Hà Nội

Đưa thêm nhiều loại vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng

07-05-2016 13:14 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, từ tháng 6 tới, một số vắc xin mới sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên miễn phí.

Bộ Y tế cho biết, từ tháng 6 tới, một số vắc xin mới sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng thường xuyên miễn phí.

Theo đó, vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật bản B, vắc xin sởi-rubella, vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 6.

Còn vắc xin bại liệt tiêm (IPV) sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2017 và vắc xin phòng chống tiêu chảy do virus Rota sẽ được đưa vào sử dụng từ năm 2018.

Tiêm chủng mở rộng góp phần phòng, chống bệnh tật cho hàng triệu trẻ em Việt Nam

Cục Y tế dự phòng cho biết, việc đưa thêm các vắc xin nói trên vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng nhằm mục đích để người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều vắc xin tiêm chủng, vì chỉ có tiêm vắc xin mới bảo đảm phòng bệnh một cách bền vững và có thể loại trừ, hoặc thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vắc xin mới vào sử dụng như vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, vắc xin phòng bệnh cúm A/H5N1, cùng với gần 30 loại vắc xin đã được sử dụng tại Việt Nam dưới hình thức tiêm dịch vụ.

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ quay trở lại và bùng phát thành dịch, trong đó có các bệnh truyền nhiễm có vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều chiến dịch tiêm chủng như: chiến dịch tiêm vắc xin viêm não Nhật bản B, uống vắc xin phòng bại liệt cho trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi và rubella cho gần 20 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi và gần đây là đối tượng 16-17 tuổi.

Bộ Y tế cũng cho hay, sau 30 năm triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã được những thành tựu to lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng của ngành y tế trong công tác tiêm chủng, nước ta đã thanh toán được bệnh đậu mùa từ năm 1979, thanh toán bệnh bại liệt từ năm 2000 và loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.

Để đạt được những thành quả trên, trong những năm gần đây, Bộ Y tế đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ. Nhiều quy định về tiêm chủng đã được pháp lý hoá nhằm nâng cao trách nhiệm của người làm công tác tiêm chủng cũng như việc quản lý, triển khai được chặt chẽ, khoa học và khả thi hơn. Ngành y tế đã tổ chức nhiều hội thảo với các Bộ, ngành, các địa phương nhằm xoá thôn bản “trắng”, vùng “lõm” về tiêm chủng.

Công tác tiêm chủng mở rộng ngày càng được triển khai sâu rộng, đổi mới

Với những đổi mới trong công tác tiêm chủng trên nhiều mặt như bổ sung vắc xin mới an toàn, hiệu quả; triển khai nhiều giải pháp trong quản lý cũng như điều hành công tác tiêm chủng, Bộ Y tế mong muốn người dân Việt Nam ngày càng được phòng nhiều bệnh truyền nhiễm hơn nữa thông qua tiêm chủng nhiều loại vắc xin hiệu quả, an toàn. Tiếp tục giữ vững thành quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, tiên tới loại trừ bệnh sởi, giảm tỷ lệ mắc viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi dưới 1% và khống chế thành công các bệnh có vắc xin phòng bệnh nhằm làm tốt công tác bảo vệ sức khoẻ cho người dân, góp phần chống quá tải bệnh viện, đảm bảo an sinh xã hội.

Nhằm tích cực kiện toàn các quy định chung về công tác tiêm chủng, đảm bảo quyền lợi cho người dân và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác trong ngành, Bộ Y tế dự thảo Nghị định Quy định về hoạt động tiêm chủng. Trong đó có đổi mới mạnh mẽ về một số điểm được xã hội quan tâm như:

1. Tăng cường sự tiếp cận của người dân với dịch vụ tiêm chủng thông qua việc cho phép bất kỳ cơ sở y tế nào cũng có thể thành lập điểm tiêm chủng và có thể tiêm chủng các loại vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng bên cạnh việc tiêm vắc xin dịch vụ nếu đảm bảo quy định, quy chuẩn của Bộ Y tế. Đặc biệt, có thêm quy định hướng dẫn về điểm tiêm chủng lưu động tại nhà đối với các xã miền núi, vùng sâu vùng xa.

2. Có cơ chế cụ thể trong vấn đề định giá vắc xin, bao gồm việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ tiêm chủng xác định rõ cơ chế đầu tư trong tiêm chủng nhằm tạo điều kiện để tiêm chủng thực hiện tốt.

3. Đề cập việc bồi thường trong tiêm chủng theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để giải quyết quyền lợi của người tiêm chủng khi thực hiện tiêm chủng bắt buộc theo nghĩa vụ.

Thái Bình
Ý kiến của bạn