Hà Nội

Đùa nghịch ngày Tết, bé gái 16 tháng bị mảnh vỡ cốc thuỷ tinh làm thủng thành bụng

17-02-2021 17:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bé gái 16 tháng tuổi ở Mê Linh- Hà Nội trong lúc đùa nghịch đã làm vỡ một cốc thủy tinh, mảnh vỡ của cốc cắm vào bụng trẻ, làm thủng thành bụng, toàn bộ ruột non chui ra ngoài ổ bụng...

Tai nạn hy hữu này xảy ra ngày mùng 2 Tết Tân Sửu. Rất nhanh chóng, bố mẹ đã đưa trẻ tới Bệnh viện đa khoa Phúc Yên (Hà Nội) sơ cứu, đắp gạc ấm che hết toàn bộ ruột, sau đó bệnh nhi được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhi đã được cấp cứu đặt nội khí quản, chuyển thẳng ngay phòng mổ. Kíp trực Ngoại do TS.BS Nguyễn Văn Linh - Trưởng khoa Ngoại gây mê hồi sức - Trung tâm Quốc tế đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhi.

Trong mổ cấp cứu, các bác sĩ phát hiện trẻ có vết thương thấu bụng do mảnh vỡ của cốc thủy tinh kích thước 2x3 cm, làm toàn bộ ruột non chui ra ngoài ổ bụng. Kiểm tra trong mổ, trẻ có lỗ thủng mặt trước dạ dày kèm theo.

phau thuat be gai 16 thang

Các y bác sĩ tiến hành phẫu thuật cấp cứu ngay trong ngày Têt cho bé gái 16 tháng tuổi ở Mê Linh- Hà Nội bị mảnh vỡ của cốc thuỷ tinh cắm vào bụng, làm thủng thành bụng, toàn bộ ruột non chui ra ngoài ổ bụng...       Ảnh: BSCC

Bệnh nhi đã được khâu lỗ thủng dạ dày, đưa toàn bộ ruột trở lại ổ bụng và khâu phục hồi vết thương thành bụng. Hiện tại bệnh nhân đã cai được máy thở, ăn uống sinh hoạt bình thường.

Ca phẫu thuật tai nạn của bé gái này chỉ là 1 trong số 50 ca phẫu thuật trong đó có nhiều trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt đáng tiếc mà các bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện trong những ngày Tết Tân Sửu.

PGS.TS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương- Trưởng khoa Ngoại tổng hợp khuyến cáo: ở trẻ em các bậc cha mẹ cần chú ý tránh để các đồ vật như thuỷ tinh, sắc nhọn; Các yếu tố nguy cơ dễ gây bỏng như nước sôi, dầu mỡ nóng và điện; Các đồ trẻ dễ cho vào miệng như đồng xu, viên pin, nam châm; Các chất lỏng nguy hiểm như thuốc tẩy, acid... gần trẻ. Các đồ vật có nguy cơ cao cần để ngoài tầm với của trẻ và trong tầm kiểm soát của người lớn.

"Các tai nạn sinh hoạt ở trẻ rất dễ xảy ra nếu người lớn không chú ý, hiều trường hợp các tai nạn này có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Khi phát hiện các tai nạn này, cần sơ cứu ban đầu và đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế chuyên khoa sớm để được xử trí kịp thời"- PGS.TS Phạm Duy Hiền lưu ý.


Thái Bình- Khánh Chi
Ý kiến của bạn