Trong những năm gần đây, xu hướng của dịch HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi. Từ lây nhiễm HIV qua đường máu là chủ yếu, giờ đây dịch bệnh HIV/AIDS đã chuyển sang xu hướng lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Đối tượng nhiễm HIV gia tăng chuyển từ nhóm tiêm chích ma tuý sang nhóm nam giới trẻ, những người trong nhóm từ 15-30 tuổi, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng tính)...
Để đạt được mục tiêu Chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 đòi hỏi Việt Nam phải có những giải pháp kịp thời và hiệu quả. ThS.BS Hoàng Nam Thái, Phó trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Sức khoẻ và Đời sống về vấn đề này.
Phóng viên: Việc gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV trong các nhóm thanh niên sẽ tác động thế nào đến mục tiêu phòng chống HIV của Việt Nam?
ThS.BS Hoàng Nam Thái: Kiểm soát HIV trong nhóm trẻ thực sự là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu kiểm soát dịch tại Việt Nam. Việc này còn khó khăn nhưng cũng có những giải pháp.
Theo thông tin chúng tôi nhận được từ các nhân viên tiếp cận cộng đồng và các bác sĩ điều trị, một lý do quan trọng khiến các bạn trẻ mắc HIV là do họ thiếu hiểu biết về các nguy cơ nhiễm HIV. Thậm chí có những bạn không biết HIV là gì. Có bạn khi biết mình mắc HIV nhưng không nhận thức được đó là một vấn đề sức khỏe quan trọng.
Một số nhận thức được các nguy cơ và thậm chí nghĩ rằng họ đã mắc HIV, nhưng họ sợ tiếp cận các dịch vụ dự phòng và xét nghiệm HIV vì họ sợ bị kỳ thị.
Vì thế, chúng ta cần thông tin đến các bạn trẻ sự thật về HIV, các lựa chọn an toàn và hiệu quả để dự phòng và điều trị HIV, và rằng họ có thể sống khỏe mạnh bằng cách sử dụng các dịch vụ HIV hiện có. Mặc dù hiện nay đã có những loại thuốc điều trị HIV hiệu quả, điều tốt nhất vẫn là không để mình và cộng đồng mắc HIV.
Hơn nữa, không nên coi HIV là một vấn đề sức khỏe riêng biệt, mà nên lồng ghép chủ đề HIV như một phần của các cuộc trò chuyện rộng hơn về sức khỏe như sức khỏe tinh thần, thể chất, sức khỏe tình dục, sự đa dạng giới tính và chấp nhận đa dạng giới.
Chúng tôi đã cùng với các đối tác tại Việt Nam cố gắng đảm bảo các dịch vụ này được cung cấp theo cách thân thiện, nhân ái để các bạn trẻ có trải nghiệm tốt khi họ tìm kiếm sự chăm sóc.
Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đối tác để lắng nghe các bạn trẻ và thiết kế các giải pháp cụ thể nhằm phục vụ thanh thiếu niên tốt nhất, hướng đến những thế hệ tương lai không có HIV tại Việt Nam.
Phóng viên: Nhiều người được phát hiện nhiễm HIV từ lúc còn là thanh niên, trẻ tuổi, thậm chí mới tốt nghiệp hết cấp 3… Điều này cho thấy cần thiết phải có các giải pháp ngăn chặn sớm lây nhiễm HIV ở nhóm này, đó là các giải pháp gì?
ThS.BS Hoàng Nam Thái: Để tiếp cận và cung cấp dịch vụ hiệu quả cho thanh thiếu niên, chúng ta cần có các giải pháp liên ngành giữa các ngành Y tế và Giáo dục. Trước tiên, chúng ta cần đưa kiến thức về đa dạng giới, khuynh hướng tình dục và những hành vi nguy cơ có liên quan vào nội dung giáo dục giới tính hiện tại để các bạn trẻ hiểu về những khái niệm quan trọng này.
Chúng ta cũng nên lồng ghép kiến thức về nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây qua đường tình dục (STI) vào nội dung giáo dục sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục hiện tại của Bộ Giáo dục.
Chúng ta có thể cung cấp các hoạt động truyền thông và nâng cao hiểu biết về sức khỏe, về khuynh hướng tình dục, bản dạng giới và biểu hiện giới (SOGIE), sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và HIV/STI ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông để thanh thiếu niên được trang bị kiến thức sớm và chủ động phòng ngừa.
Hãy huy động và trao quyền cho chính thanh thiếu niên để họ trở thành sứ giả truyền thông, nhằm tăng sức hấp dẫn của sự kiện truyền thông. Chúng ta cũng hãy lắng nghe thanh thiếu niên để biết được những câu hỏi, mối quan tâm và sở thích của các bạn trẻ về các chủ đề riêng tư như tình dục và các mối quan hệ yêu đương. Nếu chúng ta lắng nghe tốt, chúng ta có thể thiết kế các dịch vụ và chương trình hiệu quả hơn.
Chúng ta biết rằng một vấn đề quan trọng đối với mỗi người đó là quyền riêng tư và bảo mật, với thanh thiếu niên, thì điều này đặc biệt quan trọng. Vì vậy, cần thiết kế các dịch vụ xét nghiệm và dự phòng HIV riêng tư và bảo mật hơn cho thanh thiếu niên để các em có thể tự tin tiếp cận và sử dụng các dịch vụ. Một điểm quan trọng khác mà chúng ta cần cân nhắc là điều chỉnh các chính sách để thanh thiếu niên từ 15 đến dưới 18 tuổi có thể tiếp cận và sử dụng PrEP để phòng ngừa HIV mà không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc người giám hộ.
