Hưởng ứng tháng an toàn giao thông quốc gia, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng (CHD) phối hợp với Phòng hướng dẫn tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông và điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an tổ chức hoạt động truyền thông nhằm nâng cao kiến thức của nhà trường, phụ huynh và học sinh về thực hiện quy định sử dụng thiết bị an toàn, dây đai an toàn, vị trí ngồi an toàn cho trẻ em được chở trên xe ô tô và một số nội dung liên quan đến bảo vệ trẻ em quy định trong Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Hoạt động này diễn ra tại các trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc; tiểu học Thanh Xuân Nam; Trường Mầm non Định Công trên địa bàn TP Hà Nội thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh tiểu học, mầm mon.
Tại các chương trình, Thiếu tá Trần Thanh Bình - Phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông đã chia sẻ, giao lưu, hỏi đáp, trò chuyện với nhà trường và các em học sinh về những điểm mới của luật Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định về bảo vệ trẻ em khi đi xe ô tô:
Theo đó, các con đi học, đi chơi trên xe ô tô của gia đình hay đi taxi cần lưu ý một số điểm, cụ thể:
Lựa chọn vị trí ngồi an toàn trong ô tô: Vị trí thích hợp nhất cho các con là ở hàng ghế sau (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế). Điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro tổn thương cho con nếu không may xảy ra sự cố.
Luôn thắt dây đai an toàn: đây là điểm bắt buộc theo Luật quy định và để đảm bảo an toàn cho chính các con, cần hình thành thói quen này mỗi khi ngồi vào xe ô tô. (Khoản 2 Điều 10 Luật Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ đường bộ, hiệu lực 1/1/2025: Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn khi tham gia giao thông đường bộ).
Sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trong ô tô. Ghế trên ô tô được thiết kế dành cho người lớn, do đó cơ thể của trẻ sẽ lọt thỏm trong lòng ghế, khiến các con dễ bị dịch chuyển, lắc lư và dây đai an toàn không thể thắt gọn.
Do đó, Thiếu tá Thanh Bình lưu ý các bậc phụ huynh: Các con cần sử dụng thiết bị an toàn như ghế ngồi chuyên dụng, đệm nâng, đai ghế ngồi ô tô cho trẻ em (dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ hiệu lực 1/1/2026).
Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em phù hợp.
"Khi ngồi trong xe ô tô, xe bus, các con tuyệt đối không chạy nhảy, nô đùa, nghịch ngợm. Việc đùa nghịch trên xe khiến các con dễ bị ngã, va chạm vào các bộ phận trên xe dẫn đến chấn thương, đặc biệt khi xe chạy nhanh hay đổi hướng. Đồng thời, các con chơi đùa trên xe sẽ gây ảnh hưởng đến người lái xe, đặc biệt là sự an toàn của các con nếu không may có sự cố xảy ra"- Thiếu tá Trần Thanh Bình nhấn mạnh và lưu ý các nhà trường cần có trưng bày các standee, băng rôn tuyên truyền, và có khu vực trưng bày các loại thiết bị an toàn để phổ biến cho giáo viên, phụ huynh và học sinh hiểu rõ hơn về các loại thiết bị an toàn trên xe ô tô hiện có.
Ngoài những nội dung trên, trong các buổi sự kiện tuyên truyền, ban tổ chức còn tập trung thêm vào các chủ đề đi bộ an toàn: để đảm bảo an toàn, các con hãy đi bộ trên vỉa hè, lề đường hoặc sát mép đường bên phải và luôn chú ý quan sát để tránh các phương tiện giao thông đang di chuyển;
Qua đường an toàn bằng cầu vượt, hầm hoặc nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Hãy dừng lại và quan sát an toàn trước khi qua đường, không đột ngột chạy qua đường hoặc mất tập trung khi qua đường;
Đi xe đạp an toàn: Lựa chọn xe đạp phù hợp với chiều cao của trẻ. Trẻ khi tham gia giao thông không lạng lách, đánh võng, rẽ đột ngột trước đầu xe khác, cần chú ý quan sát và giơ tay xin đường khi muốn chuyển hướng rẽ
Chuyên gia cũng lưu ý việc tuyệt đối không được đứng hoặc ngồi ở phía trước người lái xe vì đây là vị trí nguy hiểm nhất. Ngồi trên xe ngay ngắn, đội mũ bảo hiểm bám chắc vào người lớn chở mình để đảm bảo an toàn; lên/ xuống từ phía bên trái của xe...