Đưa vắc xin viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng thường xuyên trong tiêm chủng mở rộng

14-05-2015 06:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Dự kiến vào tháng 6-2015, toàn bộ các điểm tiêm chủng trên cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết dự kiến vào tháng 6-2015, toàn bộ các điểm tiêm chủng trên cả nước sẽ triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Theo ông Phu, hiện nay cơ bản các tỉnh đã triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản vào tiêm chủng thường xuyên, chỉ còn lại một số tỉnh chưa triển khai.

Vắc xin viêm não Nhật Bản được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997 tại một số huyện nguy cơ cao cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Đến năm 2014, phạm vi triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được triển khai tại tất cả các huyện của 63 tỉnh, thành phố dưới hình thức tiêm chủng chiến dịch (hàng năm tùy theo từng tỉnh sẽ triển khai vào một khoảng thời gian nhất định, thường tổ chức tiêm vào quý IV hàng năm để phòng chống mùa viêm não Nhật Bản vào đầu năm sau).

Lịch tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được tiêm ba mũi, mũi một khi trẻ 1 tuổi, mũi hai sau mũi 1 từ 1-2 tuần,mũi ba sau mũi hai một năm.

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ

Tiêm vắc xin là cách tốt nhất để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản cho trẻ

Liên quan đến vắc xin viêm não Nhật Bản, thay vì một năm tổ chức 2 đợt tiêm miễn phí vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản; từ tháng 4 Hà Nội đưa văcxin này vào tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã, phường.

Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng (Hà Nội) cho biết, vắc xin sẽ được tiêm cho trẻ 1-3 tuổi trong các buổi tiêm chủng thường xuyên tại các trạm y tế xã phường (một tháng 2 đợt). Đây là vắc xin do Việt Nam sản xuất.

Những năm trước thành phố Hà Nội đã tiêm miễn phí vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ nhưng tổ chức thành các chiến dịch, 1 năm 2 đợt vào các tháng 4-5-6 và 10-11. Mục đích là tạo miễn dịch cho trẻ trước những đợt cao điểm của dịch bệnh.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cũng lưu ý, bệnh viêm não Nhật Bản do muỗi truyền, là bệnh nguy hiểm vì tỷ lệ tử vong cao, để lại di chứng thần kinh nặng nề. Tháng 7 được coi là đỉnh của dịch bệnh. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng, tuy nhiên nếu chỉ tiêm 1 mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%. Tiêm đủ 3 mũi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, rời chuồng gia súc xa nhà. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Thái Bình

 

 


Ý kiến của bạn