Hà Nội

Đùa trên màn ảnh nhỏ - Vui, đừng vui quá!

16-10-2020 09:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Những trò đùa lố lăng của các nghệ sĩ khách mời ở một số gameshow, thậm chí cố tình khai thác những khía cạnh lệch lạc với mục đích tạo hiệu ứng câu view là một trong những vấn đề của truyền hình hiện nay.

Cộng đồng LGBT bị khai thác quá mức?

Đối với một số game show, khai thác cuộc sống, tình cảm của người thuộc cộng đồng LGBT là một “vũ khí” sắc bén để thu hút sự quan tâm của khán giả, điển hình có thể kể tới Come out - Bước ra ánh sáng, Just love, Nghe cầu vồng nói - LGBT Việt... Bên cạnh đó, không ít chương trình hẹn hò, mai mối cũng có người chơi đồng tính như Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò hay Người ấy là ai. Trong số này, có tập bị nhận xét “lợi dụng cộng đồng LGBT” khi chọn góc khai thác tiêu cực, vô tình tạo cái nhìn lệch lạc, hiểu lầm nơi khán giả. Thậm chí, rất nhiều lần, với những bản đăng lại trên mạng, việc giật tiêu đề chỉ tập trung vào chuyện nhạy cảm, giường chiếu còn gây phản cảm, suồng sã, thiếu văn minh.

Người ấy là ai - một chương trình mai mối cho những bạn nữ còn độc thân không ít lần gây lùm xùm liên quan đến cộng đồng LGBT. Theo format, chương trình “dán nhãn màu” cho các khách mời nam (xanh - độc thân; đỏ - đã có vợ/người yêu; tím - người thuộc giới tính thứ 3) và yêu cầu người nữ loại người đã có chủ, người thuộc giới tính thứ 3 để chọn được đối tượng độc thân có thể kết đôi với mình. Tuy nhiên, việc nhìn ngoại hình hay cử chỉ để phán đoán về xu hướng tình dục được cho là không phù hợp, thiếu thuyết phục, đầy định kiến.

Bên cạnh đó, những nhận định của dàn cố vấn như “ăn mặc chải chuốt chắc chắn là màu tím”, “bóng bẩy thường là đồng tính”, “không biết chăm sóc ngoại hình sẽ là trai thẳng”... cũng tạo ra cái nhìn  phiến diện, chỉ dựa vào ngoại hình để đánh giá giới tính. Bởi thực tế, xu hướng tính dục của một người sẽ không thể hiện ra ngoài một cách đơn giản, nông cạn như vậy.

Đùa trên màn ảnh nhỏChương trình Người ấy là ai không ít lần gây lùm xùm liên quan đến cộng đồng LGBT.

Chuyện không hề đơn giản

Từng có hàng loạt game show bị khán giả phản ứng mạnh mẽ do nhà sản xuất thiếu tiết chế hoặc “vô tình” đưa những hình ảnh bị đánh giá phản cảm lên sóng. Ví như chương trình Đố ai hát được từng bị khán giả phản ứng khi lấy sự sợ hãi của người chơi ra làm trò đùa. Cụ thể, khách mời được đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá... nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài.

Người chơi ban đầu muốn tìm cảm giác mạnh với những thử thách rèn luyện bản lĩnh ở cuộc chơi. Nhưng khi bắt đầu, không ít người muốn bỏ cuộc vì thách thức quá “dã man”. Các ca sĩ từ nam đến nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Trong khi đó, bộ ba giám khảo liên tục thích thú, vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm của người chơi và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ. Có lẽ khán giả chưa quên phần thi Hồ thiên nga của ca sĩ Mia, khi cô đang la hét vì bị đổ rắn vào người, MC còn dùng tay chọc vào đùi khách mời để dọa thêm. Sau một vài số phát sóng trên giờ vàng, Đố ai hát được đã phải dừng sóng vì phản ứng dữ dội từ khán giả.

Gần đây, nhóm Cờ cá ngựa gồm Trấn Thành và nhóm bạn thân Quang Trung, Trúc Nhân, Ali Hoàng Dương thường xuyên cùng nhau góp mặt trong các sự kiện, game show. Trên mạng xã hội, những video ca hát hoặc chia sẻ khoảnh khắc đời thường của họ thu hút lượt người xem đông đảo. Sự nổi tiếng và sức hút của họ sẽ không có gì đáng chê trách nếu như họ không quá ồn ào trên một game show gần đây. Trong chương trình Nhanh như chớp nhí, Giọng ải giọng ai, bộ tứ này đã gây nên những phản ứng trái chiều với người xem. Đa số khán giả cho rằng nhóm Cờ cá ngựa nói quá nhiều, làm lố và kém duyên.

Những phút đầu tiên của chương trình, nhóm Cờ cá ngựa hát và trêu đùa nhau quá “hồn nhiên” khiến nhiều khán giả cảm thấy khó chịu. Đa số cho rằng màn thể hiện của cả nhóm không phù hợp với chương trình. Ở game show Nhanh như chớp nhí, nhân vật chính phải là các em nhỏ, nhưng ở tập 18, mọi sự tập trung lại đổ dồn vào khách mời. Do đó, so với các tập khác của Nhanh như chớp nhí, màn xuất hiện của 4 em nhỏ lần này khá mờ nhạt.

Khán giả dễ nhận ra các em nhỏ bị “đứng hình” trên sân khấu, đối lập hoàn toàn trước sự tung hứng quá đà và ồn ào của nhóm Cờ cá ngựa. Không những đùa thái quá ở vòng mở đầu, đến phần trả lời câu hỏi, khán giả một lần nữa cảm thấy ngán ngẩm bởi màn trêu đùa dài dòng của những vị khách mời này. Chỉ việc đội trưởng nào lên trả lời câu hỏi trước, họ cũng nói qua lại kéo dài gần một phút. Tiếp đó, Quang Trung nhiều lần bắt bẻ, nói vòng vo với Trấn Thành khi đưa ra đáp án...

Có thể thấy, đa số các chương trình phát sóng hiện nay đều được xã hội hóa, do tư nhân sản xuất. Và đối diện với bài toán kinh tế trong thời buổi bùng nổ game show luôn căng thẳng với nhà sản xuất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không thể vì lợi nhuận mà cố gắng tạo ra những trò lố trên màn ảnh nhỏ, gây ra sự khó chịu nơi khán giả.


Nam Phương
Ý kiến của bạn