sản phẩm dược liệu các loại như: đảng sâm tươi, giảo cổ lam, lan kim tuyến, thất diệp nhất chi hoa, chè dây… Các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện cũng đã tổ chức thu mua sản phẩm thô của người dân, sau đó sơ chế, chế biến, đóng gói sản phẩm cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi năm bình quân người dân bán ra thị trường khoảng 5-6 tấn dược liệu các loại.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, việc thực hiện mô hình lấy ngắn nuôi dài trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tích cực, bằng việc trồng các loại cây dược liệu ngắn ngày để kiếm thêm nguồn thu đã giúp người dân an tâm hơn trong quá trình chăm sóc các loại cây lâu năm như sâm Ngọc Linh hay quế Trà My, cũng từ đó, diện tích cây dược liệu tăng qua càng năm, góp phần vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.


PV
Ý kiến của bạn