Phóng viên: Dịch HIV vẫn đang diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng trong nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đây là những quần thể ẩn nên rất khó tiếp cận, khó triển khai các can thiệp cần thiết. Hơn nữa, hành vi nguy cơ của nhóm này rất phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, sử dụng ma túy khi quan hệ tình dục (chemsex), quan hệ tình dục tập thể... Vậy có những rào cản nào trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS của các nhóm này?
ThS.BS Hoàng Nam Thái: Có nhiều rào cản đối với thanh thiếu niên và MSM trẻ trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV.
Rào cản đầu tiên là khoảng trống trong nhận thức của các em. Nếu các em không hiểu được nguy cơ của bản thân, không hiểu được những lợi ích và các biện pháp để dự phòng HIV, các em sẽ không sử dụng các dịch vụ này.
Rào cản thứ hai là thiếu thông tin về các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV, cũng như nơi và cách tiếp cận các dịch vụ này. Các em cần phải được biết rằng các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV rất an toàn và hiệu quả.
Rào cản thứ ba là thiếu các dịch vụ thân thiện phù hợp với thanh thiếu niên, nhất là với các bạn MSM trẻ. Các dịch vụ HIV tại các cơ sở y tế hiện nay chủ yếu được thiết kế để phục vụ người lớn. Nhiều nơi không có không gian riêng tư để tư vấn cho khách hàng, những người có mối quan tâm chính đáng về quyền riêng tư và tính bảo mật. Do đó, những người trẻ tuổi có thể thích đến các phòng khám tư nhân hoặc phòng khám cộng đồng hơn vì họ cho rằng ở đó, thông tin của họ được bảo mật tốt hơn.
Chúng tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ nhận được các dịch vụ thân thiện, chất lượng cao và bảo mật ở bất kỳ nơi nào họ tìm kiếm sự chăm sóc. Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác của mình để đảm bảo điều đó được thực hiện ở Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ sở y tế thường cung cấp các dịch vụ HIV trong giờ hành chính. Điều này gây khó khăn cho sinh viên và người lao động trẻ vì họ cũng phải đi làm hoặc đi học trong những giờ đó.
Rào cản thứ tư là quy định về độ tuổi tự quyết định sử dụng dịch vụ, cụ thể là dịch vụ PrEP mà tôi đã đề cập ở trên.
Tin tốt là tất cả những rào cản này có thể được giải quyết bằng cách lắng nghe các bạn trẻ để giải quyết mối quan tâm của họ và thiết kế các dịch vụ theo sở thích của họ. Nếu Việt Nam có thể giải quyết những rào cản này, điều này sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm nguy cơ nhiễm HIV ở những người trẻ tuổi.
Phóng viên: Hiện nay tại các khu công nghiệp, trường đại học, trung tâm giáo dục… là nơi tập trung đông thanh niên, giới trẻ, tuy nhiên hoạt động truyền thông về HIV, các dịch vụ như tư vấn, xét nghiệm HIV dường như chưa hiệu quả. Làm cách nào để để các đối tượng trẻ tuổi có thể tiếp cận với thông tin về HIV một cách chính xác, thuận lợi nhất?
ThS.BS Hoàng Nam Thái: Các bạn trẻ ngày nay sử dụng và yêu thích các mạng xã hội. Ngoài giờ học hoặc giờ làm việc, họ dành khá nhiều thời gian để lên mạng. Do đó, tiếp cận trực tuyến trên mạng xã hội là một cách tiếp cận quan trọng. Tuy nhiên, cần phải tiếp cận bằng các thông điệp dự phòng HIV ngắn gọn, cụ thể và thú vị trên các mạng xã hội phổ biến trong giới trẻ như Zalo, TikTok và các ứng dụng hẹn hò. Chúng ta đã thấy những thành công lớn khi các bạn trẻ được phép sáng tạo trong việc thiết kế các thông điệp, tạo tiếng vang với bạn bè của họ.
Chúng ta cũng cần thuyết phục các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo khu công nghiệp để triển khai các phương án truyền thông phù hợp với các khu công nghiệp như các buổi truyền thông nhóm lớn hoặc nhóm nhỏ do công nhân và cán bộ công đoàn thực hiện. Hoặc sử dụng pano và áp phích trong các khu công nghiệp để truyền tải thông điệp về HIV. Chúng ta cũng nên đảm bảo quyền riêng tư, bảo mật và an toàn khi hướng dẫn người lao động sử dụng các dịch vụ HIV.
Trong trường học, chúng ta có thể huy động sự hỗ trợ và tham gia của học sinh, giáo viên, Đoàn Thanh niên hoặc Hội Sinh viên. Họ có thể đóng vai trò tích cực, như là cộng tác viên truyền thông nếu họ được cung cấp đủ kiến thức và kỹ năng. Để tạo ra sự thay đổi bền vững, chúng ta cần hướng tới việc cập nhật kiến thức mới về HIV vào tài liệu giảng dạy trong nhà trường.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.