Hà Nội

Đưa kỹ thuật cao về gần dân

23-09-2015 15:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Sau hơn 7 năm triển khai Đề án 1816, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã có những cách làm hay, tạo hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh...

Sau hơn 7 năm triển khai Đề án 1816, ngành y tế tỉnh Hải Dương đã có những cách làm hay, tạo hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, trong đó cái được lớn nhất là giảm tải cho các bệnh viện (BV) tuyến tỉnh. Bởi, nhiều BV tuyến huyện đã thực hiện được những kỹ thuật tương đương với BV tuyến tỉnh.

Đưa kỹ thuật cao về gần dân

BVĐK Hải Dương chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cho bệnh viện tuyến dưới. Ảnh: MH

Gần 3 tháng nay, chị Phan Thị Xuyên (40 tuổi, ở xã Gia Xuyên, Gia Lộc) hằng ngày không còn phải lên BVĐK tỉnh chạy thận. Khi BVĐK Gia Lộc được chuyển giao kỹ thuật chạy thận nhân tạo, chị đã được chuyển về đây điều trị. “Suốt 2 năm qua, do BVĐK tỉnh quá tải nên tôi phải chạy ca 3 từ 3 giờ 30 chiều đến 8 giờ tối. Chạy thận xong thường người rất mệt nên tôi phải nhờ gia đình đưa đón. Nay chuyển về huyện điều trị, tôi được chạy ca sáng nên việc đi lại cũng đỡ vất vả hơn”, chị Xuyên cho biết. Cũng giống như chị Xuyên, anh Nguyễn Văn (41 tuổi, ở xã Thống Nhất, Gia Lộc) có 8 năm liền gắn bó việc điều trị tại BVĐK TP. Hải Dương. Anh cho biết, mỗi tháng cả chi phí điều trị lẫn đi lại, ăn uống cũng mất khoảng 3 triệu đồng. Trong khi đó, gia đình anh lại thuộc diện hộ nghèo, sức khỏe yếu cũng không cho phép anh làm việc nặng nên theo đuổi điều trị là cả sự nỗ lực lớn. Từ khi chuyển về huyện điều trị, mọi chi phí đi lại, ăn uống đã giảm đáng kể.

Nếu như trước đây, những bệnh nhân như chị Xuyên, anh Văn phải lên BVĐK tỉnh, BVĐK TP. Hải Dương điều trị thì nay họ được điều trị ngay tại nhà.

Một trong những yếu tố mang lại hiệu quả của Đề án 1816 là do chương trình đào tạo cho y, bác sĩ tuyến huyện được triển khai khá rộng rãi ở các BV tuyến tỉnh. Chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nhu cầu tuyến dưới đề xuất, xác định rõ đối tượng, nội dung, điều kiện cần và đủ để đào tạo, thực hành. BV Nhi Hải Dương đang thực hiện các chương trình đào tạo, chuyển giao gói kỹ thuật về hồi sức cấp cứu sơ sinh cho các BV tuyến huyện. Theo BS. Nguyễn Thị Thức - Giám đốc BV Nhi Hải Dương, việc thực hiện Đề án 1816 hiện nay đã có những bước phát triển theo hướng thiết thực hơn đối với các đơn vị được thụ hưởng. Nếu như trước đây, các BV thường chỉ cử bác sĩ về tuyến dưới với yêu cầu rất chung chung thì nay có sự thống nhất chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu của BV tuyến dưới và phù hợp với khả năng đáp ứng của BV tuyến trên. Đồng thời, thực hiện Đề án 1816, BV cũng lồng ghép nhiều hoạt động trong các dự án như “Hỗ trợ y tế các tỉnh Đông Bắc Bộ và đồng bằng sông Hồng”, Dự án Norred... của ngành y tế. Bên cạnh đó, các BV tuyến tỉnh như BVĐK tỉnh, BV Phụ sản, BV Nhi đều có các hoạt động tích cực chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, trong đó chú trọng các kỹ thuật thuộc các lĩnh vực chuyên khoa như ung bướu, tim mạch, sản, nhi, chấn thương và một số chuyên khoa phụ trợ. Hoạt động chuyển giao kỹ thuật cũng được kiểm tra, giám sát hằng tháng. Vì vậy, việc chuyển giao kỹ thuật hiện nay đã có tính bền vững hơn, khi các “thầy giáo” đi thì cơ sở đã tự triển khai thực hiện được các kỹ thuật. Kết quả qua các năm, số lượt cán bộ đi tăng cường và số kỹ thuật chuyển giao cho tuyến dưới liên tục tăng. Riêng năm 2014, có 184 lượt y, bác sĩ được luân phiên cử đi hỗ trợ theo đề án, hơn 400 kỹ thuật được chuyển giao và hàng nghìn y, bác sĩ được tập huấn chuyên môn, góp phần giảm tải đáng kể cho các BV tuyến trên. Tỷ lệ chuyển tuyến trên tổng số lần khám bệnh cũng giảm qua các năm, riêng năm 2014 giảm từ 64,35% xuống còn 51%.

Chuyển giao các gói kỹ thuật theo Đề án 1816 đã cho hiệu quả thiết thực, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng.

Hải Hà

 


Ý kiến của bạn